Nhà trường không chỉ là nơi dạy chữ

Nhà trường không chỉ là nơi dạy chữ
Phát huy sự năng động của học sinh trong mô hình trường học mới
Phát huy sự năng động của học sinh trong mô hình trường học mới
 

(GD&TĐ) - Trong cuộc trao đổi cách đây không lâu, ông Trần Thế Sơn, Trưởng phòng GDTH, Sở GD&ĐT Nghệ An nói với tôi: Chúng ta thực hiện mô hình lấy học sinh làm trung tâm, dạy học theo nhóm đã từ lâu, nhưng mới chỉ là trên lý thuyết. Vấn đề là làm sao biến cái lý thuyết ấy thành kỹ năng của giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới cách dạy. “Mô hình trường học mới Việt Nam” giải quyết được vấn đề này…

Khi học sinh mới là người chủ động

Tôi vào thăm một lớp 2 (một trong 13 lớp thí điểm của Trường Tiểu học thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương). Lúc này cả lớp đang học tiết Toán. Cách “cô giảng - trò nghe, cô đọc - trò chép” mà ta thường gặp ở một lớp học truyền thống không còn xuất hiện.

Thay vào đó là việc cô giáo đi đến từng nhóm hướng dẫn học sinh đọc tài liệu; rồi cô nêu câu hỏi, cô gợi ý để các em trong từng nhóm thảo luận, trao đổi, tự tìm hiểu nội dung mà chính cô cần phải truyền thụ cho các em. 

Cùng đoàn chúng tôi hôm ấy có ông Trần Thế Sơn, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Nghệ An. Ông vào một lớp 2 khác và xin cô giáo được giao tiếp với học sinh. Sự bỡ ngỡ chỉ thoáng qua ở phút đầu, còn sau đó các em sôi nổi trao đổi, sôi nổi có ý kiến trước các câu hỏi (về Toán và Tiếng Việt) của ông Sơn. Lớp học thật sự sôi động, các em không hề có biểu hiện rụt rè trước một vị khách mà lần đầu tiên các em được tiếp xúc. 

Còn nhớ hôm chúng tôi đến Trường Tiểu học thị trấn Nam Đàn (huyện Nam Đàn), khi được đề nghị đánh giá về “Mô hình trường học mới Việt Nam”, cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Cúc cho biết thực chất của “Mô hình trường học mới Việt Nam” là đổi mới phương pháp dạy học - thay phương pháp dạy học truyền thống bằng một phương pháp dạy học mới và tăng cường các hoạt động giáo dục.

Phương pháp tổ chức dạy học bằng hoạt động nhóm của học sinh được Sở GD&ĐT Nghệ An chỉ đạo thực hiện từ năm học 2000 - 2001, nhưng thời kỳ đó chưa có mô hình cụ thể nên giáo viên rất lúng túng và không mang lại hiệu quả cao - thực chất, lúc đó nói “hoạt động nhóm” chỉ là lý thuyết.

Còn bây giờ, sách giáo khoa được biên soạn lại thành tài liệu giảng dạy, khi sử dụng tài liệu này, mặc nhiên giáo viên phải tổ chức cho học sinh hoạt động nhóm chứ không thể làm khác, không thể dạy như trước đây được nữa - tài liệu giảng dạy thực sự trở thành “người thầy” cho cô giáo và cho cả học sinh.

Cô giáo đang hướng dẫn học sinh hoạt động nhóm trong một tiết học (Trường TH Diễn Kỷ, Diễn Châu)
Cô giáo đang hướng dẫn học sinh hoạt động nhóm trong một tiết học (Trường TH Diễn Kỷ, Diễn Châu)

Những kết quả và những băn khoăn     

Tôi hỏi ông Sơn: “Sau hơn một năm triển khai thí điểm “Mô hình trường học mới Việt Nam”, bây giờ thì ông đã có những đánh giá như thế nào?”. Theo ông Sơn, Dự án “Mô hình trường học mới Việt Nam” đã mang lại nhiều kết quả rất đáng mừng.

Một trong những điểm nổi bật là “Mô hình trường học mới Việt Nam” đã làm thay đổi quá trình sư phạm của giáo viên, tác động của giáo viên qua hoạt động sư phạm đến với hành vi của học sinh lớn hơn và hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, học sinh tự tin hơn trong giao tiếp, nhất là học sinh vùng miền núi, dân tộc; kỹ năng cốt lõi (nghe, nói, đọc, viết) được hình thành sớm hơn, vững chắc hơn (thấy rõ nhất cũng ở khối học sinh vùng miền núi, dân tộc).

Chưa kể là qua tổ chức dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục khác, học sinh không những tiến bộ nhanh trong việc tiếp thu nội dung của chương trình mà các năng lực khác (như năng lực tự quản; năng lực hợp tác; ...) cũng sớm được hình thành.         

Tôi đã đến trên chục trường đang thực hiện thí điểm “Mô hình trường học mới Việt Nam” ở cả ba vùng (miền xuôi, miền núi, vùng cao).

Ở những trường này, giáo viên và cha mẹ học sinh đều thừa nhận mô hình đang triển khai là tốt, là khả thi; học sinh được học theo mô hình này chắc chắn sẽ phát triển toàn diện hơn, các em có năng lực ứng xử với thực tế cuộc sống tốt hơn. Nhưng có vài trường cũng còn có băn khoăn.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Cúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Nam Đàn: Với cách dạy của “Mô hình trường học mới Việt Nam”, học xong lớp 5, học sinh của trường này sẽ khó thi đậu vào Trường THCS Đặng Chánh Kỷ (một trường thực chất là trường THCS chuyên của huyện Nam Đàn). Ông thấy băn khoăn của cô Cúc có đúng không - tôi hỏi ông Trần Thế Sơn.

Ông Trần Thế Sơn thẳng thắn: “Đúng là có băn khoăn như vậy và chúng tôi cũng đã nhận được sự phản ánh từ một số nhà trường. Cái bất cập hiện nay là giữa học ở tiểu học và thi vào các trường trung học cơ sở trọng điểm (thực chất là trường chuyên) không đồng bộ nên giáo viên và cha mẹ học sinh ở thành phố, thị trấn tỏ ra lo lắng.

Thực tế, vì lo lắng như thế nên ở Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (thành phố Vinh) đã có 2 học sinh xin chuyển trường; ở Trường Tiểu học thị trấn Yên Thành có 4 học sinh học xin chuyển trường (4 em này nay đã xin trở lại trường cũ). Để giải quyết băn khoăn này, cách duy nhất là sửa đổi cách thi vào các trường trọng điểm khi mà các trường này đang tồn tại. 

Minh Đức

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ