Nhà ở cho công nhân gần khu công nghiệp: Xây để người lao động có cơm ăn

GD&TĐ - Nhiều chuyên gia đề xuất, cần bổ sung chính sách pháp luật về nhà ở xã hội, trong đó có cơ chế chính sách riêng về xây nhà ở cho công nhân.

Cần có quy hoạch tổng thể khu công nghiệp. Ảnh minh họa
Cần có quy hoạch tổng thể khu công nghiệp. Ảnh minh họa

Thu nhập của công nhân cơ bản chỉ đủ để trang trải cuộc sống

Phát triển nhà ở công nhân đang là vấn đề bức thiết hiện nay. Theo chuyên gia, cần có quy hoạch tổng thể khu công nghiệp, xác định quy mô sử dụng lao động, quy hoạch phân khu nhà ở cho đối tượng này.

Ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho rằng, cần thiết phải đầu tư nhà ở cho công nhân. Qua đại dịch cho thấy, thu nhập của công nhân cơ bản chỉ đủ để trang trải cuộc sống của họ và tích lũy thì rất ít. Nhà trọ thì chật hẹp, không đáp ứng được điều kiện sống tối thiểu.

Theo ông Ấn, nước ta đã có chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở và công trình phúc lợi công cộng, phục vụ lâu dài cho công nhân có thu nhập thấp. Vì vậy, cần có quy hoạch tổng thể các khu công nghiệp, xác định quy mô sử dụng lao động, quy hoạch phân khu nhà ở cho công nhân sử dụng ngân sách Nhà nước. Đồng thời, xây dựng nhà chung cư gần với các khu công nghiệp để bán trả góp, cho thuê gắn với hệ sinh thái từ trường học, bệnh viện và phương tiện công cộng để phục vụ cho gia đình công nhân.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, chương trình tín dụng hỗ trợ lãi suất của Bộ Xây dựng hay xây dựng nhà cho công nhân mà TPHCM hay Đồng Nai, Bình Dương đề ra cũng rất ấn tượng. Tuy nhiên, chương trình chưa mang tính tổng thể và thời gian chắc chắn sẽ kéo dài.

Tiếp đó, việc sử dụng chính sách tài khóa, chính sách tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp rất cần cụ thể hóa đối tượng để áp dụng phù hợp. Bởi hiện nay có nhóm doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng, thậm chí không bị ảnh hưởng bất lợi của đại dịch và không cần Nhà nước hỗ trợ bằng tiền. Những doanh nghiệp này chỉ cần đổi mới thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Với nhóm doanh nghiệp bị tổn thương từ đại dịch thì cần sự hỗ trợ của Nhà nước, của ngân hàng. Biện pháp hỗ trợ mà ngân sách Nhà nước như cơ cấu lại nợ, chính sách lãi suất thời gian qua cũng đã rất có tác dụng.

Đồng thời, cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý doanh nghiệp Nhà nước để tạo thêm động lực tăng trưởng. Cơ chế quản lý doanh nghiệp Nhà nước thì vẫn nặng về quản lý hành vi, thủ tục và áp dụng cơ chế như đối với cơ quan quản lý hành chính Nhà nước.

Tránh trường hợp có gạo nhưng không có cơm ăn

Ông Tống Văn Băng -  Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần kịp thời, đa dạng hơn nữa trong việc xuất cấp các danh mục hàng phù hợp với mỗi địa phương, mỗi đối tượng và giai đoạn.

Ông Băng lấy ví dụ việc cấp phát gạo cho công nhân lao động tại các khu nhà trọ nhưng các khu này không có nơi để nấu ăn. Lý do của việc này là không thiết kế bếp hoặc không bảo đảm an toàn. Do đó công nhân lao động vẫn phải ăn mì tôm dài ngày, thậm chí phải bỏ bữa hoặc thậm chí bị đói cục bộ. Trong khi đó, danh mục lương thực thì có thể được điều chỉnh để thành đồ hộp hay lương khô. Mục đích để tránh trường hợp có gạo nhưng không có cơm ăn.

Theo ông Băng, bên cạnh việc bổ sung nguồn lực lao động mới thì việc đào tạo người lao động hiện có cũng là một mục tiêu cần hướng tới. Tuy nhiên, công nhân lao động hiện nay khi đi học còn có khó khăn về thời gian. Bởi, họ thường xuyên phải làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập, hoặc doanh nghiệp cũng đề nghị việc tăng thời gian để lao động thêm giờ làm.

Bên cạnh đó, kinh phí đào tạo hiện nay chủ yếu là do doanh nghiệp chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật lao động hoặc khi thất nghiệp thì xuất quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung việc hỗ trợ học phí cho công nhân lao động không thất nghiệp và lao động ở khu vực phi chính thức để có thể hỗ trợ học phí.

Về giải pháp nhà ở cho công nhân lao động, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng đề xuất cần có cơ chế tài chính, tín dụng phù hợp. Điều này để các tổ chức hay cá nhân có đủ điều kiện xây nhà ở cho công nhân thuê theo các tiêu chuẩn về diện tích phòng ở, an toàn phòng, chống cháy nổ, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Cùng với đó, đề nghị Chính phủ giao thí điểm cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng khoảng 10 khu nhà ở trong năm 2022. Cho công nhân thuê tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp và đáp ứng được yêu cầu về đất, nguồn vốn.

Ông Nguyễn Phi Thường - Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hà Nội nhận định, thực trạng đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 thứ tư đã tấn công trực tiếp vào lực lượng công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp, để lại những hậu quả nặng nề. Theo đó, hàng trăm nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động, hàng triệu lao động mất việc làm, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương.

Theo ông Nguyễn Phi Thường, dù các cấp chính quyền, các tổ chức đã có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động. Tuy nhiên, thực tiễn dịch bệnh đã làm phát lộ thêm hàng loạt vấn đề bức xúc của công nhân, đặc biệt là nhà ở. Số đông lao động di cư từ quê đến thành phố đang ở trong khu nhà trọ ẩm thấp, chật hẹp, san sát nhau. Vì thế, nguy cơ lây nhiễm bệnh tật, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự rất cao.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hà Nội đề xuất cần bổ sung chính sách pháp luật về nhà ở xã hội. Trong đó có cơ chế chính sách riêng về xây nhà ở cho công nhân. Đồng thời, ông cho rằng, cần có cơ chế để Công đoàn tham gia xây nhà ở cho công nhân. Các cơ quan cũng cần ban hành quy định tối thiểu phòng trọ công nhân khi xây dựng. Bên cạnh đó là có các gói hỗ trợ người dân xây nhà ở cho công nhân thuê, mua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.