Loại thuốc biến lính Mỹ thành "siêu nhân" thời chiến tranh Việt Nam

Để trở nên "bất khả xâm phạm", binh lính Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam lạm dụng chất kích thích và thuốc chống loạn thần rồi phải hứng chịu hậu quả bi thảm.


Binh lính Mỹ tại chiến trường Việt Nam năm 1966. Ảnh:US Army.
Binh lính Mỹ tại chiến trường Việt Nam năm 1966. Ảnh:US Army.

Chiến tranh Việt Nam không chỉ là ví dụ của chiến tranh không cân xứng trong thế kỷ 20 mà còn được biết đến như "cuộc chiến dược lý" bởi số lượng khổng lồ các chất kích thích mà đặc biệt là amphetamine được sử dụng.

Theo The Atlantic, nhà triết học người Anh Nick Land từng nhận xét chiến tranh Việt Nam "là sự giao nhau giữa dược lý và công nghệ bạo lực".

Từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, một số nghiên cứu đã chỉ ra amphetamine tác động tích cực để khả năng chiến đấu của con người và quân đội Mỹ luôn sẵn sàng cung ứng thuốc cho binh lính tại Việt Nam.

Thuốc được phát cho đội trinh sát tầm xa hoặc phục kích. Trong khi liều lượng tiêu chuẩn là 20 mg cho 48 giờ sẵn sàng chiến đấu, hầu hết binh lính đều sử dụng nhiều hơn vì nghĩ amphetamine như kẹo.

Năm 1971, một báo cáo của chính phủ Mỹ tiết lộ từ năm 1966 đến 1969, lực lượng vũ trang đã tiêu thụ 225 triệu vỉ thuốc kích thích, trong đó chủ yếu là Dextroamphetamine (tên biệt dược Dexedrine), đồng phân đối hình của amphetamine, mạnh gấp gần 2 lần so với Benzedrine được dùng trong Thế Chiến thứ Hai.

Trung bình, mỗi ngày một lính hải quân uống 21,1 viên Dexedrine, lính không quân 17,5 viên và lính bộ binh 13,8 viên. Đặc biệt, những người thuộc đơn vị đặc biệt đều được nhận một hộp thuốc chứa 12 vỉ Darvon (thuốc giảm đau loại nhẹ), 24 vỉ codeine (thuốc giảm đau dạng opioid) và 6 vỉ Dexedrine. Trước các chuyến đi dài và nguy hiểm, họ còn tiêm steroid.

"Chúng tôi có những loại amphetamine tốt nhất do chính phủ cung cấp", Elton Manzione, thành viên đội trinh sát tầm xa cho biết. Ông nhớ một tư lệnh hải quân đã mô tả amphetamine là loại thuốc "cho bạn lòng can đảm, giúp bạn tỉnh táo đến mức cảm nhận được mọi hình ảnh và tiếng động để trở nên bất khả xâm phạm".

Khi mới đến Việt Nam, 3,2% lính Mỹ nghiện amphetamine. Sau một năm, tỷ lệ này tăng 5,2%. Nói một cách ngắn gọn, hình thức quản lý chất kích thích của quân đội đã góp phần làm lây lan thói quen sử dụng thuốc vô độ, dẫn đến những hậu quả bi thảm bởi amphetamine, như nhiều cựu binh khẳng định, gia tăng cả sự tỉnh táo lẫn tính bạo lực. Một số người kể rằng khi tác dụng của thuốc mất đi, họ khó chịu đến mức "muốn bắn trẻ em trên đường".

Các chất kích thích không chỉ nhằm tăng cường sức khỏe thể chất của binh lính mà còn giảm tác động của cuộc chiến đến tinh thần họ. Để tránh quân đội rơi vào cảnh hoảng loạn, Bộ Quốc Phòng Mỹ cho phép lưu hành thuốc an thần.

Trong cuốn On Killing, cây bút David Grossman mô tả Việt Nam như "cuộc chiến đầu tiên mà dược lý được huy động trực tiếp để tăng sức mạnh cho người lính nơi chiến trường".

Chưa bao giờ, lịch sử nhân loại chứng kiến việc sử dụng thuốc chống loạn thần mạnh như chlorpromazine, được sản xuất bởi GlaxoSmithKline dưới cái Thorazine, trở thành một thói quen. 

Nhờ khối lượng thuốc khổng lồ cùng đội ngũ bác sĩ tâm thần đông đảo, số lính Mỹ bị tổn thương tâm lý trong chiến tranh Việt Nam chỉ khoảng 1% (12 ca trên 1.000 quân), thấp kỷ lục so với Chiến tranh Thế giới thứ Hai (10% tương đương 101 ca trên 1.000 quân) và chiến tranh Triều Tiên (4% tương đương 37 ca trên 1.000 quân). 

Tất nhiên, kết quả này chỉ tồn tại ngắn hại. Chất kích thích và thuốc chống loạn thần không tiêu diệt nguyên nhân gây stress mà "làm nhiệm vụ tương tự như insulin đối với tiểu đường, tức là điều trị triệu chứng và căn bệnh vẫn còn đó", theo quan sát của Grossman. 

Rốt cuộc, sử dụng thuốc bừa bãi chỉ đóng băng những vấn đề đã ăn sâu vào tâm trí để rồi nhiều năm sau đó, chúng đột ngột trỗi dậy với sức công phá khủng khiếp hơn. Vì lẽ ấy, quân đội Mỹ đối mặt với sự bùng nổ của rối loạn stress sau sang chấn (PTSD), ảnh hưởng đến khoảng 400.000-1,5 triệu cựu binh.

Như lời một nhà tâm lý học quân sự được dẫn lại trong cuốn Flashback của Penny Coleman: "Những gì đã xảy ra ở Việt Nam giống như tiêm thuốc tê vào vết thương do súng bắn của một người lính rồi bắt anh ta quay lại chiến trường".

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.