Đam mê sử Việt bởi ý chí quật cường
Theo NXB Văn hóa - Văn nghệ TPHCM, Loạn 12 sứ quân là tiểu thuyết lịch sử duy nhất trong sự nghiệp sáng tác của cụ Nguyễn Đình Tư.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết ông đam mê với sử Việt bởi một lý do: “Đất nước Việt là một dân tộc tuy nhỏ, ít người, đất hẹp nhưng ý chí quật cường có thể xem là số một”.
Sinh năm 1922 tại Nghệ An, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư từng là cộng tác viên của Báo Độc Lập, rồi làm làm việc tại Ty điền địa ở Phú Yên, tham gia viết bài về Phú Yên cho các tạp chí Bách Khoa, Phổ Thông. Năm 1969, ông làm việc tại Nha Điền địa (Bộ Canh nông) đến ngày miền Nam được giải phóng. Năm 1996, ông là Ủy viên thường trực Hội đồng đặt và đổi tên đường TPHCM, đồng thời tham gia biên soạn nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử Sài Gòn – TPHCM, từ điển địa danh và địa chí các tỉnh.
Cụ Nguyễn Đình Tư cho biết, thời gian đầu ông viết về thể loại địa chí. Tuy nhiên, dự định đang ấp ủ đành phải gác lại vì thời cuộc. Trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông chưa thực hiện được ý định đó, vì còn bận viết bộ sách địa phương chí dưới nhan đề Giang sơn Việt Nam đã xuất bản được ba tập: Non nước Phú Yên, Non nước Khánh Hòa, Non nước Ninh Thuận. Công việc biên khảo ấy đang tiến hành dở dang thì thời cuộc thay đổi, ông không còn đủ điều kiện tiếp tục được nữa.
Khoảng giữa năm 1978, do điều kiện kinh tế gia đình eo hẹp, ông ra ngoài sửa xe đạp mưu sinh ở tuổi 60, với nghề “mới” này, ông tranh thủ những lúc không có khách đến sửa xe, đem cái dự định trước kia ra thực hiện. Ông lại lặn ngụp trong những tài liệu chính sử và lần theo dấu khuyết sử trong những sách sử ông từng đọc còn ghi chép rất đơn sơ, khiếm khuyết, ít tài liệu.
Tại buổi giao lưu, nhiều người không khỏi bùi ngùi và thán phục khi nghe kể câu chuyện cậu học trò Nguyễn Đình Tư và hành trang đi học gian nan, gập ghềnh, ngắt quãng. Càng khó khăn bao nhiêu, ông càng bền chí lấy sự học làm mục đính chính của cuộc đời, dù được đến trường hay tự học.
Ông cho biết, tình yêu sử Việt hình thành trong người từ lúc mới học tiểu học. Điều này khởi nguồn từ những quyển sách được đọc từ anh trai về những nhân vật lịch sử nổi trội nước Việt, từ đó, ông lấy làm tự hào về lịch sử của một dân tộc kiên cường. Bản thân là người trải qua bao giai đoạn thăng trầm lịch sử, tình yêu với sử Việt, ham đọc sách luôn được ông nuôi dưỡng theo năm tháng, lấy đó làm sở thích và công việc sưu tầm - sáng tác đến nay.
“Tôi luôn tự hào vì lịch sử nước Việt vô cùng hào hùng - vẻ vang dù phải trải qua bao nhiêu thời gian thăng trầm” - cụ Tư chia sẻ.
Tiểu thuyết lịch sử duy nhất của cụ Tư
Tác phẩm “Loạn 12 sứ quân” của cụ Tư được xuất bản lần đầu vào năm 1990 do NXB Đồng Nai thực hiện với 6 tập riêng lẻ. Sau 30 năm, tác giả Nguyễn Đình Tư bước vào tuổi 99, NXB Văn hóa – Văn nghệ TPHCM tiến hành thực hiện tái bản lại bộ sách này sau nhiều năm và tổ chức biên soạn, hiệu đính chỉnh sửa hoàn thiện với định dạng 6 tập gom lại trong 3 quyển gồm: Tập 1 & 2: Mộng bá tranh hùng - Vọng nguyệt đài; Tập 3 & 4: Hoa Lư anh hùng tụ nghĩa - Khói lửa kinh kỳ; Tập 5 & 6: Mưu chước thiền sư - Vạn Thắng Vương.
Cụ Tư cho biết, tác phẩm được viết trên hộc đồ nghề sửa xe đạp vào thời điểm những năm của thập niên 1980 của thế kỷ trước. “Loạn 12 sứ quân là một giai đoạn lịch sử xảy ra cách nay trên một nghìn năm, lại vào thời gian khuyết sử, cho nên khi viết, tôi đã phải cố gắng hết sức để lựa chọn những từ, những chữ thật mộc mạc cho hợp với ngôn ngữ đương thời” - cụ Tư chia sẻ. Ngoài tính chất lịch sử thì những yếu tố văn hóa, hội hè, phong tục của các địa phương nơi 12 sứ quân cát cứ cũng được ông lồng ghép vào tác phẩm sinh động và hấp dẫn hơn. Đồng thời, thông qua bộ tiểu thuyết, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư muốn khắc họa rõ nét hơn về anh hùng Đinh Bộ Lĩnh - một hiền tài thông minh cương nghị có chí lớn.
Quá trình làm nên tác phẩm đối với cụ Tư cũng hề đơn giản. “Điểm khó khăn khi tái hiện lại chính là lối dùng ngôn ngữ đúng ngữ cảnh thời xưa nhưng vẫn phải dễ hiểu và thuyết phục người đọc thời nay. Bởi sách lịch sử thường khô khan nên các bạn thanh niên ít ham đọc. Tôi nghĩ có thể viết sách thêm phần chi tiết nhiều hơn, thêm phần văn nghệ hóa để sách thu hút bạn đọc tiếp cận với sách sử hơn” - cụ Tư chia sẻ.
Theo tác giả, lãnh địa của mỗi sứ quân có diện tích bằng khoảng một vài huyện ngày nay. Các sứ quân xây thành đắp lũy thôn tính lẫn nhau gây ra biết bao đau khổ cho nhân dân, đi ngược lại nguyện vọng hòa bình thống nhất của dân tộc, một nền độc lập vừa mới giành được đứng trước nguy cơ hiểm nghèo. Từ đó, tác giả đặt ra vấn đề bức thiết mang tính sống còn của cả dân tộc là phải giữ vững khối đoàn kết toàn dân, đòi hỏi phải chấm dứt cuộc nổi loạn của mười hai sứ quân, khôi phục quốc gia thống nhất. Người anh hùng dân tộc giương cao ngọn cờ thống nhất quốc gia và hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng trước lịch sử là Đinh Bộ Lĩnh.