Nhà không số giữa lòng phố núi

GD&TĐ - Phố núi Điện Biên Phủ đang trên đà phấn đấu trở thành đô thị loại II vào năm 2025. Song, sự bất tiện, lộn xộn từ những ngôi nhà chưa được đánh số dường như đang “đi ngược” lại những nỗ lực này.

Nhiều gia đình lựa chọn số nhà theo sở thích để tự đánh, nên mặc dù liền kề nhưng không theo thứ tự.
Nhiều gia đình lựa chọn số nhà theo sở thích để tự đánh, nên mặc dù liền kề nhưng không theo thứ tự.

Đánh đố người tìm…

Khu dân cư Kênh Tả (Him Lam) nằm ngay vị trí cửa ngõ của TP Điện Biên Phủ. Hàng trăm hộ dân lần lượt về định cư tại các tổ dân phố 4, 5, 6 cho đến nay đã hơn chục năm. Tiếng là nằm trong phố, nhưng hầu hết các ngôi nhà đều chưa có số.

Sinh sống tại tổ dân phố 6 đã 14 năm, bà Nguyễn Thị Huệ cho biết: “Trước kia thì không có vướng mắc, do người dân sống rải rác. Nhưng hiện nay, dân cư đông đúc, nhà san sát, khiến việc đi lại, tìm kiếm trở nên khó khăn. Số nhà, số ngõ đều không có, mỗi lần chỉ đường cho ai vào nhà mình họ cũng không tìm được hoặc tìm rất lâu mới đến”.

Còn theo chia sẻ của ông Nguyễn Hùng Cường, tổ dân phố 5 thì mỗi khi có bạn bè lần đầu tới chơi, gia đình ông đều phải bố trí người đi xe máy ra đầu đường Võ Nguyên Giáp (cách nhà 500 mét) để đón khách. Song cũng không ít lần có người tìm không ra phải quay về.

Các dãy phố của khu vực này bắt đầu rẽ từ đường Võ Nguyên Giáp vào có chiều dài khoảng 2km. Nhiều đoạn, nhà dân liền kề được xây dựng, thiết kế “nhang nhác” nhau nên gây ra không ít nhầm lẫn cho người tìm. Nhất là đối với nhân viên giao hàng hóa, bưu phẩm gặp không ít chuyện “oái oăm”.

Anh Hà Văn Việt, nhân viên một công ty giao hàng nhanh, chia sẻ: “Tôi có thời gian được giao tuyến địa bàn phường Him Lam. Mỗi lần có bưu phẩm phải giao tại khu vực các tổ dân phố 1, 4, 5, 6… rất mất thời gian. Mặc dù đã liên hệ qua điện thoại, nhưng vì không có số nhà nên nhiều khi vòng vo tìm cả buổi mới giao được đơn hàng, hoặc có đơn phải nhờ tổ trưởng dân phố giao giúp”.

Không chỉ vậy, theo bà Lưu Thị Khuyến, Tổ trưởng Tổ dân phố 5, cho biết, trong phố có một số chủ hộ trùng cả họ, tên nên mỗi khi có người hỏi những gia đình này người dân cũng không biết chỉ ra sao. Ngay như bà Khuyến, đã có vài lần phát giúp bưu phẩm bị nhầm các hộ với nhau.

Tiếng là nằm trong phố, nhưng nhiều nhà ở tổ dân phố 5 (phường Him Lam) vẫn chưa được đánh số.
Tiếng là nằm trong phố, nhưng nhiều nhà ở tổ dân phố 5 (phường Him Lam) vẫn chưa được đánh số.

Số nhà ai, mạnh nấy… đánh

Để không phải bất tiện, nhiều gia đình đã tự ý đánh số cho nhà của mình. Bởi vậy, đã gây ra tình trạng lộn xộn, không đồng bộ giữa các ngôi nhà trong cùng một khu dân cư.

Riêng tại 1 ngõ thuộc tổ 5, đếm sơ qua cũng có khoảng chục ngôi nhà được gắn các dãy số, như: 888, 666, 999... Thậm chí nhiều ngôi nhà liền kề nhau, nhưng số nhà lại nhảy cách xa nhau. Do mạnh ai nấy đánh theo sở thích của chủ nhân các ngôi nhà, nên mỗi biển số lại được thiết kế một kiểu khác nhau.

Không riêng tại khu Kênh Tả, tại tổ dân phố 1 cũng ghi nhận hình ảnh tương tự. Bà Vũ Thị Hoa cho biết: “Tôi về đây sinh sống được gần 5 năm rồi. Trước thì đa phần khu vực này các nhà đều không có số. Nhưng giờ thì nhiều nhà đã tự đánh số cho mình. Số nhà ở đây không theo dãy liền kề, biển số cũng không thống nhất. Có nhà đánh số hàng chục, nhưng nhà liền kề lại có số lên tận hàng trăm”.

Theo bà Lưu Thị Khuyến, Tổ trưởng Tổ dân phố 5 thì lãnh đạo các khu dân cư đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương quan tâm, sớm gắn số nhà để người dân thuận tiện sinh sống, kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều năm qua vẫn chưa được hồi âm.

Số nhà, chờ số đường

Trao đổi về vấn đề này, ông Lò Văn Diên, Phó Bí thư Thường trực phường Him Lam, cho biết: Trước kia, tại địa bàn phường, người dân chủ yếu sinh sống dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp.

Nhưng vài năm gần đây, đô thị phát triển, dân cư mở rộng ra thành nhiều ngõ, ngách bám theo tuyến đường, mới xuất hiện tình trạng nhà không số. Thực trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa có phương án giải quyết.

“Người dân kiến nghị nhiều lần rồi, họ sẵn sàng bỏ tiền ra làm. Chúng tôi cũng quan tâm đến vấn đề này, vì phải có số nhà ổn định thì mới phát triển sản xuất kinh doanh, hoặc ổn định cuộc sống.

Nhưng giờ theo quy định của Bộ Xây dựng, muốn đánh số nhà thì phải có tên đường. Mà những khu vực này vẫn chưa được rà soát đặt tên đường thì làm sao đánh số nhà được” – ông Diên nói.

Theo quy định, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quy định cụ thể về đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn. Tỉnh cũng phân công trách nhiệm quản lý giữa Sở Xây dựng và UBND quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc.

Đồng thời xây dựng kế hoạch đánh số và gắn biển số nhà tại địa phương. Sở Xây dựng là đơn vị trực tiếp hướng dẫn UBND cấp huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn.

Hiện nay, tỉnh Điện Biên đang thực hiện kế hoạch rà soát tổng thể đặt lại tên đường, phố. Theo ông Diên, hiện địa phương đang chờ sau khi kế hoạch này hoàn thiện, có tên đường, tên ngõ thì mới triển khai sắp xếp, bố trí đánh số nhà làm sao cho hợp lý.

Tuy nhiên, không phải nói là có thể triển khai thực hiện được ngay bởi Sở Xây dựng, Phòng Quản lý đô thị thành phố phải có hướng dẫn thì xã, phường mới triển khai được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bác sĩ Nghĩa đọc tên của từng đồng đội đã hy sinh trong khoảng năm 1961 đến 30/4/1975.

Chuyện của người chiến sĩ quân y

GD&TĐ - Kể về những ngày tháng chiến đấu giữa làn đạn bom ác liệt, đôi mắt của người chiến sĩ quân y ánh lên niềm xúc động xen lẫn tự hào.