Thí sinh “nội” sính “ngoại”
Trước tiên phải kể tới một sân chơi truyền hình khá nóng Vietnam Idol. Chương trình đã tạo ra cơn sốt với rất nhiều yếu tố bất ngờ, kịch tính từ chính những ca khúc tiếng Anh của các thí sinh. Đã có chương trình, BTC dành cả một đêm cho thí sinh thể hiện các ca khúc nước ngoài và nhận được sự hưởng ứng từ khán giả cho các thí sinh dự thi... Từng chấn động nhất có thể kể tới trường hợp của Uyên Linh. Thời điểm đó, mặc dù không phải là thí sinh tạo được sự chú ý cho ban giám khảo và khán giả từ đầu, nhưng khi cô gái này thể hiện Take me to the river ban giám khảo vỡ òa trong xúc động. Có giám khảo đã đập bàn vì quá bấn loạn, giám khảo khác lại khẳng định “khán giả phát điên”. Uyên Linh trở thành một “diva nhạc ngoại” trong mắt khán giả.
Một trong những sân chơi khác mà nhạc ngoại cũng từng lên ngôi phải kể tới là Vietnam’s Got Talent với những “cơn mưa” tài năng nhạc ngoại. Có thể thấy chưa một chương trình tìm kiếm tài năng nào mà nhiều thí sinh thể hiện nhạc nước ngoài như vậy. Từ hiện tượng Youtube khiến giám khảo bật khóc vì xúc động khi nghe My heart will go on - Vũ Song Vũ, đến nàng tiên cá Hương Thảo với Popular, Part of your world, Thinking of me. Phương Anh bùng cháy cùng Let’s Dance,Võ Trọng Phúc khiến cho hàng vạn khán giả “mất ăn mất ngủ” bởi các ca khúc tiếng Anh của mình như Home, “giọng ca thiên thần” Vũ Đình Tri Giao với You raise me up. Và nổi đình nổi đám hơn cả gần đây chính là gameshow The Voice khi có thời điểm phần đông thí sinh khởi đầu bằng hát nhạc ngoại. Nhiều ý kiến cho rằng The Voice khuấy đảo làn sóng âm nhạc Việt không chỉ bởi sự hóm hỉnh, duyên dáng của 4 huấn luyện viên “quyền lực” qua các năm mà còn bởi nhiều thi sinh lấy nhạc ngoại làm “vũ khí” ra mắt và đều được giám khảo lựa chọn. Một sân chơi vẫn được đánh giá là mang tính chuyên nghiệp và khắt khe nhất đối với người thi như Sao Mai - Điểm hẹn thì cũng không bỏ qua việc thử thách thí sinh với nhạc ngoại. Đã từng có năm, Sao Mai điểm hẹn thử thách thí sinh qua 7 đêm thi theo từng phong cách pop, rock, R&B... vẫn dành hẳn một đêm cho nhạc nước ngoài.
Vị thế nhạc Việt ở đâu
Phải chăng ca khúc Việt không có bài nào đáng để hát. Hay những bài hát Việt không thể giúp cho các thí sinh thể hiện được. Hay giọng ca Việt chỉ có thể hát hay khi hát bằng tiếng Anh?...
Nhìn nhận về vấn đề này, theo các nhạc sĩ thì ca sĩ hát nhạc ngoại yêu cầu phải phát âm chuẩn, cần hiểu lời bài hát để cảm nhận... còn độ nhấn nhá, lên xuống, cách thể hiện tinh tế, làm mới thì nhạc Việt khó hơn rất nhiều. Nhạc sĩ từng làm giám khảo Vietnam Idol khi nhận xét về chất lượng thanh nhạc của thí sinh nói: Nếu hát các ca khúc bằng tiếng Anh, thí sinh sẽ dễ hơn. Bởi vì tiếng Anh không có thanh sắc, nên dễ dàng che lấp được nhiều nhược điểm trong cách nhả chữ, tạo điểm nhấn. Phải chăng vì vậy mà khán giả cũng không khỏi bất ngờ khi Võ Trọng Phúc chỉ có thể hát tốt nhạc ngoại, và chính thí sinh này còn thốt lên: Hát tiếng Việt là… tiêu luôn. Và cũng dễ hiểu khi Ban giám khảo ưu ái cho dòng nhạc này cũng như sự cổ vũ từ khán giả đều dành cho các ca khúc nước ngoài. Còn đối với những thí sinh hát nhạc Việt một là dừng bước hoặc được nhận xét: Cần làm mới hơn.
Đành rằng, những ca khúc mà các thí sinh thể hiện trong các cuộc thi hát là những ca khúc nổi tiếng khắp thế giới nhưng không có nghĩa khán giả trong nước ai cũng biết và cũng từng nghe. Trình độ ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng của đại đa số người Việt còn chưa cao. Số người nói và nghe được tiếng Anh chưa nhiều thì việc các thí sinh chọn bài hát tiếng nước ngoài để thể hiện sẽ là một “thách thức” lớn đối với người xem, nghe. Liệu có bao nhiêu người nghe được, hiểu và cảm nhận đó là một bài hát hay?
Ở một góc độ khác, một ca sỹ có thể hát bài hát tiếng Anh rất hay nhưng chưa chắc đã hát tiếng Việt một cách tròn vành rõ chữ được. Điểm khó nhất của người Việt học tiếng Anh là cách phát âm. Chỉ riêng việc nói cho người bản xứ hiểu được đã là việc không đơn giản thì việc hát để người khác cảm nhận được bài hát đó thực sự hay lại càng khó hơn gấp trăm lần. Việc nối chữ, nuốt chữ cho chuẩn, ngân nga làm sao cho thể hiện rõ nét cảm xúc thực sự không phải là điều dễ làm. Ngay cả những ca sỹ chuyên nghiệp của chúng ta khi hát bằng tiếng Anh cũng có những chỗ “phô” thì những thí sinh không chuyên liệu có thể làm tốt hơn được không.
Theo chia sẻ của nhiều nhạc sỹ thì không hiếm ca sỹ Việt hát nhạc ngoại rất hay nhưng đằng sau họ là cả một chuỗi những tháng ngày khổ luyện. Và khi đã hát tiếng Anh tốt rồi, quay lại hát tiếng Việt thường dễ bị khô cứng. Ngược lại, với một giọng ca thường xuyên hát tiếng Việt và bắt đầu hát tiếng Anh như một cách làm mới thì hiệu quả không có gì đáng kể. Điều đó có nghĩa, cả khi ca sỹ đã thành danh thì việc lựa chọn tiếng Anh làm điểm bắt đầu cũng không phải là cách làm thông minh.
Rõ ràng, hát nhạc ngoại có những đòi hỏi không quá khắt khe và kỹ thuật như hát nhạc Việt. Chính vì vậy, sau những đêm nhạc tạo hiệu ứng nhờ nhạc ngoại, khán giả vẫn khát khao kiếm tìm những thần tượng âm nhạc, giọng hát Việt... đầy cảm xúc mà chưa thấy. Và dù BTC một số chương trình để tạo cú hích cho thí sinh vẫn chấp nhận để thí sinh hát ca khúc nhạc ngoại và ghi điểm, nhưng sau đó khán giả vô cùng thất vọng khi họ hát những ca khúc Việt.
Nhìn các cuộc thi âm nhạc đang nở rộ trên truyền hình cho thấy, nhạc ngoại đang là xu hướng được thí sinh lựa chọn và mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với nhạc Việt. Đây có thể là con dao hai lưỡi đối với cả thí sinh lẫn nhạc Việt. Số ít khán giả ủng hộ việc thí sinh hát tiếng nước ngoài bởi Việt Nam đang giao thoa hội nhập với thế giới. Nhưng đối với các chương trình truyền hình phục vụ cho 100% người Việt, những ca khúc bằng tiếng mẹ đẻ cần được tôn trọng và gìn giữ.