Nhà văn Thế Lữ: Mỉm cười trong lúc nhắm chua cay…

GD&TĐ - Ngay từ thuở mới bước vào làng văn, Thế Lữ (1907 - 1989) đã hào hứng tự nhận “Tôi chỉ là một khách tình si..." Trong số những người ông si, đặc biệt có một hồng nhan rất tri kỷ với ông, người đó vừa khiến ông đắm say lại vừa mang lại cho ông không ít những đau khổ trong mặc cảm tội lỗi, đó là diễn viên sân khấu Song Kim.

Thế Lữ - Song Kim và nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (giữa) ở chiến khu thời chống Pháp
Thế Lữ - Song Kim và nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (giữa) ở chiến khu thời chống Pháp

Lãng du quên cả vợ con

Năm Thế Lữ 17 tuổi, mẹ ông thân hành đi kén vợ cho ông và đã chọn được một cô gái hiền lành 19 tuổi (tức hơn Thế Lữ 2 tuổi) tên là Nguyễn Thị Khương. Kỳ lạ, trước đó đã có nhiều gia đình đến dạm hỏi bà Khương cho con, nhưng cứ mỗi lần như thế là bà trở ốm rất nặng nên chuyện hôn nhân không thành. Chỉ khi gia đình Thế Lữ đến dạm hỏi, bà vẫn khỏe mạnh bình thường - như một duyên lành, nhờ đó Thế Lữ sớm có một người vợ nết na, xinh đẹp.

Những năm 1937- 1940, Thế Lữ không còn nhiều cảm hứng với lĩnh vực thơ ca, truyện ngắn, tiểu thuyết… (mà ông đã rất thành danh), bắt đầu chuyển sang say mê bộ môn kịch nói vốn còn rất mới lạ ở xứ ta. Ông viết kịch bản rồi làm nhà dàn dựng (bây giờ gọi là đạo diễn) nhiều vở kịch rất nổi tiếng, phổ biến, sau đó đứng ra thành lập lần lượt các Ban kịch Tinh Hoa, Thế Lữ, Anh Vũ… đi lưu diễn khắp nơi, không mấy khi về nhà. Lúc bấy giờ ông đã có với bà Khương 4 mặt con.

Trong nhiều năm “giang hồ văn nghệ” như thế, Thế Lữ gặp nữ diễn viên tài sắc Song Kim, và hai người đã nên duyên vợ chồng dù không hợp lệ. Mối lương duyên kỳ tài kỳ tình này không tránh khỏi dị nghị xã hội, đến mức nó “được” đồn thổi về tận Hải Phòng, nơi vợ con ông đang sinh sống!

Sau này, Nguyễn Đình Nghi, con trai cả của ông - cũng là một đạo diễn sân khấu tài năng, kể lại ông đã than thở với 3 người em nhỏ về sự kiện đó: “Anh là người không có tuổi thơ! Vì mới có mười mấy tuổi, đang ở Hải Phòng thì nghe tin bố có “bà khác” ở Hà Nội. Mẹ khổ quá, mẹ không có ai động viên, an ủi. Anh là con lớn nên mẹ chỉ nói chuyện với anh”.

Thế Lữ và vợ ở TPHCM, 1978

Thế Lữ và vợ ở TPHCM, 1978

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, Thế Lữ cùng ban kịch của ông đang đi lưu diễn xa vội trở về Hà Nội, kịp có mặt chào mừng thắng lợi. Rồi qua 1946, chiến tranh chống Pháp mở màn, cả đoàn kịch của ông cũng theo kháng chiến đi vào các vùng tiêu thổ. Trong thời gian ấy, gia đình ông ở Hải Phòng gồm mẹ, vợ và 4 người con cũng gồng gánh tản cư về một vùng hậu phương xa thành phố.

Vào một ngày của năm 1948, đang ở nhờ trong một nhà dân, nghe tin có Ban kịch Thế Lữ đi qua, các con ông mừng rỡ đổ xô đi tìm. Cuối cùng, họ cũng gặp được ông và đưa về hội ngộ gia đình. Nhưng cuộc hội ngộ ấy chỉ kéo dài đúng một bữa ăn. Trong bữa ăn ấy, cả nhà đưa ra hướng giải quyết: “Tình cảnh gia đình quá khó khăn, sạch hết tiền, không có kế sinh nhai, vậy không thể tiếp tục sống ngoài hậu phương được nữa. Đành cho tất cả đàn bà và trẻ con tạm về thành trở lại, trừ người con lớn (là Nguyễn Đình Nghi) thì theo bố”.

Năm 1954, hòa bình lập lại, Thế Lữ cùng con trai Nguyễn Đình Nghi từ chiến khu trở về Hà Nội trong niềm vui pha chút nỗi lo (vì mặc cảm mình đã có “bà khác”) sắp tái ngộ gia đình, nhưng thật đáng tiếc, vợ và 3 con của ông đã vào Nam từ năm 1952.

Tình nghệ sĩ

Những năm 1930 -1940, có giai đoạn Thế Lữ và nhà thơ kiêm kịch tác gia Đoàn Phú Tứ cùng làm chung tờ báo Tinh Hoa của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Một hôm nhân đi xem vở Ghen của Đoàn Phú Tứ, Thế Lữ tình cờ “bắt gặp” Song Kim. Nhan sắc và phong cách của Song Kim gây ấn tượng mạnh nơi ông. Không lâu sau đó, khi dàn dựng vở Gái không chồng của Đoàn Phú Tứ, đang thiếu diễn viên nữ, ông đánh tiếng mời Song Kim tham gia vai cô Mão, một trong ba nhân vật nữ trong vở.

Song Kim đã diễn vai này rất đạt, từ đó, khi có dịp là Thế Lữ trân trọng mời bà tham gia diễn xuất trong những vở kịch của ông. Có nhiều vở, ông vừa là biên kịch, đạo diễn lại vừa là diễn viên và ông đã diễn một cách say nồng bên cạnh Song Kim.

Hình như tình cảm trong kịch đã lan mạnh thành tình yêu trong đời. Thế rồi, một buổi chiều, ông gõ cửa phòng bà, trao vào tay bà một bó hoa và nói: “Anh đến để xin em kết hợp hai cuộc đời chúng ta làm một”. Kể từ ngày đó, cả hai người luôn khắng khít bên nhau từ sân khấu ra ngoài đời, đến nỗi như một biểu tượng đẹp, sống động về tình nghệ sĩ lẫn tình lứa đôi.

Chính sự ăn nhịp, thành công của đôi lứa tài năng này trong lĩnh vực kịch nghệ nói riêng, trong văn giới nói chung đã thuyết phục được nhiều đồng nghiệp lẫn công chúng, khiến hầu hết đều rất mực cảm mến, quý trọng, và nhờ đó làm loãng tan đi “những tiếng ồn” về cuộc sống chung éo le của họ.

Sau năm 1954, trở về Hà Nội, hai người sống hạnh phúc bên nhau trong một khu nhà tập thể. Ngay cả những năm đã về già, Thế Lữ và Song Kim vẫn luôn xưng hô “anh em” với nhau thật ngọt ngào.

Năm 1977, Thế Lữ nối lại được liên lạc với người vợ trước đang sinh sống tại Sài Gòn. Ông chính thức chia tay bà Song Kim để vào Nam tái hợp với bà Nguyễn Thị Khương. Có lẽ do còn mặc cảm mình đã có quá nhiều năm tháng bỏ rơi vợ con để theo người khác, nên thỉnh thoảng trong những bức thư viết cho con cái, ông tâm tình: “Bây giờ cậu được sống ở nhà với mẹ của các con, cho bõ những ngày xưa thương nhớ”.

Về phía bà Khương, bà cũng nói “người xưa đã trở về, thế là đủ!”. Từ năm 1977 cho đến năm 1989 (năm Thế Lữ qua đời), bà đã có 12 năm hạnh phúc sống chung trở lại với chồng “cho bõ những ngày xưa thương nhớ”. Rất cảm thông với cuộc tình duyên của Thế Lữ và Song Kim nhưng bà không công nhận bà Song Kim là vợ hai, vì lẽ bà là người theo đạo Chúa không cho phép việc đó xảy ra. Các con của Thế Lữ cũng tỏ ra rất kính quý bà Song Kim, mỗi khi có dịp về Hà Nội đều tới thăm bà, tham dự giỗ tết cũng như những bữa cơm sum họp...

Những lần như thế, bà Song Kim vẫn thường nhắc chuyện thời Nguyễn Đình Nghi theo bố còn nhỏ, bà từng bế trong lòng… Có lẽ trong thâm tâm bà vẫn không bao giờ quên được những câu thơ ông từng viết cho bà, như một định mệnh: “Yêu em từ đó ta phơi phới/Sống ở trong nguồn thú đắm say/Nhưng cũng sống trong đau khổ nữa/Mỉm cười trong lúc nhắm chua cay…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ