NCKH chưa là động lực
Tuy nhiên, ở một số trường CĐSP, vẫn còn quan niệm cho rằng: NCKH chỉ là công việc của các trường ĐH chuyên ngành; các trường sư phạm chỉ chăm lo công việc đào tạo. Quan niệm đó ảnh hưởng không nhỏ đến đến sự phát triển của nhà trường, gặp không ít trì trệ, làm cho chất lượng đào tạo chưa cao.
“Một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm sút chất lượng đào tạo của không ít các trường ĐH, đặc biệt là các trường CĐSP là do xác định chưa đúng về chức năng NCKH của nhà trường. Quan niệm này thể hiện ở việc chưa cân đối giữa NCKH với đào tạo, còn chú trọng nhiều đến đào tạo hơn là NCKH” – ThS Phương cho biết.
Nhiều giảng viên, do nhiều lí do chủ quan và khách quan, coi việc làm NCKH như một nhiệm vụ bắt buộc, miễn cưỡng phải làm, vì vậy họ chỉ làm qua quýt cho xong, không quan tâm tới chất lượng. Những giảng viên này chưa xác định được vai trò to lớn của hoạt động NCKH trong việc nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho chính mình, chưa tạo được sự đam mê trong hoạt động NCKH, dẫn đến hiệu quả thấp kém và thành công về NCKH không đến.
Nếu việc nghiên cứu không nhằm mục đích phát kiến, phát minh mà chỉ để hoàn thành chức năng của người thầy thì rất khó trở thành động lực thực sự cho sáng tạo.
Cũng có giảng viên khuynh hướng dành nhiều thời gian cho giảng dạy thay vì nghiên cứu. Do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thu nhập từ NCKH quá thấp trong khi phải đầu tư nhiều thời gian, trí lực và sức khỏe. Hoặc cũng có thể do cơ chế quản lí, công tác khen thưởng hay những chế độ đãi ngộ cho người làm NCKH...
NCKH phải được coi là nhiệm vụ bắt buộc
Để nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm, một trong những ưu tiên hàng đầu là phải nâng cao vai trò của NCKH nói chung và năng lực NCKH của đội ngũ giảng viên nói riêng.
ThS Nguyễn Thị Thanh Phương cho rằng, trước hết, cần có nhận thức đúng đắn về nhiệm vụ NCKH ở từng giảng viên. Từ nhận thức đúng sẽ hành động đúng.
Giảng viên có hai nhiệm vụ song hành, đó là giảng dạy và NCKH. Vì vậy, việc NCKH phải được coi là nhiệm vụ bắt buộc đối với mỗi giảng viên.
“NCKH phải gắn với thực tiễn phổ thông. Chúng tôi cho rằng phương thức tốt nhất để bồi dưỡng năng lực đội ngũ giảng viên đáp ứng được nhiệm vụ nêu trên là thông qua các hoạt động NCKH” – ThS Phương khẳng định.
Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy, giảng viên cũng cần đổi mới phương pháp dạy học theo phương pháp NCKH và kĩ thuật dạy học hiện đại, dạy học tích cực, tổ chức để người học lĩnh hội nội dung dạy học theo logic NCKH.
Nghiên cứu môn học hay bài học sẽ bắt đầu từ việc người dạy cùng người học đưa ra vấn đề cần giải quyết trong khuôn khổ môn học và liên môn. Giảng viên là người tổ chức, hướng dẫn, cố vấn để người học tự mình phát hiện, giải quyết vấn đề thuộc các lĩnh vực khác nhau, đưa ra hướng giải quyết vấn đề cũng như phát hiện vấn đề mới.
“Theo chúng tôi, việc chọn đề tài NCKH giáo dục ở trường CĐSP cần chú ý coi trọng tính ứng dụng, tính hợp tác liên kết giữa giảng viên CĐSP với sinh viên và với giảng viên trường THCS hoặc tiểu học. Sự phối hợp này mang lại ý nghĩa thực tiễn cho công trình nghiên cứu.
Cũng không nên quan niệm phải chọn những đề tài lớn, rộng mà nên chọn các đề tài vừa sức, thậm chí có thể mang nhiều yếu tố sáng kiến kinh nghiệm, giải quyết một cách hiệu quả về một vấn đề cụ thể nào đó trong quá trình dạy học ở trường CĐSP và trường phổ thông” - ThS Phương đề xuất.