Một trong những sự kiện đã gây sự chú ý trong suốt những ngày qua đó là Nhà thờ Đức Bà Paris, Pháp bị cháy khiến cho tháp nhọn và phần lớn mái vòm của nhà thờ đổ sập trước sự chứng kiến của triệu triệu người trên khắp thế giới.
Rất may là nhiều tác phẩm nghệ thuật, cổ vật đã được đưa ra ngoài an toàn như 16 bức tượng đồng đã được di dời trước đó vài trước khi vụ cháy diễn ra vài ngày. Và có lẽ phải mất rất nhiều thời gian nữa, nước Pháp mới có thể phục hồi được nhà thờ hơn 800 năm tuổi trở về với nguyên bản.
Các chuyên gia cho rằng, nhiệm vụ khó khăn nhất đó là phục hồi mái của nhà thờ, bộ phận đã được làm từ những thân gỗ lớn bọc chì để tránh tác động của thời gian và môi trường. Theo ước tính thì khoảng 1.300 cây gỗ được dùng làm dầm cho công trình này.
Đó là câu chuyện ở nước Pháp nhưng nó cũng tạo ra nhiều tác động tới các quốc gia khác, đặc biệt là Việt Nam- nơi có nhiều công trình kiến trúc văn hóa có giá trị lịch sử văn hóa lớn lao. Phải chăng đây là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam trong quá trình bảo tồn các di sản văn hóa này?
Trò chuyện xoay quanh câu chuyện này trong chương trình Cà phê sáng phát sóng sáng nay, ngày 19/4, Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương đã có những chia sẻ rất thẳng thắn.
“Sau vụ cháy, phần linh hồn của nhà thờ Đức Bà Paris đã mất”
“Tôi phải nói rằng, sự kiện này là sự kiện rất lớn và đau xót đối với nhân loại. Vì nhà thờ Đức Bà Paris là một biểu tượng về tôn giáo và nghệ thuật của nhân loại chứ không chỉ riêng của nước Pháp.
Khi vụ cháy xảy ra đã chấn động toàn thế giới. Qua đó, chúng ta cũng thấy sự quan tâm của thế giới đối với những kiệt tác nghệ thuật. Đối với những nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam cũng có sự chấn động rất lớn. Bởi với những người nghiên cứu văn học nghệ thuật hẳn không bao giờ quên tác phẩm vĩ đại của đại văn hào Victor Hugo, “Thằng gù nhà thờ Đức Bà”.
Cho nên tất cả những nhà văn hóa, văn học và nghệ sĩ thì một trong những mơ ước lớn của họ là được đến thăm nhà thờ Đức Bà Paris.
Có thể nói là họ đến thăm bằng tưởng tượng khi đọc “Thằng gù nhà thờ Đức Bà”, họ đến thăm bằng những trang sách nghiên cứu về điều đó. Bản thân tôi được đến đó nhiều lần. Lần nào qua nước Pháp để làm các dự án khoa học, tôi cũng đều đến đó để chiêm ngưỡng kiệt tác của nhân loại đó. Sự mất mát này là quá lớn!”, Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương biểu lộ cảm xúc trước vụ cháy ở nhà thờ Đức Bà Paris, Pháp.
Với sự quan sát trực tiếp kiến trúc nhà thờ và kiến thức của mình, theo Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương việc phục hồi di sản văn hóa như thế này có khả quan:
“Tôi nghĩ chắc chắn nước Pháp và nhân loại sẽ phục hồi được. Với trình độ ngày nay, họ hoàn toàn có thể phục dựng lại nhà thờ Đức Bà Paris. Vì tư liệu của họ cực kỳ tốt. Có hàng nghìn tác phẩm nghiên cứu về nhà thờ Đức Bà Paris. Cho nên chúng ta hi vọng sẽ phục dựng được. Hơn nữa, nước Pháp là cái nôi văn hóa nghệ thuật của thế giới. Tiềm lực kinh tế của họ lớn”.
Tuy nhiên, bên cạnh đó bà cũng cho rằng việc phục dựng không thể đưa nhà thờ trở về nguyên bản vì: “Không biết mất bao lâu để phục dựng được nhà thờ nhưng nó cũng chỉ là hình hài thôi, còn phần linh hồn của nó đã mất đi. Khi tôi bước vào nhà thờ, khi dẫm chân lên nền đá lát, nhìn lên những vòm tượng trưng cho bầu trời, tôi hiểu rằng cái đó đã đi qua hơn 800 năm. Còn bây giờ khi phục dựng lại thì là phục hồi lại một phần hình thù chứ không phục dựng lại được dấu ấn thời gian”.
“Vấn đề bảo tồn các di sản văn hóa, kiến trúc ở ta còn nhi khiếm khuyết”
Từ sự việc nhà thờ Đức Bà Paris, liên hệ tới vấn đề bảo tồn, trùng tu cho các di sản văn hóa, di tích kiến trúc tại Việt Nam, Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương thẳng thắn nhìn nhận: “Tôi thấy công việc bảo tồn các di sản văn hóa ở Việt Nam là cực kỳ cố gắng vì chúng ta thiếu kinh phí. Việc bảo tồn các di sản văn hóa rất tốn kém. Với ngân sách hạn hẹp, chúng ta đã rất cố gắng để bảo tồn. Đó là thành tích lớn của Bộ Văn hóa và các ngành bên văn hóa.
Nhưng, bên cạnh đó, cũng phải đau xót là bảo tồn của chúng ta có nhiều vấn đề chưa được, có những khiếm khuyết. Ví dụ việc phục dựng chùa chiền, việc bảo tồn các ngôi chùa cổ kính, các di chỉ phật giáo của chúng ta đến nay vẫn chưa được hoàn thành tốt lắm...
Ngày nay cũng có xu hướng, tôi nghĩ là lên án- có thể coi là tội ác đối với văn hóa đó là “sung sướng phá chùa cũ để xây một chùa mới rất to” và đã quên rằng các cụ đã dạy rằng “chùa thiêng ở đất, chùa thiêng bởi con người chứ không thiêng bởi to”.
Có quan niệm rằng chùa to mới thiêng. Trong khi đó làm chùa to thì kiến trúc rất “lăng nhăng”, không theo chuẩn mực nào cả. Để phục dựng một ngôi chùa đâu đơn giản, dù chỉ là ngôi chùa cổ bé thôi.
Ở Trung Quốc, nơi nổi tiếng về chùa của thế giới thì có những ngôi chùa cổ trên núi chỉ rộng 4 m2 nhưng là nơi ở của một thiền sư. Khi họ sửa, rất cung kính, sửa chữa từng tí một, ngay cả rêu tường người ta cũng phục dựng lại sao cho giống rêu cổ hàng nghìn năm trước.
Vì thế mới có câu thơ nổi tiếng là “Sư già ngủ trong mây” chứ không phải “sư già ngủ trong phố đâu”. Ở Trung Quốc, muốn tu thì phải trên núi. Họ bảo dưỡng những ngôi chùa trên núi rất tốt.
Quá trình phục dựng của chúng ta cũng kém. Nếu ở thế giới, họ phục dựng rất cẩn thận, với hiện tượng nhà thờ Đức Bà, hi vọng là phục dựng được vì có nhiều tư liệu để lại. Còn có ngôi chùa cổ ở ta, khi đến phục dựng, hỏi đến cái bản vẽ cũng... không có. Như vậy không có cơ sở gì để phục dựng cả. Thế nên mới có chuyện... đập đi và xây mới!”
Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương chia sẻ thêm rằng, thế giới đến Việt Nam để chiêm ngưỡng và tham quan văn hóa chứ không phải đến Việt Nam ngắm những ngôi chùa to và vô hồn.
Cũng theo bà, công việc phục dựng di sản văn hóa, di tích kiến trúc là vô cùng khó khăn. Để vấn đề bảo tồn, phục dựng hiệu quả thì rất cần có tư liệu và áp dụng công nghệ hiện đại...