Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, 103 tuổi vẫn ấp ủ viết 10 đầu sách

GD&TĐ -  Ở tuổi 103, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vẫn dành thời gian mỗi ngày trước máy tính để hoàn thành các bộ sách khảo cứu lịch sử, văn hóa.

Cụ Nguyễn Đình Tư dùng kính lúp, xem tài liệu được chép trong cuốn sổ tay. Ảnh: Mạnh Tùng
Cụ Nguyễn Đình Tư dùng kính lúp, xem tài liệu được chép trong cuốn sổ tay. Ảnh: Mạnh Tùng

Lưu giữ tri thức bằng... “chữ con kiến”

Một buổi chiều cuối tháng 6, căn phòng rộng khoảng 16m2 của cụ Nguyễn Đình Tư lọc cọc tiếng gõ bàn phím kiểu “mổ cò”. Cụ Tư đang tập trung đánh máy nốt những dòng cuối cùng của trang 140, bản thảo cuốn “Từ điển địa danh hành chính Trung Bộ”.

Đang làm việc, bỗng cụ nheo mắt, khuôn mặt trầm ngâm như để cố nhớ ra điều gì. Rồi cụ đứng phắt dậy, tìm trên giá sách một cuốn sổ tay cũ nát, lần giở từng trang để tìm tư liệu. “À, nó đây rồi”, cụ nở nụ cười sảng khoái như vừa tìm được lời giải cho bài toán hóc búa, trong khi ngón tay trỏ vào một đoạn ghi chú trong sổ được viết bằng bút bi. “Anh có biết tôi viết sổ tay theo kiểu chữ gì không?”, cụ Tư hỏi rồi tự trả lời: “Đó là kiểu viết chữ con kiến đấy”.

“Kiểu chữ con kiến” đưa ông cụ sinh năm Canh Thân 1920 trở về ký ức tuổi thơ nghèo khó ở quê nhà huyện Thanh Chương (Nghệ An). Cụ Tư kể, thời đi học, giấy rất khan hiếm và đắt đỏ. Học trò nghèo chỉ được cha mẹ mua loại giấy “manh” kẻ sẵn dòng, rộng cỡ khổ A4 ngày nay. Tiết kiệm giấy, ngày ấy cụ lấy bút chì, kẻ vào giữa hai dòng kẻ để “nhân đôi” trang giấy. Từ đó, cụ phải tập viết chữ rất nhỏ, li ti như con kiến. Ai muốn đọc thì phải dùng kính lúp mới xem được.

“Đến giờ, không còn khó khăn như ngày xưa, giấy vở cũng chẳng khan hiếm nữa nhưng thói quen của tôi vẫn giữ nguyên như vậy, để nhớ về thời khó khăn ngày trước”, cụ Tư nói. Cũng nhờ kiểu chữ con kiến này, cụ Tư đã “nén” mấy chục năm đi thư viện, tìm tòi sách báo, tài liệu của mình trong 3 cuốn sổ tay. Ở mỗi cuốn, chữ chi chít nhưng rất ngay hàng thẳng lối, ghi chú và ký hiệu rất khoa học.

Cuốn sổ tay với lối viết chữ con kiến của cụ Nguyễn Đình Tư. Ảnh: Mạnh Tùng

Cuốn sổ tay với lối viết chữ con kiến của cụ Nguyễn Đình Tư. Ảnh: Mạnh Tùng

Vừa sửa xe đạp mưu sinh, vừa viết tiểu thuyết để đời

Sau cách mạng tháng Tám, cụ cùng gia đình vào Nam Trung Bộ lập nghiệp, làm tại Ty Điền địa Phú Yên. Trong thời gian này, cụ biên soạn và xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị về lịch sử, địa chí dưới nhan đề “Giang sơn Việt Nam” và đã xuất bản được 3 tập: Non nước Phú Yên, Non nước Khánh Hòa, Non nước Ninh Thuận.

Đất nước thống nhất năm 1975, gia đình chuyển vào TPHCM sinh sống, cũng là lúc cụ đến tuổi nghỉ hưu. Do kinh tế gia đình eo hẹp trong khi không còn được lương hằng tháng, ông cụ mang đồ nghề ra đầu hẻm sửa xe đạp thuê.

“Những lúc không có khách, thấy thời gian trôi qua uổng quá, tôi mới nảy ra ý định viết một cái gì đó. Tôi mở những cuốn sổ ghi chép từ xưa, lần giở những tư liệu sử đã đọc và học từ thời phổ thông rồi xây dựng ra một khung sườn của bộ truyện”, cụ nhớ lại.

Đó cũng là cơ duyên ra đời bộ tiểu thuyết lịch sử “Loạn 12 sứ quân”. Bộ truyện được Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành lần đầu vào năm 1990 và 30 năm sau thì được Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ hiệu đính, chỉnh sửa hoàn thiện rồi tái bản.

Tác phẩm dựa trên một số sự kiện lịch sử của nước nhà đầu thế kỷ X, khắc họa rõ nét về anh hùng Đinh Bộ Lĩnh, một người hiền tài, thông minh và chí lớn. “Tôi lồng ghép vào tác phẩm nhiều yếu tố văn hóa, phong tục, tập quán địa phương để câu chuyện thêm sinh động, hấp dẫn hơn”, cụ Tư chia sẻ.

Người đề xuất đặt tên đường Trường Sa, Hoàng Sa

Đến tuổi 65, cụ Tư không làm nghề sửa xe đạp nữa. Lúc bấy giờ, TPHCM thực hiện việc đổi tên đường. Thấy có nhiều tên đường mới xa lạ với người dân và chính bản thân người làm khảo cứu, nghiên cứu lịch sử như mình, cụ bắt tay vào tìm hiểu. Rong ruổi khắp các tuyến phố đến các trung tâm lưu trữ, bảo tàng suốt 10 năm, cụ hoàn thành cuốn sách “Đường phố nội thành Thành phố Hồ Chí Minh”.

Những tên đường trong sách được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái, tiện lợi cho việc tra cứu. Mỗi con đường được liệt kê có đầy đủ thông tin về lịch sử hình thành, tên đường qua các thời kỳ, nguồn gốc, tiểu sử của những danh nhân có tên được đặt cho tên đường. Cũng nhờ vậy, năm 1996, cụ Tư được TPHCM mời làm Ủy viên thường trực Hội đồng đặt và đổi tên đường Thành phố. Cụ chính là người đề xuất đặt tên hai con đường Hoàng Sa và Trường Sa ở TPHCM.

“Giang sơn Việt Nam”, “Loạn 12 sứ quân” hay “Đường phố nội thành Thành phố Hồ Chí Minh”… có thể xem là những tác phẩm “đầu tay” của nhà nghiên cứu 103 tuổi. Bởi sau này, cụ còn xuất bản nhiều tác phẩm biên khảo đồ sộ hơn, như “Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698 - 2020)”, “Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ”. Có những tác phẩm mang những số phận đặc biệt.

Chuyện là, năm 1998, khi nghe báo chí thông tin sắp diễn ra lễ kỷ niệm 300 năm thành lập thành phố Sài Gòn, cụ Tư rất háo hức. Tuy nhiên, cụ lại không thấy bất cứ một hội đoàn văn hóa, khoa học nào có động tĩnh viết về bộ sử của thành phố. “Tôi sốt ruột quá, bèn dự thảo một đề cương cuốn sách nghiên cứu toàn diện về Gia Định, Sài Gòn, TPHCM tính từ năm 1698”, cụ kể lại.

Bản dự thảo được gửi qua bưu điện đến tay giáo sư, nhà cách mạng lão thành Trần Văn Giàu với đề nghị, nếu giáo sư thấy “ý tưởng này được” thì giao cho hội, đoàn khác dùng bản đề cương này làm tài liệu tham khảo, hoàn chỉnh cuốn sách lịch sử về thành phố.

Ít ngày sau, cụ Nguyễn Đình Tư nhận được thư mời đến ký hợp đồng thực hiện công trình biên khảo 300 năm thành phố theo nội dung đề cương. Ký xong, cụ háo hức bắt tay vào làm việc, dồn sức đi khắp thư viện, trung tâm lưu trữ để sưu tầm tài liệu, sách báo.

“Một bản thảo 1.500 trang được hoàn thiện sau đó, đã được biên tập nhưng bỗng gặp một trở duyên lớn, nên không thể ra mắt kịp dịp kỷ niệm 300 năm thành phố”, cụ Tư kể, giọng ngậm ngùi.

Bản thảo đó được cụ giữ suốt hơn 20 năm và liên tục gia cố, bổ sung tư liệu với hàng trăm đầu sách tham khảo, trong đó có sách tiếng Pháp. Năm 2022, bộ sách “Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698 - 2020)” gồm 2 tập, chia theo 2 giai đoạn 1698 - 1945 và 1945 - 2020 được xuất bản, chính là kế thừa bản thảo của tác phẩm dở dang ngày nào. Cuốn sách ra đời muộn so với sự kiện nhưng vẫn khiến chủ nhân của nó không khỏi xúc động.

Trong tác phẩm này, cụ Tư đã dựng nên bức tranh vùng Bình Thuận - Đồng Nai - Gia Định trước khi Nguyễn Hữu Cảnh được cử vào kinh lý miền Nam, việc đặt nền móng, các đơn vị hành chính, việc mở mang bờ cõi, tổ chức các đơn vị hành chính dưới thời các vua nhà Nguyễn. Tiếp đó, nhà nghiên cứu cung cấp cái nhìn bao quát, toàn diện, cụ thể ở từng giai đoạn, từ năm 1698 đến năm 2020 với đủ lĩnh vực, từ chính trị, hành chính, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, tôn giáo tín ngưỡng, thể dục thể thao...

“Tôi không có ngày nghỉ...”

Ở lưng chừng giai đoạn “thai nghén” đến khi xuất bản bộ sách “Dặm dài lịch sử” nêu trên, cụ Tư kịp cho ra mắt bộ sách khác mang tên “Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam kỳ”, với 2 tập dày hơn 1.000 trang. Tác phẩm đã mang về cho cụ, khi đã 98 tuổi, Giải A sách hay Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất.

“Trong thời gian nghiên cứu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, tôi đã sưu tầm được một số lượng lớn các sắc lệnh, nghị định suốt gần 100 năm của chính quyền thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ đăng trong bộ ‘Bullentin Officiel de la Cochinchine Francaise’ về những gì người Pháp làm ở đây.

Sau thời gian quay lại thì những tư liệu này đã bị mủn nát, không còn khai thác được nữa. Thiển nghĩ những gì tôi sưu tập được, nếu không đem ra công bố rộng rãi cũng sẽ cùng chung số phận như những số báo kia thì uổng quá”, cụ Tư kể về cơ duyên và hành trình ra đời của bộ sách giá trị trên.

“Tôi không có ngày nghỉ. Mỗi ngày vẫn làm việc 10 - 12 tiếng”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nói rồi nở nụ cười sảng khoái, trong khi bàn tay vuốt chòm râu lưa thưa. Bước sang tuổi 103, răng cụ vẫn trắng và đều tăm tắp, da hồng hào điểm những đốm đồi mồi. Cụ đi lại không cần chống gậy. Đọc sách, đánh máy không cần đeo kính.

Khi được hỏi bí quyết sống khỏe, cụ bảo đó là nhờ thói quen sinh hoạt, làm việc kỷ luật. Mỗi ngày, cụ thường thức dậy lúc 6 giờ rồi mở máy tính lên làm việc trong khoảng một tiếng. Tiếp đó, cụ tập thể dục với bài tập xoay hông, ăn sáng rồi tiếp tục làm việc đến 11 giờ 30.

Dùng cơm trưa, nghỉ ngơi, cụ tiếp tục viết sách, đến 17 giờ 30 lại tập thể dục. Lúc này, bài tập là đi lên, đi xuống cầu thang ở nhà 10 vòng. Buổi tối, cụ dành thời gian xem thời sự hoặc những trận bóng đá yêu thích, rồi làm việc tới 23 giờ. “Tôi chỉ ăn vừa đủ, không hút thuốc, rượu bia hay cà phê”, cụ Tư chia sẻ.

Sống vui khỏe và luôn suy nghĩ tích cực, cụ Tư không ngại đặt ra mục tiêu: Cho ra mắt tiếp 10 cuốn sách. Trong đó, một cuốn sách sẽ là tự truyện về cuộc đời “ba chìm, bảy nổi”, trải qua hai thế kỷ của mình.

Cụ gọi đó là tự truyện chứ không phải là hồi ký, bởi tâm niệm cuộc đời mình không có công trạng gì đáng kể cho đời. Ngoài ra, cụ sẽ viết 3 bộ sách từ điển địa danh hành chính Trung Bộ, Bắc Bộ và Tây Nguyên, nối tiếp bộ sách từ điển địa danh hành chính Nam Bộ đã xuất bản trước đó.

Cũng với 4 vùng đất kể trên, cụ Tư sẽ viết sách về lịch sử thành lập và phát triển các tỉnh trong từng vùng. Cuối cùng, cụ ấp ủ một cuốn từ điển tra cứu điển tích và một cuốn sưu tầm các bài văn tế đặc biệt của dân tộc.

Theo cụ Tư, sở dĩ cụ yêu quý các giá trị xưa cũ bởi bản thân rất yêu lịch sử dân tộc và say mê môn Lịch sử. Bất cứ hoàn cảnh nào, hễ rảnh là cụ tìm đến sách sử để đọc, thói quen duy trì từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường đến tận bây giờ.

Nhà nghiên cứu 103 tuổi cũng mong truyền nguồn cảm hứng say mê lịch sử dân tộc với thế hệ trẻ. Theo cụ, trẻ nhỏ nên tìm đến các câu chuyện lịch sử đơn giản hay cuộc đời các danh nhân như Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh… để nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc.

“Đất nước ta có lịch sử trải dài hơn 4.000 năm thật đáng tự hào. Sẽ không bao giờ thiếu các câu chuyện hấp dẫn để kể cho hậu thế”, cụ Tư nhắn nhủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ