Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định trong Lễ kỉ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Kim Lân, rằng: Văn chương của Kim Lân cô đúc và nén chặt, giống như giọt sương soi được biển cả. Giữa một xã hội đen tối và ngột ngạt, Kim Lân đã thắp lên ánh sáng.
Sống cho ra con người
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, con gái đầu trong 7 người con của nhà văn Kim Lân, cho biết: “Sinh thời thầy tôi thường mang nhiều mặc cảm”. Mặc cảm đeo đuổi nhà Kim Lân chính là nỗi niềm khi ông là con của vợ lẽ. Cha ông có ba người vợ. Vợ ba sinh được 2 con, trong đó có Kim Lân.
Không chỉ có vậy, mẹ ông là dân ngụ cư (quê gốc Hải Phòng), mà cái tiếng ngụ cư xưa kia là điều gì đó ghê gớm lắm. Thế nên, Kim Lân từng tâm sự: “Tôi ở trong gia đình bị khinh rẻ, ngoài xã hội cũng coi thường vì tôi là con vợ ba, một người ngụ cư. Chính vì muốn đòi cho mình sự công bằng với bè bạn, với làng xóm tôi chọn cách viết”.
Nhờ chịu khó quan sát và suy ngẫm từ lúc nhỏ tuổi nên Kim Lân có vốn hiểu biết dày dặn về cuộc sống. Ông bắt đầu viết văn, có tác phẩm đăng báo từ những năm 1940 và nhanh chóng trở thành một cây bút có tiếng.
Cũng với chất liệu làng quê Việt Nam, nơi những tên tuổi lớn như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao… đã khai thác tưởng chừng ở mức thấu triệt. Song cũng trên mảnh đất xưa cũ ấy, Kim Lân đã xây cho mình tư tưởng khác biệt với các cây viết cùng đề tài. Làng quê trong văn Kim Lân dẫu với các nhân vật nghèo, dân lao động lam lũ… vẫn luôn “nuôi” khao khát được sống.
Kim Lân từng nói về tư tưởng khác biệt này: “Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người”.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói rằng, Kim Lân là kẻ biết rong chơi trên trần thế. Cái danh đối với người nước Nam thật ghê gớm. Bảo mình là chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh có khi chẳng oai bằng bảo mình là nhà văn. Ông là nhà văn đích thực nhưng dám đùa bỡn với cái danh ấy. Ông trọng đời hơn trọng văn. Ông là người sống kỹ hơn là viết. Trong khi nhiều nhà văn viết thì ra vẻ là kỹ nhưng sống lại ẩu.
“Sống kỹ là dám sống đúng mình nhất. Nếu ai đó nói Kim Lân không viết vì lười thì hoàn toàn sai. Cái công việc của nhà văn khó khăn nhất vẫn là sự quan sát và suy ngẫm không ngừng. Kim Lân là người vẫn quan sát cuộc sống một cách sắc sảo và suy ngẫm hết sức sâu xa.
Những suy ngẫm ấy đã không ngừng giày vò và bắt ông phải trả lời những câu hỏi về cuộc sống. Càng suy ngẫm nhiều thì giày vò càng lớn. Nhưng phẩm cách của một nhà nho có quá nhiều trong con người ông. Phẩm cách ấy có lúc làm ông trở nên yếm thế”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhận định.
Tài tử sân khấu
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, con gái nhà văn Kim Lân
Ngoài sự nghiệp viết văn, Kim Lân còn đóng những vai diễn ấn tượng cho nền điện ảnh và là một diễn viên sân khấu tên tuổi. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cho biết, Kim Lân là “tài tử tay ngang” nhưng còn hơn cả chuyên nghiệp. “Thầy tôi vào phim đạt như vậy là bởi từ khi còn thanh niên, thầy đã là “cây” văn nghệ của làng, từ vẽ tranh, nặn tượng, cho đến lập nhóm diễn kịch”, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cho hay.
Những năm 1940, phong trào kịch nói, kịch thơ ở Hà Nội với những cây bút danh tiếng như: Thế Lữ, Vũ Hoàng Chương, Hoàng Công Khanh… đã lan tỏa sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Từ đó, không khí văn chương nghệ thuật đã tác động đến Kim Lân và làng quê của ông. Sau vở diễn “Bóng giai nhân” tại Nhà hát Lớn gây tiếng vang, Kim Lân cùng Hoàng Cầm đã mời đoàn kịch về biểu diễn ở đình làng Phù Lưu cho người làng xem.
Ý tưởng thành lập Ban kịch Đông Phương được ủng hộ, Kim Lân hồ hởi tham gia cùng các văn nghệ sĩ Kinh Bắc là Hoàng Cầm, Hoàng Tích Chù, Hoàng Tích Linh, Trần Hoạt, vợ chồng nhạc sĩ Văn Chung, Tuyết Khanh, Trúc Lâm… Ban kịch lên kế hoạch dàn dựng vở kịch thơ Kiều Loan và cùng nhau tập diễn.
Kiều Loan có sức ảnh hưởng trong giới văn nghệ, nhưng vở kịch thơ lại có số phận lận đận do sự ngăn cấm của chính quyền thực dân Pháp. Phải đến khi Cách mạng tháng Tám thành công, khi Hoàng Cầm đưa Kiều Loan đến Hội Văn hóa cứu quốc và đã được các văn nghệ sĩ: Đặng Thai Mai, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Nguyên Hồng khuyến khích dàn dựng.
Sau Cách mạng tháng Tám, vở Kiều Loan đã nhận được sự giúp đỡ của giới văn nghệ Thủ đô và Hội Văn hóa cứu quốc. Vào Chủ nhật cuối tháng 11/1946, vở Kiều Loan ra mắt tại Nhà hát Lớn Hà Nội hơn 4 tiếng đồng hồ, đã chinh phục hoàn toàn khán giả. Kim Lân thể hiện quá xuất sắc vai một nhà nho yêu nước, mang nỗi uất hận giằng xé trước nỗi đau thời thế.
Kim Lân là vậy! Diễn thật, viết cô đúc. Ông sống kỹ đến độ, sau khi công bố truyện “Con chó xấu xí” thì ngừng bút. Người ta hỏi, ông trả lời khi đã nhận mình là con chó xấu xí thì còn viết cái gì nữa. Và lý do mà Kim Lân bỏ bút, không viết nữa cũng bởi ông nhận ra: Sống mới thực khó, trong khi nhiều người ngỡ chết khó hơn.