Đồng hành với những vấn đề sống còn của dân tộc
Năm nay cũng là lần đầu tiên Ngày Thơ Việt Nam diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 27/2 đến ngày 2/3, tức từ ngày 12 - 15 tháng Giêng năm Mậu Tuất. Năm 2018 cũng là năm đầu tiên, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức hai sân thơ: Sân thơ truyền thống và Sân thơ trẻ.
Với chủ đề “Nhà văn Việt Nam đồng hành cùng đất nước”, Ngày Thơ Việt Nam diễn ra với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn. Cánh buồm, biểu tượng của Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI đang khởi hành về phía trước cùng công cuộc dựng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng trong những khởi sắc tưng bừng của vận nước đang lên.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, Ngày Thơ Việt Nam đã bước sang năm thứ 16. 15 năm qua, những nhà thơ và công chúng yêu thơ nước ta đã làm được một việc chưa từng có, đó là đưa thú thưởng ngoạn thơ ca tao nhã của một nhóm nhỏ trong một thính phòng trở thành cuộc giao tiếp rộng lớn trên các quảng trường trong cả nước, tạo nên sự cộng hưởng đẹp đẽ giữa nhà thơ và công chúng yêu thơ.
Ở đó các nhà thơ đã tìm thấy bạn đọc của mình và bạn đọc cũng tham gia với đời sống thơ ca bằng tình yêu và kinh nghiệm sống của mình. Trong một năm và hàng năm, chúng ta dành ra một ngày để tôn vinh thơ ca là một việc làm hiếm có trên thế giới.
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16 được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm bài thơ “Nguyên tiêu” bất hủ của Bác ra đời. Bác đã để lại nhiều di sản bất hủ cho dân tộc ta, đất nước ta, trong đó có bài thơ “Nguyên tiêu”. Chúng ta đồng tâm gửi tới những lời biết ơn vô vàn đến Bác Hồ kính yêu của chúng ta.
“Ngày Thơ năm nay tiến hành với chủ đề “Nhà văn Việt Nam đồng hành cùng đất nước”. Đồng hành cùng đất nước là đồng hành với những vấn đề sống còn của dân tộc, của nhân dân, đồng hành với những người lao động sáng tạo vô cùng vất vả và cao thượng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, là đồng hành với những con người ở đầu sóng ngọn gió với sứ mệnh thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc… đó chính là những nhân vật trung tâm của văn học trong quá trình đổi mới, đó là cảm hứng không bao giờ quên, không bao giờ vơi cạn, không chỉ của nhà thơ mà của tất cả người lao động văn học trên cả nước”, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết.
Làm giàu hơn tình cảm, tâm hồn người Việt
Nhà văn luôn luôn đồng hành cùng với dân tộc, cùng với thời đại. Các nhà văn, các nghệ sĩ đã say mê sáng tạo, cống hiến nhiều thành tựu và giá trị mới, làm giàu có hơn tình cảm, tâm hồn người Việt, góp phần phục hưng nền văn hóa Việt Nam. Nhà văn đồng hành cùng đất nước, cùng dân tộc, mang một ý nghĩa cao đẹp.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý cho rằng, thi ca là nơi lưu giữ bền chặt và sâu kín tâm hồn Việt qua những bão giông lịch sử và thế cuộc, khi chiến tranh, lúc hòa bình vẫn tỏa sáng tinh thần yêu nước, thương dân. Ánh sáng của tình yêu cuộc sống, tình yêu con người, tình yêu thiên nhiên hầu như chưa bao giờ tắt trong thơ Việt.
Từ Quảng Ninh, nhà thơ Trần Nhuận Minh đến với hội thơ sau nhiều năm là người đề xuất Ngày Thơ Quảng Ninh, và hiện nay là Ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam, đã trình bày bài thơ “Cà mau”. Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc với bài thơ “Đảo sinh tồn” khẳng định rằng, công cuộc giữ nước thời nào cũng gian lao vất vả, cũng chịu đựng hi sinh. Lạ kỳ là ở đâu, từ biên cương tới biển đảo, bất cứ lúc nào sức sống Việt Nam vẫn cứ sinh tồn, vẫn đơm cành trổ nhánh, kết trái ra hoa.
Thơ ca góp phần làm gần lại các nền văn hóa trên thế giới. Qua đó, người ta nhận ra những giá trị chung mang tính nhân văn của loài người với những đồng điệu, những cảm thông, chia sẻ của các dân tộc không cùng lãnh thổ, tôn giáo, tín ngưỡng. Ngày Thơ Việt Nam năm nay có 4 nhà thơ đến từ đất nước Nhật Bản trong đó có nhà thơ Kohei Ikura, Chủ tịch Hội Nhà thơ Nhật Bản và nữ nhà thơ Kea Morii.