Ca khúc phái sinh phải được tuân thủ theo luật bản quyền

GD&TĐ - Lâu nay, việc chuyển ngữ các bản nhạc quốc tế ra lời Việt thường được thực hiện một cách tự do. Thậm chí những ca sĩ cũng sử dụng những sản phẩm âm nhạc phái sinh này một cách tự nhiên. Rõ ràng theo Luật Sở hữu trí tuệ cũng như công ước Berne, thì việc chuyển ngữ từ phiên bản gốc và trình diễn những ca khúc này cũng cần phải tuân thủ theo luật pháp.

Ca khúc phái sinh phải được tuân thủ theo luật bản quyền

Thói quen “xài” miễn phí

Có đến hàng trăm ca khúc nhạc ngoại lời Việt đang lưu hành nhưng đa phần người sử dụng không biết tác giả lời Việt là ai. Một phần do các tài liệu âm nhạc quảng bá ít chú trọng đến tác giả lời Việt. Phần nữa, hầu như các ca sĩ đã quen cách làm lâu nay hễ muốn thì cứ hát, ít người liên lạc xin phép tác giả phần chuyển soạn lời Việt. Hơn nữa trước đây, vấn đề thu phí tác quyền cho tác phẩm phái sinh hầu như không được tác giả chú trọng, nên lâu dần trở thành cái lệ xài miễn phí.

Có nhiều ca khúc nước ngoài được chuyển ngữ trong đó có những ca khúc với ca từ sâu lắng đầy xúc cảm đã đi vào trái tim của những người yêu âm nhạc. Những bài hát như Chiều Matxcơva (Vasili Solovyov-Sedoy), Mưa trên biển vắng (Emil Dimitrov và Patricia Carli), Triệu bông hồng (Raimond Voldemarovich Pauls), Tình ca du mục (Boris Fomin)… Những bài hát này không chỉ ngọt ngào, du dương về giai điệu mà khi được việt hóa đã mang lại những tình cảm gần gũi với khán thính giả Việt Nam. Cũng có trường hợp những bài hát này còn được chuyển ngữ ở nhiều nước khác trên thế giới.

Đây cũng là hiện tượng phù hợp với nhu cầu thưởng thức âm nhạc của công chúng. Nếu như trước đây khi Việt Nam chưa tham gia Công ước Berne năm 2006 và Luật Sở hữu trí tuệ cũng chưa được ban hành một cách đầy đủ thì việc chuyển ngữ các bài hát như thế cũng chưa được xem xét và đánh giá một cách thấu đáo. Tuy nhiên, một khi hành lang pháp lý trong lĩnh vực âm nhạc được bảo hộ thì việc thực thi vấn đề tác quyền cần phải được chấp hành nghiêm chỉnh.

Cần tôn trọng luật về bản quyền

Mới đây ca khúc Toi Jamais của tác giả Michel Mallory (Pháp) với lời Việt: Anh thì không của tác giả Vũ Xuân Hùng đã gây ra những chuyện lùm xùm không đáng có. Ca sĩ Mỹ Tâm đã hát bài hát này với lời Việt mà không xin phép tác giả Vũ Xuân Hùng. Sau khi được nhắc nhở nữ ca sĩ đã xin lỗi tác giả lời Việt và lập tức tung ra phiên bản mới có tên gọi Em thì không (lời Châu Đăng Khoa). Song xét về ca từ thì phiên bản này không ăn sát với bài hát gốc của nhạc sĩ người Pháp.

Do việc quản lý còn lỏng lẻo, nên hầu hết các bài hát nhạc ngoại đặt lời Việt trước đây đều không xin phép tác giả bản gốc. Thường khi nghe bản nhạc gốc thấy hay, các nhạc sĩ chuyển ngữ hay đặt lời mới bằng tiếng Việt. Vấn đề thu phí tác quyền đối với ca sĩ hát cũng không có. Vì vậy lâu dần thành tiền lệ nhiều ca sĩ coi nhẹ việc xin phép tác giả viết lời Việt khi họ biểu diễn các bài hát này.

Trên thế giới, bản quyền quốc tế của một ca khúc được xác lập cả phần nhạc và phần lời. Nếu phần lời thay đổi theo bất kỳ hình thức nào cũng ảnh hưởng trực tiếp đến yếu tố thẩm mỹ của nguyên tác. Hành xử đúng theo luật bản quyền quốc tế, thì muốn trích dịch hoặc viết lời khác cũng phải xin phép tác giả.

Thời điểm phần lời Anh thì không ra đời có thể chưa bị soi xét kỹ về bản quyền quốc tế. Nhưng tại thời điểm lời chuyển ngữ Em thì không của Châu Đăng Khoa, luật sở hữu trí tuệ đã có hiệu lực thì tác giả khi chuyển ngữ sang lời Việt cũng như ca sĩ hát ca khúc này không thể xem nhẹ hành lang pháp lý. Vì vậy khi xảy ra tranh chấp tác quyền của tác phẩm phái sinh, xét ra, cả bên tác giả của tác phẩm phái sinh và người sử dụng đều vi phạm tác quyền.

Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, trường hợp nhạc sĩ chuyển ngữ ca khúc nhạc ngoại sang lời Việt mà không xin phép tác giả gốc, đương nhiên chưa có quyền tác giả của tác phẩm phái sinh. Hơn nữa tất cả tác phẩm nguyên gốc khi được chuyển ngữ đều có sự sai lệch về ngôn ngữ. Nên Luật Bản quyền quốc tế yêu cầu người viết tác phẩm phái sinh phải gửi bản dịch ca từ cùng với bản thu âm tới tác giả gốc hoặc tổ chức đại diện cho tác giả để xin phép và phải được sự cho phép chính thức bằng văn bản của tác giả hoặc tổ chức đại diện cho tác giả đó mới tiến hành sản xuất các ấn phẩm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.