Bộ trưởng Xây dựng nói về nguyên nhân giá nhà ở xã hội đang ở mức cao

GD&TĐ -Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 4, nhiều ĐBQH bày tỏ quan tâm tới vấn đề nhà ở xã hội, trong đó có việc giá của loại hình bất động sản này đang cao.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng trả lời chất vấn.

Phát triển nhà ở xã hội còn chưa đạt yêu cầu

Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Tại phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm, giải pháp nhiều dự án nhà ở, khu đô thị xuống cấp tại Hà Nội.

Đặt vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cho biết, hiện nay ở Hà Nội có rất nhiều dự án nhà ở, dự án khu đô thị sau một thời gian sử dụng thì hạ tầng xuống cấp, đường xá, vỉa hè… nhưng không thể nâng cấp.

Đại biểu cho biết, qua phản ánh của cử tri, điều này làm mất cảnh quan đô thị và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm rõ vấn đề này có thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng không và nếu có đề nghị Bộ trưởng làm rõ sẽ giải quyết như thế nào trong thời gian sắp tới?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong những năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân nói chung và nhà ở xã hội nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác này vẫn còn một số tồn tại, khó khăn.

Cụ thể là hành lang pháp lý vẫn còn vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi tại Luật Nhà ở và các luật khác liên quan.

Về tổ chức thực hiện vẫn còn khó khăn đó là ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Một số địa phương chưa chú trọng việc này để tập trung nguồn lực đầu tư hoặc phát triển quỹ đất.

Cho rằng tình hình triển khai, phát triển nhà ở xã hội còn chưa đạt yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, các bộ ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội để tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi làm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, tháo gỡ những nút thắt cho các dự án xây dựng nhà ở đô thị.

Ảnh hưởng từ tăng giá vật liệu, nhân công

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho biết, việc hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng ưu tiên là chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước, được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách, nhiều chương trình hỗ trợ phát triển nhà trong nhiều năm qua. Tuy nhiên với tình trạng giá nhân công, vật liệu xây dựng tăng cao như hiện này thì mức hỗ trợ các chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở cho các đối tượng ưu tiên bị lỗi thời, khó đáp ứng được nhu cầu.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị Bộ trưởng cho biết hướng hỗ trợ các chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở cho các đối tượng ưu tiên trong thời gian tới?

Trả lời đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thời gian qua, các chương trình hỗ trợ về nhà ở như chương trình hỗ trợ người có công, chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn, chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lũ khu vực miền Trung cũng đã triển khai đạt hiệu quả cao. Đồng thời, góp phần hỗ trợ cải thiện chất lượng nhà ở cho các đối tượng chính sách.

Tuy nhiên, tình trạng tăng giá vật liệu, nhân công cũng ảnh hưởng và không đáp ứng được chương trình này. Về giải pháp Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo của các địa phương, tổng kết chương trình hỗ trợ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giao Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành, các địa phương để xây dựng chính sách hỗ trợ cho các đối tượng người có công, người nghèo đảm bảo đáp ứng yêu cầu.

“Hiện nay, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo theo hướng tăng mức hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng này”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nói.

Phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) đề cập về vấn đề mục tiêu nhà ở xã hội hướng tới người lao động có thu nhập thấp và giải quyết nhà giá rẻ là điểm mấu chốt chính sách nhà ở cho công nhân, người lao động.

Theo đại biểu Tô Văn Tám, mục tiêu trên còn khó thực hiện khi thực trạng giá nhà ở xã hội đang ở mức rất cao so với thu nhập của người lao động. Một số liệu cho thấy, giá trung bình ở mức trên 15 triệu đồng/m2, có nơi từ 21 đến 25 triệu đồng/m2.

Trước thực trạng trên, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết nguyên nhân của thực trạng này và có thể đưa giá nhà ở xã hội phù hợp với khả năng của công nhân, người lao động có thu nhập thấp hay không? Nếu được thì giải pháp nào và trong thời gian bao lâu?

Liên quan đến ý kiến này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định mục tiêu phát triển nhà ở xã hội theo chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 chưa đạt mục tiêu theo yêu cầu và giá nhà ở xã hội cũng đang ở mức cao. Nguyên nhân là chưa đảm bảo được nguồn cung nhà ở xã hội.

Đồng thời, quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội cũng còn hạn chế. Nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội chưa được đảm bảo. Hơn nữa, chính sách ưu đãi, khuyến khích chưa thật sự thu hút và khả thi và khâu tổ chức thực hiện còn nhiều phức tạp dẫn đến nguồn cung chưa đảm bảo…

“Thời gian tới, giải pháp được nêu ra là điều chỉnh pháp luật để thu hút phát triển nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, cố gắng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ