Âu lo lặng lẽ
Cuộc họp Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết âm lịch khá lặng lẽ nhưng âu lo. Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh chủ trì cuộc họp để ra một quyết định khó khăn, trước tình hình diễn biến khó lường của Covid-19, có hay không tiếp tục tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 18.
Đây là một sự kiện thường niên do Hội Nhà văn tổ chức và đã được chuẩn bị chu đáo từ 5 tháng trước đó. Giấy mời cũng đã được gửi tới các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, quan khách và 46 khách quốc tế. Nếu phải hoãn thì đó quả là một sự việc buồn, gây ảnh hưởng không ít trong tinh thần cũng như tài chính, công sức chuẩn bị…
Nhưng điều quan trọng trước hết là sức khỏe và sự an toàn của các nhà văn cũng như khách tham quan Văn Miếu bất chợt ghé tham dự sự kiện. Hội Nhà văn đã quyết định hoãn tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 18 cùng một số sự kiện đi cùng như Lễ ra mắt sách thơ quốc tế, Hội thảo thơ Việt - Hàn.
Trước quyết định bất khả kháng đó, nhà thơ Trần Đăng Khoa – người cập nhật rất nhanh tin tức về Covid-19 trên mạng xã hội. Ông tỏ ra lo lắng về số người nhiễm vius Corona chủng mới và Việt Nam là nước đang bị ảnh hưởng bởi dịch này. Ông mong muốn công tác phòng dịch, kiểm soát dịch của Việt Nam phải thật tốt.
Dịch tả lợn châu Phi trước đó, dù chúng ta đã biết trước, đã phòng, nhưng cuối cùng dịch này đã lan tràn và gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi lợn ở Việt Nam, cũng như cộng đồng nói chung.
Nhà văn Bảo Ninh. |
Ra đường hay trốn trong nhà viết sách?
Ngay sau chuyến đi công tác tại Ấn Độ trở về Việt Nam, nhà văn Nguyệt Vũ đã lập tức vào cuộc để giúp cộng đồng tự bảo vệ mình. Chị liên tục cập nhật thông tin về cách phòng chống nhiễm virus Corona, cách chọn khẩu trang hợp chuẩn, cách tăng cường sức đề kháng…
Thậm chí, Nguyệt Vũ còn vận động một công ty dược sản xuất khẩu trang y tế phát tặng cho người dân. Bản thân chị, ngay lúc đang công tác tại Ấn Độ, đã mua khẩu trang ở đây, mang về Việt Nam, đủ dùng cho mình và người trong gia đình.
“Loại khẩu trang ở Ấn Độ khá đắt, nhưng tôi tin vào chất lượng của sản phẩm, nên tranh thủ mua luôn cho mình và người trong gia đình. Nào ngờ về tới Việt Nam, thì thấy sự khan hiếm khẩu trang, một số hộ kinh doanh lại còn tăng giá, ém hàng nên muốn vào cuộc giúp đỡ cộng đồng. Tôi vận động Công ty Tanaphar sản xuất khẩu trang y tế phát miễn phí 240.000 khẩu trang (đã tiệt trùng) cho người dân Hà Nội.
Việc này được thực hiện vào thứ bảy hàng tuần, sáng từ 9 giờ -11 giờ, chiều từ 14 giờ - 16 giờ tại cổng chính Trung tâm Dược và TTBYT Hapu, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Bên cạnh đó, tôi cũng tích cực tìm các đơn vị uy tín để sản xuất khẩu trang bằng vải kháng khuẩn công nghệ Nhật Bản giới thiệu cho các đơn vị đông người lao động đến mua…” – nhà văn Nguyệt Vũ nói.
Nhà văn DiLi không phải đến trường thêm một tuần, do trường đại học nơi chị làm việc tiếp tục cho sinh viên nghỉ. DiLi chỉ ở nhà, bật máy sưởi 24/24 để phần nào tránh virus Corona và bản thân cùng người thân không bị nhiễm lạnh, không bị cảm cúm trong những ngày thời tiết ẩm lạnh.
Chị cũng chỉ chọn mua loại khẩu trang kháng khuẩn đảm bảo chất lượng với van thở lọc bụi siêu mịn tại siêu thị hoặc các cửa hàng dược phẩm đáng tin cậy. Tranh thủ thời gian được nghỉ, chị ở nhà tập trung viết văn viết báo, thực hiện những dự án sách mà chị đang theo đuổi. Tuy nhiên, nếu dịch còn diễn tiến phức tạp, có thể chị sẽ phải hoãn chuyến đi công tác tới Ấn Độ ngày 26/3 tới đây.
Nhà văn Bảo Ninh, vừa trở về Hà Nội cũng chia sẻ: “Tôi mới trở ra Hà Nội sau chuyến đi hơn chục ngày vào miền Trung. Xuống sân bay Nội Bài tôi đã giật mình. Nhất loạt ngàn người nấp sau khẩu trang. Thế nhưng người dân miền Trung còn thờ ơ, khinh suất quá.
Về nhà, tôi bị cả nhà nhốt lại. Không được phép đi đâu ra khỏi căn hộ, chạy thể dục cũng phải đeo khẩu trang. Nhưng, như thế cũng có cái hay là tôi tập trung làm việc, không la cà nhậu nhẹt nữa”.