Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh quan trọng là phải sáng đèn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những ngày qua, dư luận ồn ào về nội thất (ghế gỗ) của Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Người chê kém sang, cũ kỹ trong chi tiết rườm rà, không ăn nhập mảng khối tổng thể; kẻ còn nhấn mạnh đến trách nhiệm xã hội rằng không bảo vệ môi trường vì sử dụng toàn gỗ tự nhiên.

Ngược lại, có ý kiến tỏ ý ngạc nhiên vì nhà hát này đã hiện diện mấy năm qua (hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2019), vậy mà sao nay lại bị soi về… nội thất. Trong khi đó, việc nhà hát sử dụng nội thất ghế gỗ cũng là cách tạo ra điểm nhấn đồng thời góp phần quảng bá làng nghề đồ gỗ Đồng Kỵ của địa phương…

Cũng từ ồn ào này, bỗng đâu Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh được nhiều người biết đến một cách khá tường tận về lịch sử xây dựng và công trình này đã từng giành giải Bạc Giải thưởng Kiến trúc quốc gia lần thứ 15 (2022 - 2023).

Ồn ào thì thật nhiều song dường như mới chỉ dừng lại ở bề nổi của vẻ ngoài của sự việc mà dư luận quên mất điều gì làm nên sức sống của nhà hát ấy nói riêng cũng như các nhà hát, điểm biểu diễn nghệ thuật khác nói chung.

Vậy nên, cái cần quan tâm hơn cả phải là nhà hát ấy có “sống” được không?, hay cứ thật hoành tráng để rồi chỉ năm thì mười họa trưng dụng cho dịp lễ lạt, hội họp, kỷ niệm sau đó mốc meo vì cửa đóng then cài ngày này qua tháng khác? Mối lo này không phải là vô cớ mà từ thực trạng vẫn tồn tại ở nhiều địa phương suốt mấy thập kỷ qua.

Có thể lấy dẫn chứng từ hệ thống rạp hát, điểm biểu diễn nghệ thuật ở Hà Nội như Nhà hát Lớn, Đại Nam, Kim Mã, Hồng Hà, Star Galaxy, Công nhân, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Âu Cơ, rạp Xiếc Trung ương, rạp 11 Ngô Thì Nhậm, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Quân đội... Trong đó có không ít rạp khá hiện đại, hoành tráng song không thể sáng đèn hằng ngày, có chăng chỉ là duy trì lịch diễn cuối tuần ở một số rạp trung tâm.

Cách đây mấy tháng, dư luận cũng ồn ào về dáng vẻ bên ngoài một số nhà hát mới được xây dựng mà ít ai quan tâm đến câu chuyện sáng đèn. Trên thực tế, chỉ khi nhà hát sáng đèn tức là có khán giả thì sân khấu mới “sống” được.

Còn nhà hát rộng lớn, bên ngoài lung linh, rực rỡ; nội thất sang chảnh, hiện đại mà không tổ chức được khán giả, tạo thành điểm đến giải trí nghệ thuật thường xuyên thì chỉ là khoe mẽ hình thức đầy lãng phí.

Sau những kỳ cuộc hội nghị, chúng lại rơi vào tình trạng im lìm đóng cửa. Điều đó cũng có nghĩa là sân khấu đang… chết mòn. Cùng với đó, khi không có khán giả thì những gửi gắm về việc biến các nhà hát thành điểm đến du lịch hay quảng bá làng nghề truyền thống cũng chẳng thể thành hiện thực.

Bởi vậy, nên cùng quan tâm và bày cách khai thác nhà hát, các điểm biểu diễn nghệ thuật sao cho hiệu quả chứ đừng để thành nơi nối dài là những điểm “đắp chiếu” và sân khấu vẫn vắng lặng đến buồn lòng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.