Nhạc sĩ của núi rừng

Nhạc sĩ của núi rừng

(GD&TĐ) - Nguyễn Cường thu hút bất cứ ai tiếp xúc với ông, ẩn trong cái chất bụi bặm ồn ào là một tâm hồn tinh tế giàu cảm xúc. Ông mang cái vẻ hào hoa thanh lịch của người Hà thành, cộng với sự hoang dã, kiêu hãnh như một dòng thác dữ dội của cao nguyên vào trong âm nhạc của mình. Điều tưởng như đối nghịch đó đã làm nên một Nguyễn Cường riêng biệt, rất tài hoa mà vô cùng độc đáo. 

Bén duyên với Tây Nguyên

Nguyễn Cường sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Bạc, được thừa hưởng vóc dáng to cao và một tâm hồn ưa phiêu lưu mạo hiểm từ người cha, vốn là một phi công hàng không dân dụng thời Pháp thuộc. Tuổi thơ của ông là những trưa hè trốn ngủ trèo sấu ven hồ Hoàn Kiếm, hay cùng bạn bè biến thành những nhà thám hiểm trong các ngõ sâu hút mắt của phố cổ. Ông bảo: “Cũng như bao đứa trẻ khác, tôi cũng biết trèo me, hái sấu, câu cá câu tôm ở Bờ Hồ, cũng nghếch mắt coi sách cọp, cũng vòi mẹ mua kem Tràng Tiền. Những cây kem Tràng Tiền tuổi thơ tôi thơm mát đến tận bây giờ…

Biết bao kỷ niệm gắn bó với Hà Nội, lớn lên ai cũng nghĩ ông sẽ theo nghề của cha hay học một nghề gì đó thời thượng như kỹ sư hoặc thầy giáo, nhưng ông lại thi vào Nhạc viện, học trung cấp violloncent rồi học sáng tác. Biết con trai quyết chí theo học nhạc, mẹ ông chỉ cười trừ, bởi bà biết không có gì ngăn cản được cậu con trai lãng tử.

Năm 1981, ông được phân công vào Tây Nguyên công tác. Nơi mảnh đất cao nguyên đầy nắng gió, chàng trai Hà thành Nguyễn Cường tập ăn những món ăn của người dân tộc, tập leo núi, đi rừng bằng đôi chân của một người thành thị. Những tưởng nắng, gió và sốt rét rừng sẽ khiến ông nản lòng mà bỏ về, bởi ông bảo rằng: ngày mới vào, nhớ Hà Nội da diết chỉ thèm được về nhà, ra bờ Hồ ngồi hóng gió hay nghe thấy tiếng các bà, các chị đi chợ sớm trên phố. Chỉ thế thôi cũng đủ nguôi đi nỗi nhớ rồi.

Nhưng nỗi nhớ ấy nhanh chóng bị những tiếng cồng, tiếng chiêng, những phận đời của núi rừng Tây Nguyên khỏa lấp. Nguyễn Cường bắt đầu cảm nhận được đằng sau sự mộc mạc hoang dã kia là cả một nền văn hóa không ở đâu có được. Ông quyết định ở lại để tìm hiểu. Cũng thời gian này, ông gặp và làm quen với Y Moan, chàng trai Ba Na, người sau này trở thành tri kỷ của ông. Họ đã chắp cánh cho tiếng hát và âm nhạc của nhau bay xa. Y Moan đã đưa ông đi khắp núi rừng Tây Nguyên, càng đi ông càng thấy gắn bó với mảnh đất và con người nơi đây.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường
Nhạc sĩ Nguyễn Cường

Kỷ niệm về ca khúc đầu tiên

Với Tây Nguyên, ông như một người tri kỉ nhưng có lẽ chưa bao giờ Nguyễn Cường cho mình là một nhà văn hóa Tây Nguyên như nhiều người vẫn yêu mến phong cho ông. Đơn giản vì ông chỉ cảm được Tây Nguyên, cảm đủ để hát, nó tự nhiên như một dòng chảy bất tận, như tình yêu trai gái vậy. Tây Nguyên, với ông mãi như nữ thần mặt trời, còn ông mãi là chàng Đam San kiêu bạc mà thôi.

Ngày ông đặt chân lên mảnh đất Tây Nguyên năm 1981 và sáng tác nên ca khúc đầu tay H’Jen lên rẫy, cũng là ngày nền âm nhạc Việt Nam định vị được một Nguyễn Cường đầy đam mê với chất Rock Tây Nguyên. Ông kể về kỷ niệm khó quên về cô gái làm nên cảm xúc cho ông sáng tác bài hát: Đó là một buổi chiều mùa hè, sau khi gác lại công việc, Nguyễn Cường một mình thong dong đi bộ trên con đường đất đỏ. Giữa cái bạt ngàn xanh mướt của cao su, cà phê, màu đỏ của đất bazan trên con đường trải dài hun hút, bỗng nhiên xuất hiện một cô bé trạc khoảng 16, 17 tuổi. “Lúc đó tôi nhớ đến mấy câu nói Y Moan từng dạy để giao tiếp với người Ê Đê. Tôi hỏi nàng: ‘Y no hơ tênh’?, nghĩa là: ‘Em đi đâu đấy’, nàng mỉm cười trả lời: ‘No ma’. No ma là gì thì chịu rồi. Nhưng lúc đó muốn bắt chuyện lắm, muốn bắt chuyện mà không biết tiếng dân tộc của nàng thì dở quá. Tôi đành hỏi liều: ‘Em có biết tiếng Kinh không?’. Không ngờ nàng biết thật và còn nói rất giỏi nữa. Nàng tên H’Jen, ở buôn 35. Hôm đó, H’Jen vận chiếc váy truyền thống của dân tộc Ê Đê. Tóc đen buông xõa, vai mang gùi, vừa đi vừa hát. Bóng dáng bé nhỏ của em như đung đưa theo những cơn gió đại ngàn. Con đường đất đỏ, màu xanh cỏ cây, mặt trời đỏ rực, những hình ảnh ấy khiến tôi rạo rực. Âm nhạc bật ra và nhảy nhót trong đầu. Tối đó tôi viết một mạch xong bài H’Jen lên rẫy. Sau này, bài hát được đoàn ca múa nhạc ĐăkLăk chọn làm tiết mục đi thi văn nghệ toàn quốc.

Nguyễn Cường còn được người hâm mộ cả nước biết tới những tình khúc Tây Nguyên nổi tiếng như: Em muốn sống bên anh trọn đời, Ly cà phê Ban Mê…và không dưới 50 ca khúc, tác phẩm khí nhạc chất liệu Tây Nguyên. Tuy nhiên, những ca khúc của ông chưa bao giờ đụng nhau về ca từ, nội dung mà đều bừng lên sự khát khao, nóng rẫy những cảm xúc tươi mới đang căng tràn trong từng điệu nhạc. Điều độc đáo hơn cả ở Nguyễn Cường là ông đã giúp người Việt Nam hiểu Tây Nguyên qua mỗi tên núi, tên sông, tên đường được ông lồng ghép một cách khéo léo. Chính ông, đã khiến chúng ta yêu núi Chư Prông, biết núi Chư Quin, mơ tới đôi mắt Pleiku… Nhạc của Nguyễn Cường cứ chảy tự nhiên, như một phong cách không thể lẫn với bất cứ ai viết về Tây Nguyên.

Hàng chục ca khúc được biết tới của Nguyễn Cường đã được giọng hát của YMoan và Siu Black thể hiện thành công và giọng ca của hai con chim họa mi nơi núi rừng ấy được bay xa như ngày hôm nay cũng nhờ thể hiện những ca khúc của ông. Sự ra đi của người tri kỉ Y Moan là nỗi đau, nỗi mất mát lớn của Nguyễn Cường. 

Vẫn trẻ trong những tình khúc mới!

Đã 30 năm qua, kể từ ngày Nguyễn Cường đặt chân tới mảnh đất Tây Nguyên, tới hôm nay, ngọn lửa ấy vẫn còn rực cháy trong những tác phẩm mới của ông. Tháng 5.2011 vừa qua, người nhạc sĩ Hà thành ấy vừa tự kỉ niệm 30 năm nhân ngày đến với Tây Nguyên của mình bằng một ca khúc mới tinh, đó là Bay lên C’ư Kuin (Chư Quin). Đây là một “Huyện ca” về vùng đất mới tách ra của tỉnh Đắk Lắk, một vùng đất vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ.

Ông kể: “Khi mình cùng với đồng chí Phó Chủ tịch huyện tới một gia đình nông dân dưới chân núi Chư Quin. Tới nhà, chúng tôi gọi mãi chẳng thấy ai, chỉ có mỗi đàn dê chạy ra kêu be be đón khách… Mãi một lúc sau, mới có một cô bé mới 16, 17 tuổi từ trên cây ổi tụt xuống. Lúc ấy, cô bé không biết hai người đàn ông lạ kia là ai, cũng không hỏi han gì, cứ thế mời chúng tôi vào nhà, mời khách ăn một quả đu đủ… ươn. Tới buổi chiều, khi gia đình họ đi làm rẫy về, mời hai chúng tôi ăn cơm chiều, xong xuôi mới hỏi chúng tôi là ai. Sau này chúng tôi mới biết gia đình ấy gốc Nghệ An vào đây lập nghiệp, nhưng điều hay là lối ứng xử của họ lại rất giống với tục đón khách của người Ê Đê trong “Trường ca Đam San”. Cách họ tiếp đãi chúng tôi là một chi tiết thú vị nói lên sự hòa nhập của người nhập cư tới đây sinh sống cũng đã mang trong mình được cái tinh thần phóng khoáng và rộng rãi của người Tây Nguyên”.

Không thể phủ nhận được rằng, cái tình trong mỗi ca khúc viết về Tây Nguyên của Nguyễn Cường rất đặc biệt. Ông chia sẻ, trong Bay lên Chư Quin, cảm xúc trực tiếp viết ca khúc ấy có được cũng là nhờ hình ảnh cô bé gái nhắc ở trên đó. “Khi mới nhìn thấy cô bé ấy, tôi đã cảm nhận ngay được cái sức sống tràn trề của một vùng đất mới. Với tôi, một vùng đất có được một loài hoa đẹp hay một quả núi đẹp nhưng không bằng một con người đẹp và cô bé ấy như đại diện cho vẻ đẹp cả một vùng đất. Vì vậy, toàn bộ ca khúc mang cảm giác bay lên bởi tình người, bởi sức trẻ Tây Nguyên. “Ta còn nghe được gió, ta còn ngó được trăng, từng đàn bê tung tăng và tình người sâu nặng. Ta đặt thơ gọi gió, ta mượn gió gọi duyên, mặt trời gọi bình minh, lên mắt môi người xinh (…) dang tay bay lên… bay lên Chư Quin” (Lời ca khúc).

Hà An

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ