Nhà trường tìm cách nâng cao năng lực tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm

GD&TĐ - Hiện, các trường phổ thông đồng thời thực hiện song song Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và 2018. 

Giờ sinh hoạt lớp của Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Yên Mỹ, Hưng Yên) được tổ chức theo hình thức sân khấu hóa. Ảnh: TG
Giờ sinh hoạt lớp của Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Yên Mỹ, Hưng Yên) được tổ chức theo hình thức sân khấu hóa. Ảnh: TG

Điều này đòi hỏi giáo viên, nhà trường phải có năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm.

Có thể tổ chức bằng nhiều hình thức

Theo cô Trần Thị Yến – Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Yên Mỹ, Hưng Yên), hoạt động trải nghiệm có nội dung đa dạng, mang tính tổng hợp kiến thức, kỹ năng của nhiều môn học, lĩnh vực học tập và giáo dục. Do đó, nhà trường, giáo viên có thể tổ chức bằng hình thức, phương pháp khác nhau. Chẳng hạn, giáo viên biến giờ sinh hoạt lớp thành một diễn đàn hoặc tổ chức theo hình thức sân khấu hóa.

Theo đó, học sinh có thể diễn kịch, tiểu phẩm với những tình huống có thực trong cuộc sống. Là diễn viên, các em trực tiếp giải quyết vấn đề mà kịch bản đặt ra. Thông qua hoạt động này khuyến khích học sinh đưa ra quan điểm, suy nghĩ và cách xử lý tình huống. “Từ hình thức sân khấu hóa, học sinh được rèn luyện, phát triển kỹ năng phát hiện, phân tích vấn đề và kỹ năng ra quyết định, giải quyết vấn đề. Đồng thời, trò được rèn luyện khả năng sáng tạo khi giải quyết tình huống và ứng phó với những thay đổi của cuộc sống” - cô Yến chia sẻ.

“Đơn cử, nội dung trải nghiệm loại hình sinh hoạt dưới cờ, giáo viên thiết kế, xây dựng và hướng dẫn học sinh tham gia. Đây là nhiệm vụ đầu tiên của công tác quản lý khi hoạt động này của khối 1, 2, 3 được quy định trong Thông tư 32; còn khối 4, 5 được xác định là hoạt động ngoài giờ lên lớp” - thầy Duy viện dẫn.

Thực hiện song song Chương trình giáo dục phổ thông, trong đó có hoạt động trải nghiệm và hoạt động ngoài giờ lên lớp, thầy Đỗ Hồng Duy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định) chia sẻ: Ngay từ đầu tháng 8, trên cơ sở khung thời gian năm học và định hướng của ngành, nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch hoạt động trải nghiệm. Từ chương trình hoạt động trải nghiệm của khối 1, 2, 3; các tổ chuyên môn thống nhất nội dung, chủ đề. Trên cơ sở đó, đặt tên chủ đề riêng cho từng khối lớp và lựa chọn nội dung từng hoạt động.

Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông, để tổ chức hoạt động trải nghiệm, cần bồi dưỡng năng lực thực hiện cho đội ngũ giáo viên. Theo đó, cần chú trọng vào các nhóm năng lực như: Chọn chủ đề, nội dung trải nghiệm; sử dụng các phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh và năng lực ngoại ngữ, tin học…

Một chương trình hoạt động trải nghiệm theo hình thức sinh hoạt dưới cờ của Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông. Ảnh: NTCC

Một chương trình hoạt động trải nghiệm theo hình thức sinh hoạt dưới cờ của Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông. Ảnh: NTCC

Bồi dưỡng năng lực cho giáo viên

Cô Nguyễn Thị Ngọc Nam – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cao Viên II (Thanh Oai, Hà Nội) cho rằng, cần bồi dưỡng cho giáo viên 7 nhóm năng lực: Tìm hiểu học sinh và môi trường giáo dục để tổ chức các hoạt động trải nghiệm phù hợp. Tiếp đến là năng lực giáo dục, nhằm phát triển toàn diện nhân cách cho học sinh.

Yêu cầu tiếp theo là năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động trải nghiệm; năng lực giao tiếp; năng lực thiết kế công cụ đánh giá kết quả thể hiện ở các mức độ đạt được nhu cầu hình thành và phát triển cho học sinh. Năng lực hoạt động xã hội có vai trò quan trọng. Theo đó, giáo viên phải biết tuyên truyền, vận động những người xung quanh tham gia vào hoạt động phát triển cộng đồng, xây dựng môi trường văn hóa bằng các hình thức, phương pháp, kỹ năng tự học. Thầy cô cũng cần năng lực phát triển nghề nghiệp. Nói cách khác, giáo viên phải có phương pháp, kỹ năng tự học, tự bồi dưỡng.

Từ thực tiễn, cô Hà Thị Lan Hương - giáo viên Trường THPT Nho Quan C (Ninh Bình) nhận thấy, cùng lúc triển khai hai Chương trình giáo dục phổ thông khiến việc xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học nói chung và kế hoạch giáo dục nói riêng gặp một số khó khăn nhất định. Trong đó, có việc xây dựng kế hoạch giáo dục cho hoạt động ngoài giờ lên lớp (theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006) và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018).

“Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là hoạt động giáo dục độc lập, tương đương một môn học, được thực hiện bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Do đó, khi tổ chức hoạt động trải nghiệm, nhiều trường lúng túng và gặp không ít khó khăn” - cô Hương bày tỏ.

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa - Chủ biên Chương trình Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (Chương trình giáo dục phổ thông 2018) nhấn mạnh, bất kỳ giáo viên nào được đào tạo sư phạm (giáo viên Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý…) đều có thể đảm nhiệm. Bởi khi học sư phạm, họ được đào tạo cách tổ chức hoạt động giáo dục cho học sinh.

“Muốn tổ chức tốt, giáo viên, nhà trường, phụ huynh và xã hội phải hiểu đúng về hoạt động này. Nhiều người nghĩ rằng, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là đưa học sinh đi thực tế bên ngoài, tham quan, dã ngoại hoặc tổ chức các sự kiện ồn ào. Tuy nhiên, đi thực tế là một phần nhỏ, bởi chương trình còn nhiều nội dung hơn thế” - PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa trao đổi, đồng thời nhấn mạnh:

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc nên cần tổ chức nghiêm túc, thực chất để học sinh “ngấm sâu” vào ý thức. Theo đó, các trường cần biến nó thành thói quen của học sinh và được lặp đi lặp lại nhiều lần. Có như vậy mới rèn luyện được kỹ năng và thay đổi tư duy, nhận thức của người học.

Theo cô Hà Thị Lan Hương, trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục, có mục đích, nội dung, phương pháp tổ chức khoa học thông qua thực tiễn cuộc sống. Qua đó, nhằm hình thành kiến thức, phẩm chất, nhân cách, tình cảm, kỹ năng và thái độ sống tích cực đối với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Hoạt động trải nghiệm ở trường phổ thông được thể hiện dưới dạng tham quan, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ điểm, giáo dục truyền thống, câu lạc bộ… Đây cũng là hoạt động ngoài giờ lên lớp được thể hiện ở Chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.