Nhà giáo Nguyễn Văn Kiên - Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên: Nghề giáo mãi là... nghề cao quý!

GD&TĐ - Có lẽ không có nghề nào vinh quang bằng nghề dạy học. Ở bất kỳ một xã hội nào, nhà giáo cũng được trân trọng và tin cậy. Vị thế của nhà giáo được tôn vinh bởi lẽ “nhà giáo là một hình mẫu về đạo lý, trí tuệ, nhân cách mà cả xã hội gửi gắm niềm tin”. Báo GD&TĐ có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Kiên - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên về vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Kiên – Giám đốc Sở GD& ĐT 
Điện Biên
Ông Nguyễn Văn Kiên – Giám đốc Sở GD& ĐT Điện Biên

- Xin ông cho biết quan điểm về vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay?

- Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đặt ra thách thức cho ngành Giáo dục là phải đổi mới giáo dục phổ thông cho phù hợp với tình hình mới. Công việc dạy học của các nhà giáo ngày nay khác trước nhiều. Mọi kiến thức, hiểu biết của học sinh không chỉ được hình thành qua sách vở, qua Internet mà phải được bổ sung qua các hoạt động trải nghiệm, biết học hỏi lẫn nhau, biết vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống.

Thông qua giờ dạy trên lớp và hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường, nhà giáo giúp học sinh biết tự học một cách sáng tạo. Nhà giáo phải thật sự là nhà giáo dục, nhà sư phạm. Chỉ có thấu hiểu tính cách, hoàn cảnh của từng học sinh, nhà giáo mới đưa ra được những phương pháp giáo dục phù hợp, làm cho học sinh thích học, biết cách học, có thói quen học và học hiệu quả.

GD-ĐT trong giai đoạn hiện nay có sứ mệnh dám đương đầu với những mặt trái của xã hội tác động đến thế hệ trẻ. Nhiều gia đình, bố mẹ lo kiếm sống, không đủ thời gian và không có phương pháp giáo dục con một cách khoa học; chỉ kỳ vọng vào con cái, áp dụng kiểu giáo dục áp đặt mà thiếu đồng hành, lắng nghe con. Do đó, vai trò giáo dục gia đình, giáo dục của nhà trường hiện nay là rất lớn. Thầy cô giáo không tâm huyết với nghề không thể sáng tạo ra những phương pháp giáo dục hiệu quả, phù hợp với từng loại học sinh, nhất là những học sinh gặp khó khăn về hoàn cảnh sống, về điều kiện học tập.

Nhịp độ phát triển của đất nước không chỉ lệ thuộc vào tốc độ phát triển kinh tế, của khoa học kỹ thuật mà còn phụ thuộc vào nhịp độ phát triển của GD-ĐT. Giáo dục trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 cần phải được ưu tiên phát triển đi trước một bước. Muốn vậy giáo dục phải được ưu tiên đồng bộ cả ba mặt: Tài chính; cơ chế chính sách quản lý; đào tạo bồi dưỡng, đãi ngộ nhà giáo.

- Ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới còn nhiều khó khăn như Điện Biên, vai trò đó được phát huy như thế nào, thưa ông?

- Trong nhiều năm qua, GD-ĐT Điện Biên luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm, chăm lo; sự nghiệp GD-ĐT từng bước đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước. Trong đó, đội ngũ nhà giáo ngày càng phát huy được phẩm chất tốt đẹp, sáng tạo, đổi mới, tâm huyết với nghề. Biết bao tấm gương nhà giáo đã vượt khó vươn lên, bám trường, bám lớp, tình nguyện công tác ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đặc biệt khó khăn, hy sinh cả tuổi thanh xuân, hết lòng vì học sinh thân yêu, mang hết tâm sức, trí tuệ của mình để cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao cả.

Nhiều thầy cô đã tận tâm tận lực, đi đầu trong đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, có nhiều cải tiến, sáng kiến trong việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, luôn trau dồi năng lực, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, xứng đáng là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Họ đã thắp lên ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết, sáng tạo, góp phần trong công cuộc đổi mới giáo dục của đất nước.

Khi Chương trình GDPT mới được triển khai, giáo viên đã tích cực chủ động tham gia bồi dưỡng, tự bồi dưỡng để đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích hợp, phân hóa, phát huy tính chủ động, sáng tạo.

- Đối với những địa bàn vùng sâu, vùng cao, biên giới, nhiều nhà giáo đã bỏ lại sau lưng bao khó khăn, nhọc nhằn, làm việc hăng say, yêu nghề, mến trẻ. Ngành GD-ĐT đã làm những gì để họ phát huy được hết vai trò của “nghề vinh quang” này?

- Năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục tiếp tục đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản, trong đó tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, tiếp tục rà soát, dự báo quy mô phát triển trường học, đảm bảo dành quỹ đất cho xây dựng trường lớp, nhất là trong giai đoạn thực hiện sắp xếp, dồn dịch trường lớp như hiện nay. Quyết liệt khắc phục tình trạng thiếu trường lớp, nhất là đối với bậc học mầm non.

Hai là, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, không để tình trạng thừa thiếu cục bộ, đảm bảo nguyên tắc ở đâu có học sinh ở đó có giáo viên, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu giáo viên cấp học mầm non, giáo viên ngoại ngữ.

Những hy sinh của các thế hệ nhà giáo góp phần mở ra tương lai cho con em đồng bào dân tộc thiểu số
 Những hy sinh của các thế hệ nhà giáo góp phần mở ra tương lai cho con em đồng bào dân tộc thiểu số

Ba là, tạo sự chuyển biến căn bản trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Đây là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó giáo dục nhà trường đóng vai trò định hướng. Phòng chống bạo lực học đường, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy trong trường học. Làm rõ mục tiêu, trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò.

Bốn là, tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT. Luật Giáo dục năm 2019 cũng đã đưa ra ngân sách Nhà nước đảm bảo tối thiểu 20% cho giáo dục.

Năm là, đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý giáo dục ở tất cả các cấp học và các trình độ đào tạo; đổi mới công tác quản lý và đẩy mạnh phân cấp, thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục.

Nhiều chính sách hiện hành cũng đã tác động tích cực đến động lực làm việc của giáo viên, như phụ cấp ưu đãi; phụ cấp thu hút; phụ cấp thâm niên. Gần đây nhất, Bộ GD&ĐT đã ban hành các Thông tư quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, THCS, THPT trong hệ thống giáo dục công lập thành 3 hạng khác nhau. Từ đó, tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, rèn luyện để đạt thứ hạng cao hơn.

Ngoài ra, ngành cũng tích cực hoàn thiện hệ thống nhà công vụ của các đơn vị trường để giải quyết nhu cầu nhà ở cho giáo viên khuyến khích giáo viên nâng cao trình độ; những hoạt động tại cộng đồng và các trường học cũng góp phần tăng cường sự gắn bó, say mê của giáo viên đối với công việc; thúc đẩy giáo viên làm việc nhiệt tình, chủ động, sáng tạo và tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ.

- Ông đã có quãng thời gian rất dài gắn bó với tỉnh Điện Biên trong nhiều lĩnh vực công tác, gắn bó với Ngành GD-ĐT ở các cương vị khác nhau, vậy điều ông băn khoăn, trăn trở nhất hiện nay là gì?

- Điều mà tôi băn khoăn, trăn trở nhất hiện nay là trong giai đoạn đổi mới dù ở lĩnh vực nào cũng là quá trình khó khăn và đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực. Song đổi mới giáo dục còn khó khăn hơn vì tác động trực tiếp đến con người và không được phép mắc sai lầm. Trong khi đó, cơ sở vật chất trường lớp học để đáp ứng yêu cầu đổi mới của tỉnh còn rất hạn chế.

Giáo viên đứng lớp còn thiếu nhiều đặc biệt là giáo viên ngoại ngữ, giáo viên mầm non, trong khi đó biên chế được giao thêm không đáng kể so với nhu cầu, đồng thời lại phải đảm bảo yêu cầu về tinh giản biên chế. Bên cạnh đó, thu nhập của cán bộ, giáo viên mặc dù có khá hơn giai đoạn trước song còn rất thấp so với mặt bằng chung. Vì vậy, vẫn còn tình trạng có một bộ phận cán bộ, giáo viên chưa thực sự chuyên tâm với nghề.

- Vâng, xin cám ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ