'Nhà văn hóa' thực chất không có gì mới. Từ xa xưa, người Việt (bao gồm cả dân tộc thiểu số) đã biết sử dụng “không gian chung” trong địa bàn cư trú của mình để tiến hành các “sinh hoạt cộng đồng”.
Người Kinh sử dụng đình làng để tiến hành các nghi lễ thờ cúng kết hợp với các hoạt động văn hóa, tâm linh và họp làng.
Nhỏ thì ở ngay trong từng thôn xóm người dân đã “tranh thủ” ngày lễ giỗ tổ, giỗ họ để bàn bạc, trao đổi và thống nhất những nội dung tuy trong phạm vi họ (dòng họ) nhà mình nhưng đều có tính phổ biến. Nhìn chung, những hoạt động đó đều ít nhiều mang dấu ấn cộng đồng và rất hữu ích.
Còn ở vùng Tây Nguyên, đồng bào người dân tộc thiểu số ở đây, như người Ê Đê chẳng hạn, đã sử dụng “ngôi nhà dài” làm nơi sinh hoạt cộng đồng, khá thân thiện và cởi mở.
Tôi đã hơn một lần được đến thăm và dự buổi sinh hoạt cộng đồng ở “ngôi nhà dài” như thế. Đó là lần chúng tôi về Buôn Mê Thuột làm phim tài liệu về chiến thắng Tây Nguyên tháng 3/1975. Chúng tôi được các anh trong ngành văn hóa tỉnh giới thiệu về thăm một bản ở ngay sát thành phố.
Tại ngôi nhà chung này, chúng tôi đã được chứng kiến bà con người Ê Đê ở bản tiến hành buổi hoạt động mang tính văn hóa cộng đồng. Sáng hôm đó, bà con tụ tập, tuy chưa phải là nhiều nhưng đủ độ tuổi, hầu hết là những người tham gia đội cồng chiêng của bản.
Dưới sự hướng dẫn của một nghệ nhân cao tuổi, các thành viên trong đội đều trật tự ngồi vào vị trí của mình và cầm trên tay những chiếc cồng chiêng phù hợp với lứa tuổi. Ở hai bên nhà dài đều có hàng ghế được kê sát tường, bên cạnh những ô cửa thông thoáng.
Thành viên trong đội cồng chiêng ngồi thứ tự trên những chiếc ghế dài đó và thực hành ôn luyện những bài cồng chiêng của dân tộc mình. Già Y Dút nói với tôi: “Chúng tôi thường xuyên luyện tập cho những thành viên cũ và tập cho những thành viên mới là các cháu mới lớn. Tập cho các cháu để các cháu còn thay thế chúng tôi giữ tiếng cồng”.
Mới đây nhất, dịp cuối năm 2022, chúng tôi về Bạc Liêu công tác. Chuyến công tác này để lại khá nhiều ấn tượng nhưng có lẽ ấn tượng “đặc biệt” nhất là lần chúng tôi tới dự Liên hoan Nhạc ngũ âm và Múa dân gian Khmer của tỉnh. Cái ấn tượng ngay ban đầu là liên hoan này không diễn ra ở sân khấu hay một hội trường nào mà ở ngay chính sân chùa.
Đa phần các nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố hiện nay đều nghèo hình thức hoạt động, bị biến thành nơi trông giữ ô tô. Ảnh: Nguyễn Trọng Văn |
Nghệ nhân Ưu tú Đỗ Ngọc Thống, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Liên hoan Nhạc ngũ âm và Múa dân gian Khmer được tổ chức hằng năm và tiến hành tại “sân khấu” trong những ngôi chùa Khmer.
Tham dự liên hoan là các câu lạc bộ nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer. Các câu lạc bộ này đều “nằm” trong một chùa cụ thể”. Được biết, liên hoan năm 2022 có 8 câu lạc bộ của 8 chùa thuộc 8 huyện, thị tham dự.
Ngành văn hóa huyện, thị kết hợp cùng các nhà sư trong các chùa tuyển chọn ra một câu lạc bộ để đi “thi tỉnh”. Cái lý thú và rất đáng “học hỏi” là các câu lạc bộ “nằm trong một ngôi chùa”.
Người Khmer Nam Bộ đã biết “tận dụng” cái lợi do chùa Khmer đem lại. Đến với chùa tức là đến với “sinh hoạt cộng đồng” một cách tự thân, dễ đến, dễ hòa nhập, dễ phát huy và dễ lưu giữ.
Người Khmer Nam Bộ xưa nay đã rất coi trọng chùa. Trong đời sống, cho dù còn khó khăn hay còn bận rộn, nhưng đồng bào người dân tộc Khmer đều “không quên” chùa.
Đồng bào không chỉ coi chùa là nơi chốn lui tới chăm lo phần tín ngưỡng, mà đồng bào lui tới chùa để gặp gỡ, trao đổi bàn bạc và quan trọng là cùng nhau giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc mình.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi càng thấm thía, người Khmer Nam Bộ đã cùng nhau xây dựng lên những ngôi chùa của mình. Nhà riêng có thể bé nhỏ, chật hẹp nhưng chùa thì thường rất đẹp, to, rộng và ở vị trí cao.
Đẹp và rộng cũng là đều để mọi bà con cùng nhau đến tụ hội trong vui vẻ và đủ đầy. Còn ở vị trí cao trong thôn, sóc và thông thoáng là bởi chùa Khmer còn là nơi để bà con đến đây trú tránh mưa gió, ngập lụt.
Ông Minh Tuồng, cán bộ Hội Văn nghệ tỉnh, cho biết thêm: “Trong chùa cũng là nơi bà con cất giữ nhạc cụ và cùng là nơi bà con tiến hành tập luyện nhạc ngũ âm và các điệu múa dân gian”. Do vậy, chùa Khmer không chỉ là nơi tiến hành tín ngưỡng, mà thực chất là nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi duy trì, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Trở lại với câu chuyện về nhà văn hóa, từ mấy chục năm nay Nhà nước đã có chủ trương ở mỗi địa bàn dân cư như: Thôn, bản, ấp, tổ dân phố... đều có địa điểm dành cho bà con sinh hoạt cộng đồng.
Nhà văn hóa ra đời là lẽ tất yếu. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà văn hóa kiểu “phủ kín đồi núi trọc” hay kiểu “phong trào” như hiện nay đã cho thấy sự “thiếu nghiên cứu điều kiện cụ thể của từng địa bàn”, cách làm vội vàng thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn cũng như sự lãng phí đất và tiền của của nhân dân.
Đa phần các nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố hiện nay đều nghèo hình thức hoạt động, thiếu nội dung sinh hoạt. Có nhiều nhà văn hóa bị biến thành nơi trông giữ ô tô, thành nơi “cửa đóng then cài” chỉ khi nào họp bầu Tổ trưởng dân phố hay mời nhân dân tới đóng tiền thuế đất phi nông nghiệp mới rộng cửa... Có nhà văn hóa thành nơi cho thuê dạy học thêm...
Vậy làm thế nào để các nhà văn hóa “luôn đỏ đèn” tức là có hoạt động hữu ích được thường xuyên? Đầu tiên, cần học hỏi cách làm của người xưa, cách làm của bà con dân tộc thiểu số hiện nay.
Tức là nhà văn hóa có thể “dựa” vào hoặc được “lồng ghép” với các địa điểm tín ngưỡng, địa điểm chung của địa bàn... để đồng hành tiến hành các hoạt động, kể cả hoạt động mang tính hành chính.
Thứ nữa là khi đã có nhà văn hóa xây dựng mới cũng nên gắn với truyền thống của địa phương, đặc biệt là truyền thống văn hóa văn nghệ. Nên tổ chức các câu lạc bộ chuyên đề và thường xuyên tiến hành các buổi giao lưu, liên hoan văn nghệ, nghề nghiệp để vừa giữ gìn, vừa phát huy những giá trị lâu đời.
Điều này cần có sự vào cuộc của chính quyền và ban ngành tức là chính quyền, đừng vì mục tiêu kinh tế mà “nhạt” mục tiêu và tinh thần văn hóa. Có thế thì nhà văn hóa mới tồn tại và phát triển được.