Từng lao xuống suối đi tìm học trò
Hồi trung tuần tháng 11 vừa qua, Sở GD&ĐT Thanh Hóa tổ chức vinh danh Nhà giáo Tiêu biểu xứ Thanh lần thứ 2 năm 2024, với 133 thầy, cô giáo.
Tại lần vinh danh Nhà giáo Tiêu biểu (NGTB) xứ Thanh năm 2024, huyện biên giới Quan Sơn có 2 nhà giáo vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý. Trong đó, có nữ nhà giáo Lê Thị Liên (48 tuổi), Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lư (Quan Sơn).
Trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Lê Thị Liên cho hay, danh hiệu NGTB là niềm mơ ước của nhiều người trong ngành Giáo dục (GD). Bản thân cô Liên rất vui, vinh dự và xúc động khi nhận được danh hiệu cao quý này.
“Đây là sự ghi nhận của ngành Giáo dục đối với cá nhân, nhưng trong đó có sự góp sức rất lớn của tập thể, vì đã tạo điều kiện cho tôi được phấn đấu hết mình”, cô Liên chia sẻ.
Tháng 9/1995, cô giáo Liên bắt đầu bước vào nghề. Đến nay, đã gần 30 năm cô giáo Liên cống hiến sức lực, trí tuệ cho ngành GD ở vùng biên giới khó khăn. Những năm tháng mới vào nghề, cô giáo Liên luôn gặp vô vàn gian truân, vất vả.
Bởi lẽ, từ năm 1995 đến năm 1999, hầu hết gia đình học sinh ở huyện vùng biên này đều thuộc diện hộ nghèo, thậm chí có nhiều gia đình thiếu đói triền miên.
Cuộc sống của giáo viên như cô giáo Liên cũng vô cùng khổ cực vì đồng lương, phụ cấp trong tháng không đủ chi tiêu. Trong khi đó, cơ sở vật chất trường lớp đều là nhà tranh, vách nứa.
Ở xã Sơn Lư (Quan Sơn) lúc bấy giờ là vùng “nhiều không”: Không điện lưới quốc gia, không đường bê tông, không sóng điện thoại, không trạm y tế... như bây giờ.
Cô giáo trẻ Lê Thị Liên là người ở thị trấn Hồi Xuân (huyện Quan Hóa). Khi nhận công tác, được cấp trên phân công về điểm lẻ ở bản Hao – thuộc Trường Phổ thông cơ sở Sơn Lư, cách điểm trường chính hơn chục km đường rừng.
“Có những hôm, tôi phải lội bộ 11km đường rừng để đến điểm trường chính. Giờ đây, khi nghĩ lại quãng thời gian vất vả, khó khăn ấy, mình cũng không thể nghĩ rằng, tại sao có thể vượt qua được”, cô Liên tâm sự.
Cô giáo Lê Thị Liên - Nhà giáo Tiêu biểu xứ Thanh tại buổi lễ vinh danh.
Nhớ lại những năm tháng khó khăn, cơ cực, trong tâm nữ NGTB Lê Thị Liên không thể quên kỷ niệm đối với một với một nữ sinh lớp 1 của mình, mà đến ngày nay, mỗi khi cô – trò gặp lại nhau, vẫn cùng nhau ôn lại.
Cô giáo Liên, kể: “Ngày ấy, tôi là giáo viên chủ nhiệm lớp 1, với 25 học sinh. Khi nhận lớp, lũ học trò như “tờ giấy trắng”, vì các em ấy không học qua mầm non và đi học rất muộn so với tuổi quy định. Hầu hết các em nhút nhát, sống rất khép mình, không biết tiếng phổ thông. Cũng may, tôi là người dân tộc Thái, nên việc giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ và dạy các em khá thuận lợi”.
Trong trí nhớ của cô Liên, ngày ấy ở lớp của mình, có 1 học sinh lớn nhất, nhưng rất hay bỏ học. Một hôm, không thấy nữ sinh ra lớp, cô Liên đã tìm đến nhà gặp phụ huynh, thì bố mẹ của em cũng chẳng biết con mình đi đâu.
Lúc bấy giờ, cô giáo trẻ Lê Thị Liên vô cùng lo lắng, nên quyết định đi tìm học trò của mình. Cô giáo tìm đến tất cả những gia đình trong bản dò hỏi, nhưng cũng không ai thấy em ấy ở đâu. Không nghĩ được nhiều, cô Liên lao xuống triền suối và cứ thế vừa chạy, vừa gọi tên học sinh của mình, mong sao tìm được em.
“Khi tôi chạy theo dọc bờ suối, cách ngôi nhà của gia đình em chừng 2km và cách điểm trường khoảng 3km, thì phát hiện em ấy đang ngồi trên một phiến đá lớn. Khi tìm thấy học sinh của mình, mừng quá, tôi lao đến ôm chầm lấy học trò rồi quát nạt, nhưng em ấy òa khóc.
Sau khi được tôi động viên, dỗ dành, em bình tĩnh lại và nói với tôi rằng: “Thưa cô, em đói! Em không có sách, vở để đi học ạ!”. Tôi hỏi: Tại sao em lại ra suối? Em bảo: Thưa cô, em đi tìm rau về nấu ăn ạ! Nghe học trò của mình nói vậy, tôi càng ôm lấy em chặt hơn, và hai cô trò đều khóc nức nở”, cô Liên nhớ lại.
Sau khi dẫn học sinh về nhà, cô giáo Liên đã động viên, khuyên bảo, đồng thời lấy tiền của mình mua sách, vở bút mực cho em. Nhờ những lời động viên, an ủi, hỗ trợ của cô giáo, em ấy đã đồng ý quay lại trường học. Sau đó, nữ sinh này đã học lên đến hết lớp 12.
“Đến bây giờ, thi thoảng em ấy đưa con đi học, cô – trò gặp lại nhau, chúng tôi vẫn hay nhắc lại chuyện cũ. Mỗi lần như thế, học trò cũ của tôi lại bẽn lẽn nói: Nếu ngày đó không có cô giáo, chắc chắn em sẽ là đứa mù chữ rồi và không thể có cuộc sống như bây giờ, cô ạ!”, cô Liên tâm sự.
Nhà giáo gương mẫu
Gần 30 năm trong nghề “gõ đầu trẻ”, NGTB Lê Thị Liên giờ đây đã trở thành Phó Hiệu trưởng của Trường Tiểu học Sơn Lư, nhưng vẫn hằng ngày miệt mài trao truyền kiến thức cho lớp lớp học trò ở vùng biên giới Quan Sơn. Mỗi tuần, cô giáo Liên vẫn lên lớp đều đặn theo quy định với nhiệm vụ của một Phó Hiệu trưởng (4 tiết/tuần).
Theo nữ nhà giáo, xuất phát từ lòng thương yêu con trẻ, nên cô đã chọn nghề từ khi đang ở tuổi thanh xuân. Có tâm huyết, thì sẽ gắn bó, mà đã gắn bó thì càng yêu nghề hơn. Bởi, những thời điểm khó khăn, gian khổ nhất đều đã vượt qua được rồi, thì giờ đây không có lý do gì mà không cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao phó.
“Mặc dù, cuộc sống của người dân ở vùng biên giới này đã có nhiều thay đổi, nhưng vẫn còn nhiều học sinh nghèo, lam lũ lắm. Nên, mình phải cố gắng đem kiến thức truyền dạy học trò, giúp đỡ các cháu về nền tảng kiến thức ban đầu, để chúng có cơ hội phát triển cho tương lai”, nữ nhà giáo bộc bạch.
Năm học 2022-2023, sau khi được cấp trên bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng (phụ trách hoạt động chuyên môn) Trường Tiểu học Sơn Lư (thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn), cô giáo Liên đã cùng hội đồng sư phạm nhà trường phát triển số lớp học lên con số 15, với tổng số 301 học sinh. Đây cũng là một trong những năm ngôi trường này có sĩ số học sinh đông nhất từ khi sáp nhập xã Sơn Lư vào thị trấn Quan Sơn thành thị trấn Sơn Lư năm 2019.
Năm học 2023 - 2024, tỉ lệ học sinh toàn trường hoàn thành chương trình lớp học đạt 100%. Có 12 học sinh đoạt giải giao lưu câu lạc bộ Toán, Tiếng Việt cấp huyện. Trong đó, có 2 giải Nhất, 5 giải Nhì, 2 giải Ba và 3 em đoạt giải Khuyến khích; nhà trường xếp thứ 3 toàn huyện.
Trong kì thi vở sạch chữ đẹp cấp huyện, nhà trường có 21 học sinh được xếp loại. Trong đó, 7 em xếp loại A, 6 em xếp loại B và 8 học sinh xếp loại C; nhà trường được xếp thứ 2 toàn huyện... Cũng trong năm học vừa qua, Trường Tiểu học Sơn Lư được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen.
Theo thầy Ngân Văn Liêm – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lư, mặc dù khá khiêm tốn khi nói về bản thân, nhưng NGTB Lê Thị Liên luôn là viên chức được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; có nhiều sáng kiến kinh nghiệm xếp loại cấp huyện; đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở.
“Trong các năm học từ 2020 đến 2024, nhà giáo Lê Thị Liên những có đề tài sáng kiến, như: “Rèn kỹ năng sống cho học sinh lớp 2 thông qua các môn học và hoạt động ngoài giờ lên lớp tại trường Tiểu học Trung Thượng”; “Một số biện pháp giúp học sinh lớp 3 học tốt phân môn luyện từ và câu tại trường Tiểu học Tam Lư”; “Một số giải pháp nâng cao chất lượng đại trà tại trường Tiểu học Sơn Lư” đều được xếp loại B cấp huyện...”, thầy Liêm thông tin.
Nhận xét về NGTB Lê Thị Liên, ông Lê Huy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn, cho rằng; cô giáo Liên là người luôn thực hiện đúng đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định, quy chế của ngành, nhà trường. Cô giáo luôn gương mẫu trong công việc cũng như trong ứng xử, giao tiếp. Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong trong công tác quản lý và xác định rõ nhiệm vụ của mình, có ý thức trong công việc.
“Nhà giáo Tiêu biểu Lê Thị Liên là người luôn có mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong công việc, trong sinh hoạt. Có tinh thần trách nhiệm cao với nhiệm vụ được giao; thẳng thắn đánh giá, góp ý đồng nghiệp và luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của mọi người trong đơn vị. Đây là một tấm gương sáng để nhiều người trong ngành GD của huyện noi theo”, ông Lê Huy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn cho biết.