Đánh thức hồn gỗ
Là người con Gia Rai, ngụ tại làng Kép, phường Đống Đa, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ksor H’nao nổi tiếng không chỉ trong làng mà khắp Gia Lai và cả nước về tài tạc tượng gỗ dân gian của người Tây Nguyên.
Tượng nhà mồ Tây Nguyên gắn liền với tục bỏ mả - tín ngưỡng lâu đời của các cộng đồng bản địa Tây Nguyên. Thông qua các pho tượng nhà mồ, đồng bào gửi gắm sự sẻ chia, tiếc thương của người sống dành cho người đã khuất. Đồng hành với tín ngưỡng này là nghề thủ công độc đáo mang đậm bản sắc của cộng đồng các dân tộc bản địa Tây Nguyên – nghề tạc tượng gỗ.
Việc tạc tượng của nghệ nhân Ksor H’nao không phải do cha truyền con nối. Ông gắn bó với công việc tạc tượng hoàn toàn từ niềm đam mê tự nhiên của bản thân từ khi còn nhỏ.
Bắt đầu từ những bức tượng nhà mồ được các nghệ nhân trong làng tạc trong những những dịp chuẩn bị cho lễ bỏ mả, Ksor H’nao đi theo quan sát rồi học cách làm theo. Sau đó, Ksor H’nao mày mò làm theo từ những khúc gỗ nhỏ và tìm hiểu những kỹ thuật cũng như kỹ năng cơ bản nhất trong cách dùng loại gỗ, cách cầm rìu, rựa hay đục.
Bằng niềm đam mê và cần mẫn, sự ham học hỏi, hình hài tượng gỗ được hình thành qua nhiều lần Ksor H’nao đã tạc tượng không thành công. Với khả năng nắm bắt nhanh và đôi bàn tay khéo léo, tượng gỗ của ông ngày càng sinh động và có phong cách riêng.
Tượng gỗ của ông làm ra thực sự chinh phục được đôi mắt khắt khe của các nghệ nhân tạc tượng và bà con. Ông được bà con tin tưởng giao tạc tượng trong những lễ bỏ mả của gia đình. Tác phẩm tượng của ông mang đậm phong cách dân gian, mộc mạc, gợi tả nhưng luôn sống động với người và vật là những hình ảnh gần gũi, dung dị với đời sống của bà con.
Ngoài việc tham gia tạc tượng nhà mồ trong và ngoài làng phục vụ nghi thức bỏ mả, ông còn tham gia các cuộc thi tạc tượng trong và ngoài tỉnh, đạt giải cao.
Năm 2013, ông được mời tham gia Trại sáng tác điêu khắc Tây Nguyên trong khuôn khổ Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hoá Việt Nam” tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam để giới thiệu 1 nét đặc sắc của văn hóa Tây Nguyên đến du khách trong và ngoài nước.
Đặc biệt, trong hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên tại Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Kô Tam, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, 1 hoạt động của lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V năm 2015, ông giành giải cao nhất với tác phẩm “Mẹ ôm con” trong cuộc tranh tài cùng 37 nghệ nhân tài giỏi từ khắp các buôn làng Tây Nguyên.
Sệ thành thục của ông về nghệ thuật tạc tượng gỗ này đã đạt đén mức chỉ cần nhìn qua vân và thớ gỗ là có thể có ngay được ý tưởng cho tác phẩm của mình. Đặc biệt, ông cũng là số ít nghệ nhân biết dùng sắc độ tự nhiên của cây gỗ để tạo mảng miếng, thần thái của nhân vật điêu khắc.
Nghệ nhân đa tài
Với ông, biết gì, hiểu gì về các giá trị văn hóa đặc trưng của người Gia Rai cũng phải tường tận. Có năng khiếu bẩm sinh về âm nhạc cùng với niềm đam mê, ngoài tạc tượng, nghệ nhân Ksor H’nao còn chế tác và diễn tấu thuần thục các loại nhạc cụ bằng tre nứa (Goong, Kơni hay đàn T’rưng) và diễn tấu cồng chiêng. Đặc biệt, ông còn là người chỉnh chiêng của làng.
Năm 1999, ông được Viện Âm nhạc Việt Nam mời diễn tấu là đàn Goong để ghi băng làm tư liệu giảng dạy và nghiên cứu. Trong các cuộc thi dân ca, biểu diễn nhạc cụ dân tộc truyền thống trong và ngoài tỉnh, ông cũng là người được chọn diễn tấu các loại nhạc cụ dân tộc hoạc giữ vị trí đệm nhạc cụ chính.
Chưa hết, ông thuộc nhiều bài dân ca truyền thống Gia Rai và lại có chất giọng tốt, âm vực cao và khỏe khoắn nên đã tích cực tham các hội diễn văn nghệ truyền thống và là người dàn dựng cho đội văn nghệ của làng tham gia biểu diễn.
Ông đã giúp nhạc sĩ Lê Xuân Hoan, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Gia Lai hoàn thành chương trình điền dã, sưu tập, ký âm cho các bài hát dân ca Gia Rai cũng như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ sỹ tìm hiểu các loại hình văn hóa truyền thống dân gian Gia Rai.
Tâm huyết với những giá trị văn hóa truyền thống, dân gian của người Gia Rai đang dần mai một, ông tích cực tham gia các hoạt động truyền dạy cho các thế hệ trẻ, từ tổ chức, tái diễn các lễ hội truyền thống, diễn tấu, chế tác nhạc cụ tre nứa, diễn tấu cồng chiêng và chỉnh chiêng đến tạc tượng.
Đặc biệt, ông cũng là nghệ nhân về ẩm thực truyền thống Gia Rai với việc nắm vững và khéo léo trong việc chế biến những món ăn quen thuộc của dân tộc mình. Trăn trở với việc làm gia tăng các giá trị văn hóa dân tộc, để phát huy và bảo tồn trong cuộc sống hiện tại, tăng thu nhập của gia đình, giữa năm 2017 ông đã khai trương quán ăn mang tên: “Quán nghệ nhân Ksor Hnao - Ẩm thực dân gian Gia Rai”. Không gian quán được trang trí nhiều tượng gỗ dân gian và những nhạc cụ, vật dụng mang đậm bản sắc văn hóa của người Gia Rai cũng được sắp đặt ở đây.
Khách đến quán, sẽ được phụ vụ những món ăn quen thuộc của người Gia Rai do chinh ông và các con thực hiện như: bò xiên nướng, lá mì xào cà đắng, muối é gà nướng, cơm nướng ống, thịt heo... Ngoài ẩm thực, khách đến quán còn nghe những giai điệu dân ca và âm nhạc truyền thống của người Gia Rai.
Quán của ông trở thành nơi gặp gỡ của những nghệ nhân điêu khắc tượng nhà mồ, những nghệ nhân cồng chiêng và những người tâm huyết với những gía trị văn hóa Gia Rai ở TP Pleiku.
Theo Thạc sĩ Hoàng Thanh Hương, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai: “Không chỉ là nghệ nhân tạc tượng giỏi, Ksor Hnao còn rất tích cực truyền dạy tạc tượng gỗ dân gian. Nghệ nhân đã hỗ trợ rất nhiều trong các hoạt động bảo tồn nghệ thuật dân gian do Sở VH, TT&DL tỉnh Gia Lai tổ chức”.
Với những đóng góp của mình, năm 2015, ông đã vinh dự nhân danh hiệu nghệ nhân ưu tú về loại hình tri thức dân gian.