Nhà văn Dương Thị Xuân Quý: 'Mùa Xuân ở mãi'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tháng 3 này kỷ niệm 55 năm ngày nhà báo, nhà văn Dương Thị Xuân Quý hy sinh (8/3/1969 – 8/3/2024).

Sau tưởng niệm, ban tổ chức ra mắt sách của đồng đội nhà văn Dương Thị Xuân Quý tại chiến trường khu 5. Ảnh: Bình Thanh
Sau tưởng niệm, ban tổ chức ra mắt sách của đồng đội nhà văn Dương Thị Xuân Quý tại chiến trường khu 5. Ảnh: Bình Thanh

Tháng 3 này kỷ niệm 55 năm ngày nhà báo, nhà văn Dương Thị Xuân Quý hy sinh (8/3/1969 – 8/3/2024). Dẫu thời gian trôi chảy hơn 1/2 thế kỷ, nhưng người con tài hoa và kiên trung đất Việt này luôn là “mùa Xuân ở mãi” với cuộc đời!

“Sẽ sống trọn, yêu trọn…”

Từ Đà Lạt ra Hà Nội dự và phát biểu tại buổi họp mặt tưởng niệm 55 năm ngày nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý hy sinh do Tạp chí Văn hiến Việt Nam và Ban liên lạc đồng đội khu 5 tổ chức tại Hà Nội, nhà thơ Bùi Minh Quốc hai lần hướng mắt về tấm hình người vợ yêu dấu năm xưa và kiêu hãnh cất cao giọng:

“EM

Anh sẽ sống trọn những gì em chưa kịp sống

Yêu trọn những gì em chưa kịp yêu…”.

Có thể gọi đó là lời hứa của người chồng mang trái tim thi nhân, tha thiết nhớ thương, cảm phục người vợ đã hiến dâng cả thanh xuân cho hòa bình của Tổ quốc. Khi đó, chưa bước sang tuổi 28, nhà báo, nhà văn chiến trường Dương Thị Xuân Quý đã hy sinh và mãi mãi nằm lại với đất mẹ Duy Xuyên (Quảng Nam), ngày 8/3/1969. Ngay hôm sau, cũng từ chiến trường, Bùi Minh Quốc viết “Bài thơ về hạnh phúc” và tròn một năm thì hoàn thành.

Điều trân quý hơn bao giờ hết khi đây không phải là những tiếng than khóc buồn thương, bi lụy mà mỗi câu thơ luôn ngời sáng một ý chí, nghị lực làm nên tinh thần thép của nữ ký giả ra trận: “Như chồi biếc gặp mưa Xuân, như chim én say trời/ Em mải mê đi, đi giữa bao người…”.

“Dương Thị Xuân Quý là một điển hình, một tấm gương đẹp và đầy xúc động. Những tác phẩm chị để lại cho đời như “Hoa rừng”, “Tiếng hát trong hang đá”, “Gương mặt thách thức”, “Niềm vui thầm lặng”, “Nhật ký chiến trường”…, đều là những báu vật cho bạn đọc, cho đất nước và nhân dân. Không chỉ thế, cao hơn nữa ở chị còn là đức hy sinh khi để lại đứa con mới 16 tháng tuổi để vào chiến trường và hiến dâng cả tuổi xuân cho nền độc lập, hòa bình của đất nước. Bởi vậy, mong muốn được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cũng như Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho nhà báo, nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý là vô cùng chính đáng và cấp thiết”. PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương

Bởi thế mới có thể thắp lên ngọn lửa “sống đẹp” trong người chồng vừa hay tin vợ hiền hy sinh mà: “Anh mất em như mất nửa cuộc đời”; “Anh bàng hoàng như ngỡ trái tim rơi/ Như bỗng tắt vầng mặt trời hạnh phúc”… Để rồi, sau những lý giải về hạnh phúc từ “Em” với: “Nước lũ về… Trang giấy nhỏ mưa chan/ Em vẫn viết, lòng dạt dào cảm xúc”, và: “Trong một góc vườn cháy khét lửa Napan/ Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc”; để đến: “Em đã thấy những tâm hồn tuyệt vời trong trẻo/ Những con người như ánh sáng lung linh/ Mỗi đêm ra đi giản dị hiến mình/ Để làm nên buổi mai đầy nắng…” thì anh bừng sáng: “Anh sẽ sống đẹp những ngày em chưa kịp sống/ Sẽ yêu trọn những gì em chưa kịp yêu/ Em trong anh là mùa Xuân náo động/ Từ phút này càng rực rỡ bao nhiêu”.

Vượt đường xa, dù bước chân đã chậm và run, dù mái tóc của tuổi 84 đã phơ phơ bạc nhưng giọng thi nhân vẫn khỏe khoắn, hào sảng khi đọc lại những câu thơ ông viết 55 năm trước. Ông đọc cho mọi người nghe đấy mà cứ như thể đang chuyện trò cùng vợ hiền yêu dấu.

Và câu chuyện về hạnh phúc của họ vẫn được nối dài để Bùi Minh Quốc viết tiếp cho Dương Thị Xuân Quý ngay trong mùa Xuân 2024 kỷ niệm 55 năm vợ hiền hy sinh: “EM/ anh luôn thấy mắt EM/ dõi theo anh từng bước/ đôi mắt sáng như sao/ khi anh soi mình vào/ cho anh hiểu thế nào là hạnh phúc// Hạnh phúc là thanh thản lương tâm/ là sống đẹp/ ngày ngày sống đẹp/ trọn đời sống đẹp/ trọn đời máu thịt với nhân dân/ trọn đời tiên phong gương mẫu//(...)// Tất cả những ai quên mình/ sẽ có mình trong mọi người/ tất cả những ai hy sinh/ sẽ đời đời trong mọi sinh linh…” (Niệm, rút trong tập thơ “Mẹ Việt Nam”, NXB Hội Nhà văn - 2024).

“Tôi cảm thấy đôi mắt của Dương Thị Xuân Quý luôn dõi theo tôi từng bước đi trong cuộc đời; từng phút đời, mỗi ngày đời, từng phút sống, mỗi ngày sống để làm sao giữ sự thanh thản của lương tâm, đúng như lời của Pavel Korchagin mà tôi và Quý từ thời trẻ đã giữ trong tim: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống.

Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người...””, nhà thơ Bùi Minh Quốc rạng rỡ nói.

Bản viết tay bài thơ 'Niệm' của nhà thơ Bùi Minh Quốc. Ảnh tư liệu

Bản viết tay bài thơ 'Niệm' của nhà thơ Bùi Minh Quốc. Ảnh tư liệu

Biết ơn để soi tỏ chính mình

Trước khi cất giọng ngọt ngào, sâu lắng ngâm 2 bài thơ “Niệm” và “Đất quê ta mênh mông” của nhà thơ Bùi Minh Quốc, NSND Trịnh Thúy Mùi chia sẻ: “Chúng tôi cảm ơn thế hệ đi trước một thời kinh qua cuộc chiến tranh để bảo vệ nền độc lập của đất nước và cho thế hệ mai sau một cuộc sống yên bình, trong đó có cặp đôi nghệ sĩ anh Quốc – chị Quý. Cảm ơn những tình cảm anh chị đã dành cho nhau, gửi cho nhau và gửi cho thế hệ sau làm nền tảng, truyền thống uống nước nhớ nguồn cũng như lòng kính trọng tài năng”.

Cô giáo Mai Thị Tuyết (nguyên giáo viên Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Long Biên, Hà Nội) cũng xúc động dành lời tạ ơn với thế hệ văn nghệ sĩ như nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà văn Dương Thị Xuân Quý. Cũng bởi, “những con người đó chính là những người anh hùng của thời đại. Họ đã viết nên những khúc ca bi tráng về tình yêu, hạnh phúc để nuôi dưỡng tâm hồn chúng tôi sống đẹp, sống tử tế với đất nước và nhân dân”, cô Tuyết bày tỏ.

Nhà báo Nguyễn Thế Khoa – Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến thì nhiều lần ngừng lời để nén xúc động khi nhắc nhớ về câu chuyện Dương Thị Xuân Quý quyết định phải có mặt ở chiến trường miền Nam như một nhà văn - chiến sĩ.

Không xúc động sao được trước tình huống chị phải chấp nhận hy sinh thiên chức lớn nhất của một phụ nữ: Thiên chức làm mẹ. “Đó là nỗi đau lớn nhất của chị”. Cùng với đó là niềm cảm phục về một cây bút dù ở chiến trường cực kỳ khắc nghiệt mà vẫn viết được 5 - 6 truyện, hồi ký. “Đấy là sức mạnh của tình yêu văn chương, sức mạnh của nghị lực. Trong đó, không thể không xem “Nhật ký chiến trường” của Dương Thị Xuân Quý là một tác phẩm lớn của văn học chiến tranh Việt Nam.

Tác phẩm văn học phi hư cấu chỉ chưa đến 200 trang in này dồn nén trong nó một dung lượng hiện thực, một nguồn năng lượng tinh thần to lớn, đầy sức bùng nổ. (…) Đây cần được thực sự coi là “tác phẩm đặc biệt xuất sắc, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc””.

Nhà báo, nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý.

Nhà báo, nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý.

Từ nhận định đó, ông Khoa tâm huyết cho rằng: “Chúng ta còn nợ Dương Thị Xuân Quý hai món nợ lớn. Trước hết là danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và sau đó là Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam dành lời cảm ơn Tạp chí Văn hiến cùng Ban liên lạc đồng đội khu 5, các nhà văn đi qua chiến tranh đã mang đến cho thế hệ hôm nay những vẻ đẹp, âm hưởng cùng sự kiêu hãnh về năm tháng xa xưa.

Ông cũng xúc động nhớ lại năm trước cùng đoàn công tác của Hội Nhà văn Việt Nam về Duy Xuyên dâng hương trước mộ Dương Thị Xuân Quý và thầm đọc những câu thơ mở đầu “Bài thơ về hạnh phúc”: “Thôi em nằm lại/ Với đất lành Duy Xuyên/ Trên mồ em có mùa Xuân ở mãi/ Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên…”.

Nơi nhà văn – chiến sĩ nằm là cả cánh đồng ngô bát ngát, thảng làn gió thổi nhẹ, cảm giác như linh hồn chị trở về “nói với chúng tôi những điều gì đó mà chúng tôi chưa nghĩ tới, chưa làm được, đấy là điều vô cùng thiêng liêng.

Và, với những gì tôi hiểu biết về chị do người dân ở đó kể lại, tôi thấy mình may mắn đã được biết câu chuyện đó, con người đó, được lắng nghe và đọc những dòng viết đó, làm cho mình tử tế hơn một chút so với chính bản thân mình”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.

Cùng với đó, ông Thiều cho rằng, Dương Thị Xuân Quý và Bùi Minh Quốc, những người con đi qua chiến tranh đã chiến đấu, không nghĩ đến hạnh phúc riêng. Đến giờ, cho dù cuộc sống thế nào họ cũng có quyền kiêu hãnh, tự hào về những năm tháng đã sống với tất cả sự thanh thản, yêu thương, chân thực nhất về cuộc đời này và cho đất nước này.

Cũng theo ông Thiều, cho dù sau đó mọi điều có thể thay đổi nhưng không ai có quyền đánh tráo, bóp méo tất cả những giá trị họ đã mang lại; không được lãng quên, phủ nhận những gì các anh, các chị đã sống, chiến đấu, đã viết và ngã xuống…

Nhất là, sống trong thời đại dân chủ, văn minh bao nhiêu thì phải mãi mãi ghi sâu vào tâm hồn mình, biết ơn những người đã đi qua cuộc chiến với những dâng hiến. Biết ơn những trang viết vô giá, viết bằng máu của họ, làm cho các nhà văn thế hệ sau phải nhìn lại trang viết của mình, quá nhiều sáo mòn, ảo tưởng, không chân thực.

Vậy nên, có thể dựng hàng ngàn tượng đài, khu tưởng niệm nhưng tượng đài tưởng niệm lớn nhất với những người đã hy sinh cho Tổ quốc, đã đi qua cuộc chiến tranh là tượng đài trong chính tâm hồn được xây bằng từng hành động cụ thể trong mỗi ngày để chúng ta nhìn lại chính mình.

“Trong cuộc sống đầy tham vọng, ích kỷ, vô cảm… nếu quên lãng những người từng đi qua và hy sinh tuổi xuân cho cuộc chiến là quên lãng những giá trị nhân văn, ở ranh giới giữa ánh sáng và bóng tối sẽ bị thế giới của nhục dục thấp hèn cuốn chặt chúng ta vào đó.

Ngày nay, những vấn đề về con người, văn hóa, đạo đức, ứng xử với con người, với đất nước làm chúng ta càng tưởng nhớ đến họ và biết ơn họ. Cuộc đời đầy bão tố, khiếm khuyết và nhờ họ soi tỏ để mình nhìn lại, để mình tử tế hơn và coi trọng giá trị cuộc sống này hơn”, ông Thiều nhấn mạnh.

“Hội Nhà văn Việt Nam hướng đến năm 2025 – 50 năm kết thúc chiến tranh, 50 năm sống trong hòa bình – cùng mong muốn làm lễ tưởng niệm đặc biệt cho tất cả các nhà văn, nhà thơ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến. Lễ tưởng niệm này không phải cho chúng tôi mà cho tất cả những người đang sống; không phải cho những người đã mất vì họ không cần gì hết khi họ đã hy sinh cả cuộc đời, tuổi trẻ của mình, tất cả những đòi hỏi đó không có đối với họ trên thế gian này.

Tưởng niệm để chúng ta nhìn vào thái độ sống, tư cách sống của chúng ta. Khi nghĩ đến họ, chúng ta thấy rằng nhiều điều thật xấu hổ trước sự hy sinh của họ. Chúng ta sống tham lam, ích kỷ, đố kỵ, ảo tưởng và vô cảm nhiều hơn. Họ như cái cây neo giữ lại những con người trôi nổi trong vô minh bóng tối của mỗi cá nhân chúng ta”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ