Nhà văn Ma Văn Kháng: Không chỉ mang nợ với núi rừng

Nhà văn Ma Văn Kháng: Không chỉ mang nợ với núi rừng

(GD&TĐ) - Nhà văn Ma Văn Kháng tên thật là Đinh Trọng Đoàn, sinh ngày 1/12/1936 ở phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Tuổi thiếu thời Ma Văn Kháng là một thiếu sinh quân và có sang Trung Quốc học tập một thời gian. Mãi đến năm 27 tuổi (1963), ông mới tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi ra trường, Ma Văn Kháng xin lên miền núi dạy học. Ông sống và gắn bó với đồng bào dân tộc miền núi hơn 20 năm. Mãi sau này ông mới chuyển về sống và làm việc tại Hà Nội. Ma Văn Kháng từng kinh qua nhiều cương vị quản lý khác nhau.

Nhà văn Ma Văn Kháng
Nhà văn Ma Văn Kháng

Nhưng có lẽ làm quản lý đối với ông như là một công việc không thể từ chối được khi tổ chức Hội phân công. Trong sâu thẳm tạng người như ông, quan trường không phải là chốn tiến thân. Đến giờ, nhắc đến Ma Văn Kháng hầu hết người đời chỉ biết đến ông là nhà văn của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi. Không chỉ những tác phẩm ông viết về mảng đề này từ khi con trẻ, mà với những tác phẩm từ trước và sau thời kỳ đổi mới như: Mưa mùa hạ (1982), Mùa lá rụng trong vườn (1985), Côi cút giữa cảnh đời (1989)… ông được đánh giá là cây bút góp phần khuấy động văn đàn Việt Nam hiện đại. Bởi lẽ đầu những năm 80, dưới con mắt của những kẻ bảo thủ, không chấp nhận đổi mới thì “Mưa mùa hạ” của ông bị nhiều người xem là hiện tượng “có vấn đề”.

Nhiều lần cuốn sách được đem ra hội thảo bàn luận làm nóng không chỉ nghị trường Hội Nhà văn VN, mà còn tỏa lan ra cả nghị trường của cơ quan quản lý văn hóa - văn nghệ. Dường như nó đã “hành” ông, khiến lúc ấy nhiều nghĩ rằng Ma Văn Kháng sẽ “gác bút”. Nào ngờ ông lại càng viết hăng hơn. Như chính ông đã tự bạch: “… có vẻ đẹp nào mà không cần thử thách! Nhân cách chỉ tỏa sáng trong những cảnh huống tưởng như không thể chịu được...”. Nhưng rồi cũng chính tác phẩm ấy đã làm nên tên tuổi của một nhà văn lớn trong loạt tác phẩm của ông được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật, đợt IV, năm 2012. Cũng là dễ hiểu, ngay từ “Mưa mùa hạ” với bút pháp lúc bình dị, thản nhiên, khi dữ dội, khốc liệt, Ma Văn Kháng đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình yêu con người, yêu cuộc sống, tình yêu quê hương đất nước.

So với các bậc đàn anh người dân tộc thiểu số như Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Cầm Biêu,… và các đàn anh dân tộc Kinh như hai cụ Nguyễn Tuân và Tô Hoài, điểm xuất phát đến với văn chương của Ma Văn Kháng cao hơn, khi ông là sinh viên Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có truyện ngắn đầu tay Phố cụt đăng trên báo Văn nghệ năm 1961. Đấy là một lợi thế rất đáng kể của ông so với những người đi trước. Cũng như hai cụ Nguyễn Tuân và Tô Hoài, ông không phải là người dân tộc thiểu số, nên dễ “mắc nghiện” những bản sắc văn hóa của đồng bào. Còn so với các thế hệ các nhà văn đi sau là người dân tộc thiểu số như Y Phương, Mai Liễu, Dương Thuấn, Cao Duy Sơn, Inrasara,... thì Ma Văn Kháng lại có lợi thế so sánh ở bề dày kinh nghiệm, đặc biệt là thời gian tuổi trẻ ông đã “đứng chân” hơn 20 năm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Ma Văn Kháng là một trong số ít các nhà văn Việt Nam viết khoẻ, viết đều, trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào. Đến nay, Ma Văn Kháng đã có đến 20 tập truyện ngắn, 12 cuốn tiểu thuyết và 4 truyện viết cho thiếu nhi. Trong số này, phần lớn là những truyện viết về đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: Người con trai họ Hạng (1972), Mùa mận hậu (1972), Cái móng ngựa (1973), Gió rừng (1976), Đồng bạc trắng hoa xòe (1978), Mùa lá rụng trong vườn (1982), Vùng biên ải (1983), Đám cưới không có giấy giá thú (1989), Côi cút giữa cảnh đời (1989), Một mình một ngựa (2009),…

Hình ảnh văn học Bí thư tỉnh ủy một mình một ngựa đi đến các vùng thổ ty phong kiến thuyết phục đồng bào theo chính phủ Trung ương để chống lại bọn thực dân xâm lược và quan lại tay sai phong kiến. Ông một mình xông pha trong cuộc đối đầu với kẻ thù thời kỳ cách mạng còn trong trứng nước. Rồi cũng chính ông lại một mình đương đầu với khó khăn trong xây dựng. Một mình một ngựa, lúc thì oai phong lẫm liệt, khi lại đơn thương độc mã. Những ai có ý thức về giá trị của mình đều phải chấp nhận thân phận như thế.

Dù có ngậm ngùi, nhưng đấy là cái ngậm ngùi của người từng trải vật lộn với  sóng gió cuộc đời, cái ngậm ngùi của người biết quá rõ sự không hoàn thiện hoàn mỹ của quá khứ, nhưng đó lại chính là một phần không thể tách rời khỏi ký ức trong con người hiện đại. Nó chính là ánh hào quang của một thời bi hùng hắt trên con người hiện tại.

Nhà văn Ma Văn Kháng chia sẻ quan niệm về nghề viết của ông qua lời của một nhân vật trong tiểu thuyết Trăng soi sân nhỏ là phải đi thật sâu và tận cùng đáy hồn người để khám phá, phát hiện “Văn chương là chuyện đời thông qua việc đào bới bản thể mình ở chiều sâu tâm hồn, chứ đâu phải là đi hớt lấy cái váng bọt nổi trên mặt của ngoại vật”. Chính vì lẽ đó, nhà văn Ma Văn Kháng chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân với các cây viết trẻ: “Nếu muốn viết tốt, trước tiên phải viết một cách vô thức, không nên ý thức quá lớn lao và rõ ràng, vì như thế sẽ rất khó viết, thậm chí không viết được. Phải viết bằng bản năng trước và không sợ hãi bất cứ điều gì, không tính toán thì mới có thể cầm bút sáng tác tốt...”. Những điều ấy đã làm nên một nghệ hiệu Ma Văn Kháng không trộn lẫn vào đâu được.

Đỗ Ngọc Yên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.