Cô Thảo là giáo viên tiểu học duy nhất nhận danh hiệu này năm 2020.
29 năm gắn bó với trò nghèo
Gia đình có 4 anh chị em nhưng chỉ một mình cô Thảo theo nghề giáo. “Bên nội có 2 chú là giáo viên, bên ngoại có 2 cậu và 2 dì là giáo viên. Lúc nhỏ sống bên ngoại nhìn thấy hình ảnh các dì lúc chấm bài, soạn giáo án mình rất thích, nên quyết định theo ngành sư phạm”, cô Thảo chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp Trung học sư phạm năm 1992, cô Thảo được phân công về công tác ở Trường Tiểu học Việt Lâm. Lúc bấy giờ, Trường Tiểu học Việt Lâm, xã Thanh Vĩnh Đông là một trong những ngôi trường thuộc vùng sâu và khó khăn nhất của huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Điều kiện kinh tế của người dân khi đó rất khó khăn. Cô Thảo khi đó dạy ở điểm trường phụ, đến năm 2008 cô mới được chuyển về dạy điểm trường chính cho đến nay.
Những ngày còn đi dạy ở điểm trường phụ, cô Thảo gặp rất nhiều khó khăn. Từ nhà đến trường chỉ hơn 5 km nhưng đường đất đi lại vất vả. Bấy giờ phương tiện chỉ có xe đạp, có hôm trời mưa ngập nước, bùn lầy cô không thể đi được xe, phải gửi xe ở nhà dân, đi bộ vào điểm trường. Phòng học thì ọp ẹp, trống trải. Hễ trời mưa là ngập nên nhiều lúc cô phải đứng trên bùn đất để dạy.
Trải qua 29 năm gắn bó giảng dạy ở vùng khó là bấy nhiêu năm cô Thảo gắn bó với học sinh cũng đa phần nghèo. Phụ huynh chủ yếu đi ghe, thuyền kiếm sống, có khi đi làm xa nhà, vì thế ít có thời gian chăm sóc con cái. Học sinh của cô nhiều em ở với ông bà nội, ngoại. Ông bà đa số không có kiến thức để kèm cặp cháu, nên các em học tập rất khó khăn.
Thương trò thiệt thòi, một mặt cô Thảo tìm cách động viên, giúp đỡ các em vượt khó đến lớp, một mặt khác luôn cố gắng nỗ lực nâng cao trình độ. Học sinh yếu hơn, khó khăn hơn đòi hỏi người thầy phải nỗ lực hơn. Với nhận thức đó, cô không quản khó khăn để từng bước nâng chuẩn từ trung cấp lên cao đẳng, rồi ĐH Sư phạm, với mong ước tích lũy kiến thức, kỹ năng, phương pháp tốt nhất giúp học trò của mình học tốt hơn, hạnh phúc hơn.
Cây sáng kiến của giáo dục vùng khó
Để những tiết học của trò vùng khó sinh động, dễ hiểu, cô Thảo luôn đi đầu trong việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Đồng nghiệp vẫn gọi cô là cây sáng kiến trong việc sử dụng đồ dùng dạy học và ứng dụng công nghệ vào giảng dạy. Ngoài những thiết bị có sẵn của trường, cô còn sáng tạo nhiều đồ dùng dạy học mới để tiết học trở nên mới mẻ, đa dạng.
Nhiều phương pháp giảng dạy hiệu quả như bàn tay nặn bột, sơ đồ tư duy, kỹ thuật mảnh ghép… được cô thực hiện ở ngôi trường vùng sâu. Một số sáng kiến kinh nghiệm của cô như: Giúp học sinh yếu giải toán điển hình; Tìm hai số khi biết hiệu và tỉ số của hai số đó; Một số kinh nghiệm giảng dạy các yếu tố hình học lớp 4; Một số kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm lớp; Phương pháp thảo luận nhóm, tổ chức trò chơi nhằm nâng cao hứng thú học tập môn Lịch sử cho học sinh lớp 4; Một vài kinh nghiệm giảng dạy yếu tố hình học toán lớp 4; Nâng cao chất lượng giảng dạy phân môn luyện từ và câu… được áp dụng hiệu quả ở cơ sở và chia sẻ với đồng nghiệp.
Nhờ không ngừng nỗ lực trong dạy học, những năm qua, các lớp học ở vùng sâu do cô Thảo chủ nhiệm đều có 100% học sinh đạt học lực từ trung bình trở lên, trong đó có nhiều học sinh khá, giỏi.
Sau 29 năm theo nghề, nhiều thế hệ học trò của cô Thảo đã trưởng thành và có cuộc sống ổn định. Nhiều em không có điều kiện gặp mặt, nhưng qua kết nối mạng xã hội, biết cô giáo được danh hiệu Nhà giáo nhân dân đã chia sẻ và gửi lời chúc mừng. “Sự trưởng thành và tình yêu thương của học trò chính là điều khiến tôi hạnh phúc và yêu nghề hơn”, Nhà giáo nhân dân Huỳnh Thị Phương Thảo tâm sự.