Chương trình GDPT mới: Nâng cao năng lực đào tạo giáo viên

GD&TĐ - Để đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPT mới), chúng ta không chỉ tập trung vào đào tạo sinh viên mà cần đảm bảo công tác bồi dưỡng giáo viên. 

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn. Ảnh: C.Chương
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn. Ảnh: C.Chương

Đây là nhiệm vụ của chương trình ETEP và GREP. Việc đào tạo sinh viên ở các trường sư phạm và các cơ sở đào tạo giáo viên phải được các trường sư phạm quan tâm và chuẩn bị chu đáo để lớp giáo viên mới ra trường có thể thích ứng và làm chủ môi trường giáo dục mới. Vấn đề không chỉ là trách nhiệm mà là tầm nhìn cũng như định hướng khoa học trong công tác đào tạo giáo viên.

Những đòi hỏi từ đội ngũ nhà giáo

Trước hết, phải khẳng định tư tưởng của CTGDPT mới có những ưu điểm nhất định. Có thể nhấn mạnh vài điểm mới trong chương trình như: Kế hoạch giáo dục của CTGDPT mới chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 - 9 (9 năm) gồm Tiểu học và THCS, nhằm trang bị cho học sinh (HS) tri thức, kĩ năng nền tảng; hình thành phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi; chuẩn bị tâm thế cho việc thích ứng với những thay đổi nhanh chóng nhiều mặt của xã hội tương lai;

đáp ứng yêu cầu phân luồng sau THCS theo các hướng: học lên THPT, học nghề hoặc tham gia cuộc sống lao động và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (3 năm từ lớp 10 - 12) nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh (HS), đảm bảo HS tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn sau giáo dục phổ thông có chất lượng hoặc tham gia cuộc sống lao động.

Điểm mới tiếp theo là hệ thống các môn học gồm các môn học bắt buộc (là môn học mà mọi HS đều phải học), môn học bắt buộc có phân hóa (là môn học mà nội dung được thiết kế thành các chủ đề hoặc học phần, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc (là môn học mà HS bắt buộc phải lựa chọn trong số các môn học định hướng nghề nghiệp ở lớp 11, 12 theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông).

Ngoài ra, một số môn học có tên mới và một số môn mới, hoạt động giáo dục mới (theo hướng tích hợp, liên môn và định hướng nghề nghiệp cho HS). Điểm mới cần nhấn mạnh đó là kết quả giáo dục được đánh giá bằng các hình thức định tính và định lượng thông qua đánh giá thường xuyên, định kì ở cơ sở giáo dục, các kì đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương và các kỳ đánh giá quốc tế. HS hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ được cấp bằng tốt nghiệp THPT (không tổ chức một kỳ thi chung như hiện nay)...

Rõ ràng, từ những điểm mới đã phân tích, việc cần có một đội ngũ giáo viên làm chủ và đáp ứng CTGDPT mới là tất nhiên. Nói khác đi, việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hay đào tạo giáo viên mới cần phải có năng lực thật sự cũng như có quan điểm hiện đại về giáo dục. Từ đây, có thể phân tích những thách thức nhất định.

Thứ nhất, giáo viên phải là nhà giáo dục. Đội ngũ GV luôn là lực lượng quan trọng và trực tiếp trong việc biến các mục tiêu giáo dục thành hiện thực, giữ vai trò quyết định chất lượng và hiệu quả giáo dục. Theo đó, giáo dục trước hết là nhà giáo dục, bằng chính nhân cách của mình, tác động tích cực đến việc hình thành nhân cách học sinh. Nhà giáo dục đòi hỏi phải nhìn nhận người học trong sự tôn trọng, đánh giá đúng năng lực, có xem xét triển vọng và tiềm lực để phát triển. Đó còn chưa kể đến vấn đề cần phải tạo cơ hội đúng nghĩa cho người học.

Giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM lên đường về TP Cần Thơ bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán theo CTGDPT mới. Ảnh: HCMUE
 Giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM lên đường về TP Cần Thơ bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán theo CTGDPT mới. Ảnh: HCMUE

Thứ hai, giáo viên phải thật sự có năng lực nghề đúng nghĩa. Năng lực nghề của giáo viên thể hiện từ việc xây dựng mục tiêu phát triển dưới dạng rubics, cụ thể việc xác định mục tiêu cho chủ đề, bài dạy phải cụ thể và rõ ràng cũng như có thể đánh giá và đo lường được. Sau đó là năng lực xây dựng kế hoạch giáo dục hay kế hoạch dạy học trong đó bao gồm năng lực lựa chọn các hoạt động giáo dục và dạy học, triển khai và tổ chức hoạt động để người học hoạt động tích cực theo yêu cầu học tập chủ động, dạy học gợi mở...

Thứ ba, giáo viên phải nhà tổ chức và phát triển năng lực của người học. Người thầy không phải chỉ đơn thuần là người truyền thụ kiến thức mà là người thúc đẩy việc học hành... Trong một nền giáo dục mới, vai trò truyền thụ kiến thức một cách thụ động của người thầy sẽ giảm đi, nhưng phải làm tốt hơn vai trò của một người hướng dẫn các quá trình tìm kiếm tri thức, gợi mở những con đường phát hiện tri thức, qua đó trau dồi khả năng độc lập tư duy và sáng tạo cho người học. Công tác bồi dưỡng giáo viên cần tập trung phát triển về năng lực dạy học theo định hướng phát triển năng lực của học sinh.

Tuy nhiên, đây chỉ là những điểm phân tích mang tính chất nổi bật về chương trình giáo dục trong tương quan với nghề giáo viên. Đề cập đến năng lực của người giáo viên để đáp ứng chương trình cần quan tâm nhiều hơn thế. Nhưng có thể nói các năng lực đã đề cập là khá quan trọng để có thể nhìn về một lộ trình chuẩn bị đào tạo giáo viên hiện nay theo phương thức đảm bảo có thể thực thi chương trình mới.

Đổi mới đào tạo giáo viên đáp ứng CTGDPT mới

Đào tạo giáo viên đáp ứng CTGDPT mới phải bắt đầu từ việc hiểu về chương trình, vì thế, các trường sư phạm cần chuẩn bị đào tạo ngay

CTGDPT mới. Thách thức này sẽ khó khăn dành cho các sinh viên đã là sinh viên sư phạm từ những năm 2016 nếu đã hoàn thiện các học phần về Tâm lý học giáo dục, Giáo dục học phổ thông, Tổ chức hoạt động giáo dục và dạy học; Phát triển chương trình học, Lý luận và dạy học bộ môn. Vì thế, việc các trường sư phạm cần bổ sung ngay các nội dung mới có liên quan đến CTGDPT vào các học phần nói trên.

Hoặc phương án lựa chọn bổ sung một chuyên đề hay học phần tự chọn có thể khả thi. Điều này cần được thực hiện ngay song song theo phương án bổ túc nội dung về chương trình học, vừa bổ sung học phần hay chuyên đề chuyên sâu về CTGDPT mới hay tên tương đương.

Tuy nhiên, không thể chỉ một học phần hay hai học phần là có thể thấm nhuần tinh thần của CTGDPT mới. Cụ thể, các hoạt động giáo dục cần được khai thác đúng tinh thần phát triển năng lực. Các môn học mới, các hoạt động giáo dục phải đảm bảo được tiếp cận có căn cơ, đảm bảo việc hiểu bản chất hoạt động và các đặc trưng của chúng. Ngoài ra, việc hiểu đúng và đảm bảo đúng tính chất “dạy tích cực, học chủ động” hay “active learning and active teaching” phải trọn vẹn. Trong kế hoạch dạy học, lõi của nó cần đảm bảo là đường dẫn từ mục tiêu đến các hoạt động mà trong đó hoạt động học là trọng tâm cần khai thác.

Các giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM tham gia buổi tập huấn công tác bồi dưỡng giáo viên cho CTGDPT mới. Ảnh:HCMUE
 Các giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM tham gia buổi tập huấn công tác bồi dưỡng giáo viên cho CTGDPT mới. Ảnh:HCMUE

Gọi là “Các hoạt động học” nhằm nhấn mạnh dạy học phát triển năng lực trên cơ sở hoạt động học tập của học sinh. Học sinh là nhân vật trung tâm, là người làm việc từ tiếp cận đến triển khai cũng như tính chất thách thức, khám phá trong khi được đánh giá. Trong khi đó, giáo viên chủ yếu đóng vai trò dẫn dắt hoạt động, tổng kết hoạt động. Chỉ khai thác hoạt động của giáo viên dưới dạng tổ chức, đánh giá, tham gia như một thành viên trong lớp khi cần thiết.

Các hoạt động học nhằm đạt đến các mục tiêu đã xác định ở trên sao cho thật cụ thể, tương thích. Mỗi mục tiêu cụ thể cần thiết kế ít nhất một hoạt động để học sinh thực hiện. Cần định hướng những gì học sinh làm được, thái độ của học sinh… qua việc tham gia hoạt động nhằm xác định người học đã đạt được mục tiêu đó chính là đặc trưng của CTGDPT mới nhằm phát triển phẩm chất và năng lực.

Việc đảm bảo công tác thực hành, thực tập sư phạm cũng cần được quan tâm. Các học phần có liên quan như: Nhập môn nghề giáo, Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên cũng như thực tập sư phạm 1, 2 sẽ gặp một số khó khăn nhất định. Việc điều chỉnh học phần nhập môn nghề giáo, Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên với các nội dung gắn chặt với

CTGDPT mới là khả thi. Tuy nhiên, nếu việc kiến tập sư phạm ở một số học phần lý luận và phương pháp dạy học bộ môn cũng như một số học phần phục vụ các môn mới, hoạt động giáo dục như: Hoạt động trải nghiệm, Nghệ thuật... sẽ là thách thức nếu các cơ sở GDPT chưa chuẩn bị kỹ các hoạt động thực hành.

Bên cạnh đó, các cơ sở thực hành sư phạm sẽ cần chuẩn bị đội ngũ giáo viên hướng dẫn thực tập sư phạm 1 - 2 bởi đây chính là những thầy cô giáo quán triệt, làm mẫu và điều chỉnh tinh thần của chương trình mới, thực thi CTGDPT mới một cách rõ ràng và quyết liệt nhất. Đây là cơ hội quan trọng cho các sinh viên sư phạm bởi những gì sinh viên được trang bị sẽ được ứng dụng một cách tự tin và đúng định hướng cũng như được thăng hoa.

Công tác đào tạo giáo viên là quá trình lâu dài và phức tạp. Việc bổ sung các chuyên đề hay các học phần cũng chỉ là một phương án cần thiết. Ngoài ra, cũng cần nhận thức việc quán triệt tinh thần triển khai CTGDPT mới từ lý luận đến thực tiễn cần được song hành và chuẩn bị kỹ lưỡng. Quan trọng nhất vẫn là đầu tư đội ngũ giảng viên sư phạm để có thể đáp ứng yêu cầu giảng dạy mới.

Đặc biệt là các giảng viên tâm lý học, giáo dục học, các giảng viên lý luận và phương pháp dạy học bộ môn; các giảng viên tham gia biên soạn CTGDPT tổng thể, chương trình chi tiết môn học, hoạt động giáo dục hay tham gia các hội đồng thẩm định cần tích cực hóa hoạt động, tham gia sâu trong quá trình đào tạo sinh viên sư phạm mới có thể tải được mục tiêu giáo dục sinh viên đáp ứng CTGDPT mới hiện nay.

“CTGDPT mới do Bộ GD&ĐT ban hành sẽ được thực hiện từ năm học 2020. Đây có thể nói là cột mốc đáng nhớ không chỉ về thời điểm mà cả sự chuẩn bị mang tính bài bản ít nhất trong 3 năm qua – tính theo trọng điểm của việc chuẩn bị...”.
                                                                    PGS.TS Huỳnh Văn Sơn 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.