Nhà văn đầu tiên nhận giải “Sự nghiệp văn học“

GD&TĐ - Nhà văn Vũ Hùng là tác giả của 40 đầu sách, trong đó có 2 tác phẩm được giải thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam: truyện đồng thoại Sao Sao (1982) truyện ký Sống giữa bầy voi (1986). Cách nay 2 năm bộ sách thiếu nhi 12 cuốn của ông (NXB Kim Đồng tái bản) đã được Giải vàng sách hay 2016 của Hội Xuất bản Việt Nam! Cho tới 2017, bộ sách hay này được thêm 6 cuốn tái bản nữa để vào ngày 4/2/2018, tại Bảo tàng văn học Việt Nam, tác giả của bộ sách 18 cuốn trở thành người đầu tiên nhận giải “sự nghiệp văn học” do Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng.

Nhà văn Vũ Hùng
Nhà văn Vũ Hùng

1.

Tôi đọc hồi kí Mái nhà xưa (Vũ Hùng - NXB Kim Đồng 2015) và chép được một tình huống thật hay đối với người từng dạy văn như tôi. Chuyện thế này, trong biệt thự Song An kia “Một tối chị cả nói:

- Các em có biết trong bài luận về con chó, Hoàng tả thế nào không?

- Chị nói lại xem nào.

- Nghe này: Con chó nhà tôi có bốn chân. Đầu nó có hai cái tai. Đít nó có cái đuôi.

Mọi người cười rộ. Hoàng phản đối:

- Không đúng thế là gì!” 

“Lí lẽ” cùng “tác phẩm” tả chân chính xác tới từng số đếm, của Hoàng - nhà văn Vũ Hùng hồi đang học tiểu học Trường Lý Thường Kiệt, Trường Sinh Từ Hà Nội khiến chúng ta rút ra được khá nhiều điều về lí luận văn học, cũng như về lao động nhà văn!

Thứ nhất, văn học không phải sinh vật học, cứ đà bút thật như đếm này, sẽ tới lúc người viết văn phanh bụng chó mà đếm, 1 trái tim 2 lá phổi và 7,5 thước lòng; thứ hai, không ai viết ngược lại, đầu nó có cái đuôi, đít nó có hai tai!

Nhưng để biết con chó của mình có cái đuôi, nhà văn có thể viết hồn nhiên như cậu bé thần đồng Trần Đăng Khoa: Tao đi học về nhà /Là mày chạy xồ ra / Đầu tiên mày rối rít / Cái đuôi mừng ngoáy tít… hay viết đầy giễu cợt như một nhà thơ đời Đường: Hỏng thi chân bước vụng về / Vợ buồn con nản ủ ê mặt mày / Cún con nửa đứng nửa ngồi / Vẫy đuôi rối rít, ông ơi đừng buồn;

Thứ ba, đã đành đong đếm cũng là một biện pháp mô tả, nhưng ta vừa định lượng vừa định tính như cách đếm của văn học dân gian “trùng trục như con chó thui/ chín mắt, chín mũi, chín tai, chín mồm” thì ác quá, vì “Nếu theo trường phái chó thui / Con chó cưng lấy… khúc dồi… vẫy đuôi!/ Khóc đứng, lại thêm khóc ngồi / Dùng dao thớt, tả vật nuôi sao đành!

Một số tác phẩm của ông

Một số tác phẩm của ông

2.

Tôi cũng hay trao đổi với các bạn văn của mình về “văn mẫu” Vũ Hùng. Cô giáo Huệ Văn (Nguyễn Thị Huệ, Hải Dương) đọc Vũ Hùng kĩ đến từng chữ. Huệ Văn giúp tôi hiểu Vũ Hùng hơn:

“Cổ tích giải thích về nguồn gốc hoặc tập tính nào đấy của con vật bằng sự tưởng tượng hoang đường kỳ ảo. Ngụ ngôn mượn chuyện con vật nói chuyện con người thông qua nghệ thuật ẩn dụ. Sau này, nhà văn Tô Hoài nhập vai vật kể chuyện Dế Mèn phiêu lưu ký.

Nhà văn Trần Quốc Toàn mở Sở thú mười hai con giáp... Sinh động, dí dỏm, vừa giàu kịch tính, vừa đẫm chất thơ, các nhà văn mang thiên nhiên, muôn vật về gần bên con trẻ để răn ngụ những bài học sâu sắc làm người.

Ở đó, đặc điểm, tập tính của muôn loài chỉ thấp thoáng hiện ra chứ không phải là nội dung chính các nhà văn hướng tới. Vũ Hùng thì khác... Dùng mắt nhìn thi sĩ để ngắm cảnh, lấy sắc màu hội họa để vẽ tranh, còn đối với muôn vật từ nhỏ bé như Cu ly, côi cút như Cu Con, yếu đuối như Cheo Cheo đến hung hăng như bò tót, lủi thủi như voi đực già; nhà văn đều mở lòng thương yêu trìu mến.

Đắm chìm trong thiên nhiên mát lành, tình người ấm áp, Vũ Hùng một mình quan sát, lắng nghe, thấu cảm. Cuối cùng là sẻ chia. 

Ngồn ngộn chi tiết và hình ảnh, được kể bằng giọng hiền lành, rủ rỉ như của một ông ngoại hiền lành; rầm rì, chầm chậm, kiên nhẫn như bước chân voi rậm rịch, chắc nặng; nhà văn dẫn người đọc đến nơi sâu thẳm của rừng già, khiến ta ngỡ ngàng trước bao nhiêu bí ẩn: bí ẩn quanh một nắm đất, bí ẩn cuộc sống của bầy voi.

Yêu quá con voi cái già, lòng những muốn kêu lên như là con trẻ! Sao trên đời lại có cuộc đổi ngôi, thay vai êm đềm, yên bình đến thế... Và, bất ngờ hơn cả là sự chiêm ngẫm, đúc kết của nhà văn về luật rừng. 

Luật rừng là sự khôn ngoan để tồn tại; là cố gắng để thích nghi; là giữ gìn để bảo vệ sinh cảnh; là cứu giúp để sự sống không bị hủy diệt, lụi tàn. 

Trong rừng không bao giờ có những cuộc chiến tranh cùng loài, không con thú nào tàn phá môi trường mà nó sinh sống. Thiên nhiên đã dạy ta nhiều thứ quá! Vỡ ra điều này, câu thơ của Hữu Thỉnh lại vang lên trong trí nghĩ “Người sống với người như thế nào?” cùng ít nhiều chua xót…

Nhưng tôi tin, một khi cuốn sách đã trở thành người bạn thân thiết của trẻ thơ, rọi chiếu vào tâm hồn các em ánh sáng của tình thương yêu, sự khoan dung, lẽ công bằng, thế giới ngày mai sẽ khác!”.

Trong những người làm văn chương chuyên nghiệp không phải mọi chuyện về Vũ Hùng đã thống nhất, một bạn văn khác của tôi, cô giáo Thúy, giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp Tuy Phước, Bình Định không đồng ý với nhận định của nhà nghiên cứu kì cựu Vương Trí Nhàn, dù ý kiến này đặt ngay trong lời tựa của bộ sách “sự nghiệp” 18 cuốn kia!

Vương Trí Nhàn viết “Dưới hình thức ghi chép, Sống giữa bầy voi giống như một khảo luận công phu về mọi hoạt động không chỉ của loài thú và những người săn thú” và Trương Thị Thúyphản biện:

“Vừa đọc xong Sống giữa bầy voi của nhà văn Vũ Hùng. Rất tuyệt! Được trải qua những hiểu biết đầy mới mẻ và thú vị! Tôi đã từng xem rất nhiều chương trình “Thế giới động vật”, có đôi chút đam mê về cuộc sống nơi hoang dã. Nhưng những chương trình đó chỉ cung cấp những thông tin bề nổi.

Còn khi đọc tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng, không những tôi được hiểu mà còn cảm thấy xúc động, có những lúc vui sướng cười một mình, có khi khâm phục và cũng không ít lần tâm hồn bỗng rung lên thổn thức. Tác phẩm gợi cho tôi nhiều suy tư.

Có thể, với cách nhìn của mình, nhà phê bình Vương Trí Nhàn cho rằng Sống giữa bầy voi là một “khảo luận công phu”. Tôi tôn trọng điều đó nhưng không cùng quan điểm. Với tôi, Sống giữa bầy voi là một tác phẩm văn chương độc đáo với đầy đủ những giá trị nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ. Do vậy, đối với tôi tác phẩm này không hẳn chỉ là “ghi chép”!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ