Nhà giáo tiêu biểu xứ Thanh: 'Làm mới' mình để thu hút học trò

GD&TĐ - Nữ Nhà giáo Tiêu biểu (NGTB) người dân tộc Mường chia sẻ về 16 năm nỗ lực vượt qua thử thách để mang tri thức trao truyền cho các thế hệ học sinh...

Nhà giáo Tiêu biểu Trương Thị Hòa và học trò ở trên lớp. Ảnh: Thế Lượng
Nhà giáo Tiêu biểu Trương Thị Hòa và học trò ở trên lớp. Ảnh: Thế Lượng

Cô Trương Thị Hòa (39 tuổi) - giáo viên môn Địa lý, Trường THPT dân tộc nội trú Ngọc Lặc (Thanh Hóa) vừa được ngành Giáo dục phong tặng danh hiệu Nhà giáo Tiêu biểu xứ Thanh năm 2024.

Tâm huyết, tri thức mang về trái ngọt

Gặp và trò chuyện với chúng tôi, nữ Nhà giáo Tiêu biểu (NGTB) người dân tộc Mường Trương Thị Hòa chia sẻ, hơn 16 năm công tác, nhiều thời điểm cuộc sống khó khăn, nhưng vì lòng yêu nghề, mến trò, bản thân đã nỗ lực vượt qua mọi thử thách để mang tri thức trao truyền cho các thế hệ học sinh.

“Tôi cảm thấy hạnh phúc và xúc động khi nhận được danh hiệu Nhà giáo Tiêu biểu. Danh hiệu ấy là niềm mơ ước của nhiều người trong ngành và tôi may mắn được đón nhận. Đây là sự ghi nhận của ngành đối với cá nhân, nhưng trong đó có sự đóng góp của tập thể nhà trường, đồng nghiệp vì đã tạo điều kiện cho tôi phấn đấu”, cô Hòa chia sẻ.

Cô Hà Thu Dung - Hiệu trưởng Trường THPT dân tộc nội trú Ngọc Lặc (Thanh Hóa) cho hay, từ tháng 7/2018, cô Hòa được điều động về công tác tại trường. Cô Hòa được giao nhiệm vụ dạy môn Địa lý các khối lớp 10, 11, 12; phụ trách đội tuyển môn Địa lý lớp 12 tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; hướng dẫn học sinh khối lớp 12 ôn thi tốt nghiệp THPT.

“Năm học 2021 - 2022, cô Trương Thị Hòa dìu dắt 4 học sinh đoạt giải cấp tỉnh môn Địa lý lớp 12 (2 giải Nhì, 1 giải Ba, 1 giải Khuyến khích). Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, bộ môn Địa lý do cô Hòa giảng dạy ở trường có điểm trung bình 8,10. Xếp thứ 1/130 trường THPT của tỉnh Thanh Hóa. Năm học 2022 - 2023, điểm trung bình của môn Địa lý tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT của nhà trường đạt 8,50; xếp thứ 3/130 trường THPT của tỉnh Thanh Hóa”, cô Dung thông tin.

Cũng theo cô Dung, năm học vừa qua, cô Hòa có 4 học sinh giành giải cấp tỉnh môn Địa lý lớp 12, trong đó có 2 giải Ba và 2 giải Khuyến khích. Điểm trung bình môn Địa lý tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm vừa qua do cô Hòa phụ trách ôn luyện đạt 8,98; xếp thứ 1/130 trường THPT của tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, có 5 học sinh đạt điểm 10 môn Địa lý…

“Đội tuyển học sinh giỏi do cô Trương Thị Hòa phụ trách luôn có kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp. Nhiều em đã, đang là sinh viên những trường đại học tốp đầu cả nước”, cô Hà Thu Dung chia sẻ.

Khi được hỏi về công việc phụ trách đội tuyển học sinh giỏi, NGTB Trương Thị Hòa cho hay, gia đình đang ở nhà công vụ của trường. Chồng công tác xa nhà, chỉ có 3 mẹ con nên ngoài chăm sóc, đưa đón con đến lớp, cô Hòa dành thời gian chuyên tâm cho việc ôn luyện học sinh giỏi. Tuy nhiên, vai trò này cũng đòi hỏi tâm sức, thời gian khá lớn.

Trong giai đoạn tập trung ôn luyện, giáo viên gần như phải ở trường cùng học sinh, không có thời gian dành cho gia đình. Điều khá may mắn là 3 mẹ con nữ nhà giáo được ở trong khu nhà công vụ, nên rất thuận lợi cho công việc chuyên môn.

“Công tác ôn đội tuyển học sinh giỏi thường kéo dài từ cuối tháng 3 đến gần hết tháng 12. Học sinh ở đây ngoan, lễ phép, chăm học và luôn nghe lời của thầy, cô dạy bảo. Hằng ngày, sau bữa cơm chiều, học sinh tự giác lên lớp ôn luyện, vì thế, tôi thường dành tối đa thời gian việc ôn tập cho học trò”, nữ nhà giáo tâm sự.

nha-giao-tieu-bieu-xu-thanh-2.jpg
Nhà giáo Tiêu biểu Trương Thị Hòa tại buổi lễ vinh danh. Ảnh: NVCC

Bí quyết giúp trò đạt điểm cao

Là người có thành tích cao trong công tác ôn luyện học sinh giỏi đoạt giải cấp tỉnh, NGTB Trương Thị Hòa đã nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi phương pháp giảng dạy riêng để trao truyền kiến thức cho học trò hiệu quả nhất.

Theo cô Hòa, để nâng cao chất lượng chuyên môn, cần có sự thay đổi từ giáo viên lẫn học sinh. Đối với giáo viên, yếu tố quan trọng là năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Vì vậy để nâng cao năng lực, trình độ, nghiệp vụ đòi hỏi giáo viên luôn nỗ lực, không ngừng phấn đấu; tự làm mới mình, làm giàu kiến thức chuyên môn bằng nhiều hình thức.

Bên cạnh đó, giáo viên cần giữ được mối quan hệ, trao đổi chuyên môn với bạn bè, đồng nghiệp ở nhiều tỉnh, thành khác; tìm kiếm các nguồn tài liệu chuẩn cho học sinh tiếp cận, làm quen.

“Khi chuẩn bị ôn luyện cho học sinh, tôi thường tham gia vào các nhóm xây dựng đề thi trong tỉnh để trao đổi kinh nghiệm, nguồn tài liệu bồi dưỡng. Yếu tố quyết định tiếp theo là lòng nhiệt tình, tâm huyết, thái độ tận tụy với học trò. Bởi, chỉ khi có tâm huyết, ý thức trách nhiệm thì mình mới hoàn thành tốt công việc, giúp học sinh học tập hiệu quả hơn”, cô Hòa tâm sự.

Nữ nhà giáo cũng cho rằng, giáo viên cần giúp các em xây dựng ước mơ. Khi có ước mơ, học sinh sẽ có động lực để học tập, phấn đấu, rèn luyện, qua đó các em sẽ nỗ lực cố gắng hơn từng ngày. Nhưng để làm được điều trên, đòi hỏi giáo viên phải thực hiện xuyên suốt quá trình giảng dạy, bắt đầu từ khi học trò mới vào lớp 10.

“Tôi nhận thấy, mỗi học sinh sẽ có thời điểm bứt phá nhất định trong quá trình học tập. Vì thế, tôi thường tạo áp lực đúng thời điểm để các em đạt kết quả cao. Tuy nhiên, không quá áp đặt, nhồi nhét kiến thức từ đầu, mà tạo điều kiện để các em nghỉ ngơi, thư giãn bằng những câu chuyện kể, bản nhạc yêu thích… Khi đến giai đoạn thích hợp, mình sẽ gây áp lực lớn để học sinh có thể bứt phá, đạt kết quả tốt nhất”, cô Hòa tâm sự.

Cũng theo nữ nhà giáo, mỗi học sinh có khả năng khác nhau, vì vậy bản thân luôn khuyến khích các em đặt mục tiêu cao hơn khả năng. Thường xuyên quan tâm đến những em còn yếu bằng cách kiểm tra riêng, học thêm ngoài giờ và động viên, khích lệ để học trò để cải thiện điểm số.

“Ở mỗi lớp, tôi thường có buổi dạy miễn phí vào thời điểm gần ngày thi nhằm giải đáp những vấn đề học trò chưa hiểu. Đó là cách động viên tinh thần giúp các em bớt lo lắng, áp lực trước kỳ thi”, cô Hòa chia sẻ.

Cô Hà Thu Dung cho hay, cô Hòa là giáo viên cốt cán chuyên môn của trường, luôn tâm huyết, cầu thị, khiêm tốn, trách nhiệm cao với nghề; có ý tự học, bồi dưỡng để hoàn thiện bản thân.

“Cô Trương Thi Hòa luôn kiên trì tìm tòi, lựa chọn phương pháp dạy học mới, linh hoạt, tạo được sức hút với học trò để truyền đạt kiến thức. Cô luôn gương mẫu trong chuyên môn, có tinh thần giúp đỡ đồng nghiệp cùng tiến bộ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao...”, cô Hà Thu Dung - Hiệu trưởng Trường THPT dân tộc nội trú Ngọc Lặc khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.