Bốn năm sau, Diệp tiếp tục trở lại với sân chơi Văn học tuổi 20 lần 6 với một tác phẩm “nặng kí” khác, cũng thuộc thể loại fantasy - truyện dài Yagon - Những kẻ vô cảm và đoạt giải Ba. Anh cho rằng không lâu nữa, người viết fantasy chất lượng sẽ xuất hiện.
Khác biệt là yếu tố sống còn
PV: Từ tiểu thuyết đầu tiên rồi đến tiểu thuyết thứ hai, anh đều lựa chọn thể loại fantasy. Vì sao anh quyết định dấn thân với thể loại này?
Phạm Bá Diệp: Có một sự thật là khi bắt tay viết tiểu thuyết đầu tiên UREM: Người đang mơ, chính tôi cũng không định vị được mình đang viết dòng sách nào và câu chuyện của mình sẽ dẫn về đâu. Việc sáng tác khi đó hoàn toàn là bản năng và để thỏa mãn đam mê. Sau hai tháng, khi đã hạ quyết tâm sẽ đi tới cùng với bản thảo, bắt đầu làm việc nghiêm túc về dòng thời gian, đường dây câu chuyện, bố cục. Tôi nhận ra rằng, nếu không đi theo những chuẩn mực của thể loại fantasy, những sự sáng tạo, thông điệp và câu chuyện của mình sẽ không thể tồn tại dưới bất kỳ hình hài nào khác.
Do đó, tôi chưa từng tự hỏi vì sao mình chọn lựa gắn bó với thể loại fantasy, mà hay thắc mắc là ngoài fantasy, liệu mình có viết được dòng sách nào khác hay không?
@ Fantasy là thể loại mới lạ đối với độc giả trong nước. Điều này mang đến thách thức nào cho anh và các tác giả theo đuổi thể loại này?
- Cá nhân tôi nghĩ fantasy không xa lạ với độc giả trong nước, thậm chí còn rất quen thuộc, nếu nhìn vào sự thống trị của các tựa sách fantasy từ nước ngoài. Tuy nhiên, nếu xét trong dòng chảy văn học chính thống tại Việt Nam, thì quả thực fantasy Việt còn rất mới mẻ, đang vất vả tìm chỗ đứng cho mình.
Điều này dẫn đến hai thách thức cho các tác giả Việt khi chọn lựa gắn bó với dòng sách fantasy: Cạnh tranh được với các tác phẩm nước ngoài ngay tại sân nhà, đồng thời phải có được sự công nhận từ các tủ sách, nhà xuất bản, cuộc thi, giải thưởng… của dòng chảy văn học chính thống.
@ Làm thế nào để tạo nên sự khác biệt khi viết về thể loại fantasy, khi là người đi sau?
- “Sự khác biệt” là yếu tố sống còn của mọi tác phẩm fantasy. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường sách fantasy Việt đây càng là chi tiết mà những người cầm viết phải thực sự lưu tâm. Có nhiều yếu tố để tạo nên tính khác biệt, đặc trưng cho một tác phẩm fantasy. Nhưng có lẽ, quan trọng nhất là tạo dựng được thế giới “huyền ảo” mang bản sắc riêng của người viết, và khó hơn là thuyết phục độc giả tin vào nó.
Đại văn hào J. R. R. Tolkien đã biến The Lord Of The Rings trở thành sách gối đầu giường của nhiều thế hệ độc giả, khi tạo dựng được vùng Trung Địa tràn đầy sức sống, sở hữu ngôn ngữ riêng, bề dày lịch sử và những đặc trưng văn hóa không thể nhầm lẫn của các chủng tộc Elves, Dwarves, Hobbits. Tương tự, loạt truyện/phim/game Harry Potter giúp nhà văn J. K. Rowling sở hữu khối tài sản 700 triệu bảng Anh, vì đã “phù phép” khiến chúng ta quên đi hình ảnh những phù thủy già nua xấu xí sống trong rừng sâu, để tiếp nhận một thế giới phép thuật đầy trẻ trung và đẹp đẽ, nơi tồn tại ngôi trường Hogwarts đào tạo các cô cậu pháp sư tuổi teen.
Tại Việt Nam, nhà văn Phan Hồn Nhiên đã được định danh với thể loại fantasy, nhưng tôi không nghĩ là đây là điều khiến cá nhân mình lẫn những người viết fantasy khác cảm thấy áp lực khi phải bước vào dòng sách này dưới cái bóng quá lớn của người đi trước. Do thế giới quan, sự tưởng tượng, tính ẩn dụ trong sáng tạo của mỗi người là hoàn toàn khác nhau, nên việc tạo ra sự khác biệt so với “tiền bối” không phải là điều bất khả thi.
Tác phẩm Yagon: Những kẻ vô cảm của Phạm Bá Diệp đoạt giải Ba cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6 |
Thước đo của người viết là độc giả
@ Gần đây, có những nhà văn trẻ không ngại sáng tạo và thể nghiệm với những đề tài, thể loại mới, trong đó có fantasy. Điều này có giúp anh cảm thấy lạc quan hơn không?
- Dựa trên những tín hiệu gần đây trên thị trường sách, tôi có niềm tin mãnh liệt rằng, không lâu nữa thôi những người viết fantasy chất lượng tại Việt Nam sẽ dần xuất hiện, mang đến các tác phẩm đậm bản sắc của người Việt. Thậm chí, đây sẽ là những thế hệ người viết có tác động lớn đến bức tranh tổng thể của nền văn học chính thống nước nhà trong 10 - 20 năm nữa. Biết đâu, khi đó chúng ta sẽ có những tác phẩm fantasy trở thành đại diện của văn hóa dân tộc, như cái cách mà The Witcher của Andrzej Sapkowski đã vươn mình, trở thành niềm tự hào của đất nước Ba Lan.
@ Đạt giải Khuyến khích rồi đến giải Ba cuộc thi Văn học tuổi 20, đây có phải là minh chứng cho bước tiến trong văn chương của Phạm Bá Diệp?
- Thước đo chính xác nhất cho bước tiến của một người cầm viết chính là độc giả. Mừng vì một số độc giả gắn bó với mình có nhận định rằng, Yagon: Những kẻ vô cảm có sự cải thiện rõ về cấu trúc và thông điệp, bám vào những đề tài đáng suy ngẫm hơn so với UREM: Người đang mơ. Tuy nhiên, sự cải thiện này cũng chưa hẳn có tác động tích cực đối với độc giả, không ít bạn dù công nhận bút lực của tôi có sự cải thiện, nhưng vẫn cho rằng Yagon không hấp dẫn và “dễ thương” bằng UREM. Do đó, đôi lúc tôi cũng chột dạ, không rõ là mình đang tiến bộ, hay chỉ đơn giản là dần dần dịch chuyển sang phân khúc độc giả khác?
Đối với vấn đề giải thưởng Văn học tuổi 20, sự thăng tiến giải thưởng này đến từ ban giám khảo và tinh thần chung của cuộc thi đang ngày càng cởi mở hơn với dòng sách fantasy. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với người viết trẻ Việt Nam.
@ Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!