Anh trở thành một nhà khoa học truyền cảm hứng nhờ đam mê sáng tạo với ngành điện tử viễn thông.
Từ trai làng thành nhà khoa học
Sinh ra tại một vùng quê tỉnh Bắc Giang, khi điện thoại chưa phổ biến như bây giờ, Hoàng ít có cơ hội tiếp xúc với điện thoại, càng không hề có khái niệm về đam mê sáng tạo. “Hồi đó, cả làng chỉ một nhà có điện thoại, việc liên lạc vô cùng khó khăn và bất tiện”, Hoàng kể. Đến năm 2006, gia đình lắp điện thoại cố định, kể từ đó thế giới khoa học bắt đầu mở ra. Cậu bé lớp 9 lúc đó luôn tò mò và tự hỏi tại sao một thiết bị nhỏ như vậy có thể kết nối mọi người ở cách hàng nghìn cây số. Trên trường, Hoàng hăng say tìm hiểu môn Toán và Vật lý với ý nghĩ có thể tìm ra câu trả lời.
12 năm học phổ thông, Hoàng đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, giành giải Nhì môn Vật lý, giải Khuyến khích môn Toán lớp 12 cấp tỉnh. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2010, Hoàng đạt 26,5 điểm khối A và 23,5 điểm khối B. Anh trở thành sinh viên lớp tài năng ngành điện tử và viễn thông, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hoàng không chỉ tìm được câu trả lời về câu hỏi anh băn khoăn bấy lâu nay mà còn tìm ra đam mê và con đường sau này của bản thân. Xác định theo con đường nghiên cứu khoa học lâu dài, Hoàng bắt đầu tham gia nghiên cứu những đề tài về điện tử và khoa học công nghệ từ năm hai đại học qua chương trình thực tập hè tại Đại học Quốc gia Singapore.
Năm 2015, sau khi tốt nghiệp thủ khoa với tấm bằng cử nhân xuất sắc ngành điện tử viễn thông, Hoàng ở lại trường một năm trước khi sang Pháp bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu. Làm nghiên cứu sinh tại Đại học Paris - Saclay (Pháp), đề tài tiến sĩ Hoàng chọn lĩnh vực truyền thông vô tuyến với mong muốn trở thành nhà khoa học máy tính.
“Đề tài tiến sĩ của tôi tập trung vào việc truyền thông trong điều kiện bộ phát (chẳng hạn là thiết bị di động) và bộ thu (chẳng hạn là trạm thu phát sóng) biết rất ít thông tin về kênh truyền. Khi nhận được tín hiệu từ bộ phát, bộ thu cần biết thông tin về kênh truyền để giải mã tín hiệu. Thông tin này thay đổi liên tục và để có được thì phải ước lượng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc ước lượng kênh truyền rất khó khăn. Chẳng hạn khi bạn là người dùng di động đang ngồi trên một con tàu di chuyển rất nhanh, kênh truyền giữa điện thoại của bạn và trạm thu phát sóng thay đổi rất nhanh và khó có thể ước lượng. Khi đó cần có giải pháp khác để vẫn giải mã được tín hiệu trong điều kiện thông tin kênh hạn chế. Đề tài của tôi hướng đến việc phân tích giới hạn và thiết kế giải thuật truyền thông cho điều này”, Hoàng cho biết.
Cố gắng đi thật xa…
Là một nhà nghiên cứu trẻ, Hoàng cho biết, động lực làm nghiên cứu - sự chủ động nắm bắt cơ hội - khả năng ngoại ngữ là bộ ba tiêu chí quan trọng nhất giúp người trẻ có thể tiếp cận và theo đuổi nghiên cứu khoa học. Động lực giúp chúng ta gắn bó và có cảm xúc với việc nghiên cứu, để thấy khoa học không khô khan. Chủ động nắm bắt cơ hội tham gia nghiên cứu trong các trường đại học và học tập tại nước ngoài. Ngoài ra, để có thể tham gia nghiên cứu, khả năng ngoại ngữ cũng là yếu tố quan trọng giúp tiếp cận các tài liệu khoa học cũng như trao đổi kết quả nghiên cứu.
“Khi học tập ở Pháp, thử thách lớn nhất với tôi là việc thay đổi tư duy. Ở quê nhà tôi, mọi người thường mong muốn một cuộc sống ổn định và ngại thay đổi, ít nhiều ảnh hưởng đến tôi trước đây. Tôi luôn tự hỏi rằng khi cố hết sức mình có thể vươn cao tới đâu? Tôi cố gắng đi thật xa, trải nghiệm và tiếp xúc với thật nhiều người để tìm kiếm câu trả lời. Hiện, tôi phần nào nhận ra câu trả lời cho riêng mình: Để sự nghiệp thật sự ý nghĩa thì mỗi người ngoài việc lo một cuộc sống đầy đủ cho bản thân còn nên mang lại ảnh hưởng tích cực đến ngành của họ nói riêng và cộng đồng nói chung”, Ngô Khắc Hoàng cho biết.
Nói về dự định tương lai, Hoàng mong muốn sẽ tiếp tục làm sau tiến sĩ (postdoc) để học hỏi ở các môi trường nghiên cứu quốc tế hàng đầu, tiếp xúc rộng hơn với cộng đồng nghiên cứu và các kiến thức mới về như trí tuệ nhân tạo. Sau đó tìm kiếm cơ hội cho vị trí nghiên cứu chính thức tại một trung tâm nghiên cứu phù hợp.
“Tôi rất ngưỡng mộ những nhà khoa học mang lại ý tưởng lớn, được áp dụng rộng rãi và có tác động mang tính cách mạng đến ngành của họ và cho cộng đồng. Tôi nghĩ, thành quả của một nhà nghiên cứu không nằm ở số lượng công bố khoa học mà là ảnh hưởng tích cực từ kết quả nghiên cứu của họ cho số đông. Tôi may mắn được gặp một số nhà khoa học như vậy, chẳng hạn Giáo sư
Helmut Clemens – người sáng chế một loại vật liệu hợp kim mới nhẹ hơn, chịu nhiệt tốt hơn, sản sinh ít CO2 hơn vật liệu thông thường và được ứng dụng trong sản xuất tuốc bin máy bay. Giáo sư Russell Taylor – người đi tiên phong trong ứng dụng robot vào phẫu thuật và được gọi là cha đẻ của robot y tế… Họ là những hình mẫu để các nhà nghiên cứu trẻ như tôi noi theo” - TS Ngô Khắc Hoàng bộc bạch.
Ngô Khắc Hoàng tốt nghiệp thủ khoa ngành điện tử viễn thông (ĐH Công nghệ – ĐH Quốc gia Hà Nội); được tuyên dương thủ khoa xuất sắc Thủ đô Hà Nội năm 2014. Hoàng từng đoạt nhiều thành tích như giải thưởng Honda Y-E-S Việt Nam 2013, học bổng thạc sĩ tại Đại học Paris-Saclay năm 2015 và tốt nghiệp loại Xuất sắc, đứng nhất bảng, giành suất đài thọ dự hội thảo khoa học danh tiếng HLF 2019 tại Đức. Hoàng cũng được chọn là một trong 10 nhà khoa học trẻ truyền cảm hứng nhất HLF 2019 trong 200 đại biểu đến từ năm châu.