Nhà giáo phải sống được bằng lương!

GD&TĐ - “Nhà giáo phải sống được bằng lương” - câu nói đó khiến hàng triệu nhà giáo khắp mọi miền đất nước háo hức và chan chứa hy vọng. Đến nay, những người làm trong ngành Giáo dục đã trăn trở, đã hành động, đã quyết liệt,  mong muốn hiện thực hóa câu nói này.

Nhà giáo phải sống được bằng lương!

Cách đây hơn nửa năm, khi Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được Bộ GD&ĐT công bố rộng rãi xin ý kiến dư luận, vấn đề lương nhà giáo quy định tại Điều 81 Dự thảo khi đó ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận:

“Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”.

Trong tờ trình Chính phủ, đây là một trong 3 vấn đề được Bộ GD&ĐT đặc biệt phân tích sâu hơn để xin ý kiến.

Nội dung “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” hoàn toàn không phải sự sáng tạo của Ban soạn thảo, bởi nó đã được ghi rõ trong Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Ấy vậy mà, đằng sau câu vỏn vẹn 18 chữ là cả một sự cố gắng, quyết tâm lớn, thậm chí rất nhiều gian nan.

Tôi được biết, người đứng đầu ngành Giáo dục đã rất nhiều lần trực tiếp chủ trì các cuộc họp để tìm giải pháp khả thi chính sách lương cho nhà giáo, với mong mỏi và quyết tâm rất lớn thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết 29 vào Luật Giáo dục.

Tôi cũng được biết, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã không dừng ở “đề xuất” mà đã thực sự hành động khi tổ chức một nhóm nghiên cứu bài bản, đưa ra các phương án cụ thể tăng lương nhà giáo đảm bảo công bằng, hiệu quả, khả thi; phân tích nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh lương cho nhà giáo… Không thuần túy chỉ là đề án tăng lương, nhóm nghiên cứu dường như đã đưa ra cả một phương án điều chỉnh cấu trúc nội bộ chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục để tăng thu nhập cho nhà giáo.

Thế nhưng, “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” vẫn không được thể hiện trong Luật Giáo dục sửa đổi, lý do cơ bản là vấn đề lương của tất cả các đối tượng sẽ được đưa vào Đề án Cải cách tiền lương của Chính phủ.

Một cô giáo ở Hải Dương gọi cho tôi: Thêm vài trăm một tháng với người thành phố có lẽ không là gì, nhưng với chúng tôi có ý nghĩa lớn lắm”. Cô giáo ấy trên 40 tuổi, có 1 con trai đang bị bệnh tự kỷ. Ngoài những giờ lên lớp, cô vẫn lo mấy sào ruộng, rồi nhận thêm làm may thuê ở nhà, mỗi sản phẩm cô được nhận tiền công đôi chục. Niềm mong mỏi của cô là có điều kiện đưa con trai lên Hà Nội khám bệnh, được học ở những trung tâm chuyên dạy trẻ tự kỷ.

Dù đã chuyển ngành, một cán bộ quản lý từng kinh qua vị trí hiệu trưởng ở 2 trường THPT khi nghe tin đã rất trăn trở. Anh nhớ lại những đồng nghiệp của mình phải bươn chải thêm nhiều nghề để đảm bảo cuộc sống: Làm ruộng, chăn nuôi, may đo, đánh máy thuê… nhưng đến mùa thi vẫn sẵn sàng đến trường dạy trò miễn phí.

Cũng vị quản lý này mới đây đã gửi tôi video chương trình thời sự trên VTV1, đưa tin về Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), trong đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị Trung ương xem xét có chính sách lương/phụ cấp đặc thù đối với đội ngũ giáo viên, quy định giáo viên thuộc trường hợp có phụ cấp cao hơn 30% theo quy định của Đề án Cải cách chính sách tiền lương, kèm với lời nhắn: Các thầy cô có quyền hy vọng. Đề xuất của Bộ trưởng thực sự rất thuận lòng dân! Tôi dám chắc, rất nhiều nhà giáo cùng chung cảm xúc này.

Nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý cũng cho rằng, đề xuất của Bộ trưởng là hợp lý và có cơ sở. Đó là tín hiệu đáng mừng vì sự đồng thuận là nhân tố vô cùng quan trọng đối với sự thành công của một chính sách mới. Và chúng ta có thể hy vọng đời sống giáo viên sẽ được nâng một bước trong thời gian không xa.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ