Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký: Người thầy truyền cảm hứng cho bao thế hệ học trò

GD&TĐ - Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, người thầy truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ học sinh vừa qua đời tại nhà riêng ở TP Thủ Đức (TPHCM).

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, người viết chữ bằng chân.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, người viết chữ bằng chân.

Sự ra đi của thầy đã để lại biết bao niềm tiếc thương sâu sắc đối với gia đình cũng như các thế hệ học trò, bạn bè, đồng nghiệp.

Người truyền cảm hứng

“Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký là một tấm gương sáng ngời về nghị lực vượt lên số phận. Thầy đã chứng minh cho mọi người thấy một người tật nguyền vẫn có thể trở thành người có ích cho xã hội. Tên tuổi thầy đã được mọi người biết đến với lòng trân trọng, ngưỡng mộ, cảm phục. Tôi tin rằng, cái tên Nguyễn Ngọc Ký sẽ còn in sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam hôm nay và cả mai sau”. - Anh Nguyễn Ngọc Lâm

Thầy Nguyễn Ngọc Ký sinh năm 1947 tại tỉnh Nam Định. Năm lên 4, một cơn bạo bệnh bất ngờ khiến thầy bị liệt cả hai tay, mãi mãi không cầm được bút. Tưởng rằng, cuộc đời đã bị “đóng đinh” vào số phận tật nguyền, vậy mà, bằng nghị lực phi thường, quyết không đầu hàng số phận, Nguyễn Ngọc Ký đã luyện đôi bàn chân để sinh hoạt như người bình thường và theo đuổi sự học.

Năm lên 7 tuổi, cậu bé Ký lân la đến trường, đứng ngoài nghe cô giáo giảng bài, xem các bạn học. Về nhà, cậu bắt đầu tập viết bằng chân. Thời gian đầu việc tập viết với Ký quả như cực hình. Dần dần Ký viết được chữ O, chữ V... Ký còn vẽ được hình bằng thước và com-pa, làm được lồng chim để chơi...

Nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 1963, Nguyễn Ngọc Ký được tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Nam Định) cử đi dự kỳ thi học sinh giỏi Toán toàn quốc. Kỳ thi này, Nguyễn Ngọc Ký đạt hạng 5 và được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng huy hiệu. Từ năm 1966 đến 1970, thầy Ký theo học Ngữ văn tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau tốt nghiệp, thầy Ký về quê làm giáo viên, sau đó được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Năm 1994, thầy Nguyễn Ngọc Ký chuyển công tác từ Nam Định vào TPHCM sinh sống và chữa bệnh.

Không chỉ dạy học, thầy Ký còn viết văn. Cả cuộc đời, thầy cho ra mắt hơn 30 tác phẩm văn học, trong đó nổi bật nhất là tập truyện kí viết bằng chân đầu tiên với tựa đề Những năm tháng không quên (sau đổi là Tôi đi học và đã được tái bản nhiều lần). Tuổi trẻ nhiều thế hệ cũng đã từng biết và ngưỡng mộ thầy Ký qua những bài đọc trong sách giáo khoa như: Em Ký đi học (sách Tập đọc lớp 3 từ 1964 - 1983), Anh Ký đi học (sách Kể chuyện lớp 4 từ 1983 - 2000), Bàn chân kỳ diệu (sách Tiếng Việt lớp 4 từ 2000 đến nay).

Năm 2005, thầy Ký về hưu, vừa sáng tác văn học cho thiếu nhi, vừa làm tư vấn Tâm lý giáo dục qua tổng đài 1088 của TPHCM. Những năm cuối đời dù phải chống chọi với bệnh suy thận, song thầy vẫn cống hiến không ngừng nghỉ. Không chỉ viết văn, thầy còn tham gia các buổi giao lưu giáo dục lẽ sống và bồi dưỡng lòng ham học cho nhiều thế hệ trẻ. Tính cho đến lúc rời cõi tạm, thầy Ký đã có hơn 1.500 buổi trò chuyện truyền cảm hứng với học sinh trên khắp cả nước.

Cán bộ, giáo viên Trường THCS Thông Tây Hội (quận Gò Vấp, TPHCM) đến viếng thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký.

Cán bộ, giáo viên Trường THCS Thông Tây Hội (quận Gò Vấp, TPHCM) đến viếng thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký.

Xúc động với người thầy “bước ra từ trang sách”

Cuộc đời đầy nghị lực của nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký đã truyền cảm hứng phấn đấu cho biết bao thế hệ học trò. Giờ đây, sự ra đi của thầy đã để lại niềm tiếc thương sâu sắc, vô hạn với gia đình cùng nhiều thế hệ học sinh, bạn bè, anh em, đồng nghiệp và kể cả những người chưa từng một lần gặp mặt.

Ông Đinh Huy Vũ hiện đang sống tại Hà Nội vô cùng thương tiếc khi biết tin thầy Nguyễn Ngọc Ký vừa qua đời. Ông Vũ bồi hồi nhớ lại: “Tôi học lớp 6 tại Trường cấp II Quang Trung (TP Nam Định). Năm học 1960 - 1961 bạn Ký có lên thăm trường và giao lưu. Nhà trường đặt cái bàn giữa sân để bạn Ký ngồi viết bằng chân. Chữ viết rất đẹp, tất cả chúng tôi vây quanh trầm trồ khen ngợi”.

Còn ông Nguyễn Thế Điệp (TP Hải Phòng) xúc động cho hay: “Lứa chúng tôi sinh ra trong kháng chiến chống Pháp, lớn lên và trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Tuy không cùng quê và cũng chưa từng một lần gặp mặt nhưng chúng tôi biết đến tấm gương vượt khó của bạn Ký, do được nhà trường tổ chức giới thiệu đến học sinh các cấp học tập từ những năm tháng học phổ thông. Thời điểm đó bạn Ký thực sự là một trong những tấm gương sáng về nghị lực sống và học tập để tôi và các bạn cùng trang lứa noi theo”.

Đến viếng và chia buồn cùng gia đình thầy Nguyễn Ngọc Ký, chị Bùi Thị Liên, nhân viên hành chính, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (quận Gò Vấp) không giấu được cảm xúc khi biết tin người thầy mà mình ngưỡng mộ đã ra đi mãi mãi.

“Tôi ở tỉnh Thái Bình, giáp với quê hương thầy Ký. Hồi còn đi học tôi và các bạn đã biết đến thầy Ký qua từng trang sách và bài giảng của thầy cô. Những tưởng sẽ không bao giờ có cơ hội gặp mặt trực tiếp, thế nhưng năm 1997 tôi được gặp thầy về nói chuyện tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi nơi tôi công tác. Tôi bất ngờ lắm, cảm xúc thực sự khó tả, bởi bản thân chưa bao giờ nghĩ sẽ gặp trực tiếp thầy. Sau lần đó, thầy thường xuyên về trường để thuyết trình. Học sinh và thầy, cô giáo trong trường ai cũng yêu quý thầy”.

Nhìn thầy Ký để vượt qua số phận

Bàng hoàng và đau xót khi biết tin thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký qua đời, đó là tâm trạng của anh Nguyễn Ngọc Lâm (sinh năm 1985), giáo viên tại Trường Làng May Mắn thuộc Trung tâm Bảo trợ Nhà May Mắn (quận Tân Bình). Anh Lâm chia sẻ bản thân biết đến thầy Ký khi còn học cấp 1, lúc đó anh đang là người lành lặn, khi nghe thầy cô giới thiệu và đọc qua từng trang sách, thầy Ký luôn là một tấm gương để cho anh và học sinh nhiều thế hệ học hỏi, noi theo.

Năm 2004, khi đang là sinh viên năm thứ nhất của Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Phước, anh Lâm không may bị tai nạn với tỉ lệ thương tật 97%. Tai nạn tưởng chừng như khiến anh phải đặt dấu chấm hết cho bao hoài bão, ước mơ, khát khao ấp ủ của tuổi trẻ. Nhưng lúc đó, anh Lâm đã nghĩ về tấm gương vượt lên hoàn cảnh của thầy Ký, để được tiếp thêm động lực cố gắng mỗi ngày để vươn lên.

“Thầy Ký thực sự là nguồn động lực lớn cho tôi và nhiều người khác vươn lên trong cuộc sống. Bản thân chưa có dịp gặp thầy nhưng thầy đã đem lại nguồn cảm hứng nghị lực sống cho tôi và rất nhiều người. Những năm tháng sau tai nạn nằm liệt một chỗ, tôi đã lấy những hình ảnh, bài học và nghị lực sống của thầy Ký để cố gắng vươn lên, để trở thành một người thầy giáo dạy tin học như ngày hôm nay.

Năm 2020, tôi đã xin được địa chỉ và dự định đến thăm thầy nhưng sau đó do dịch bệnh Covid-19, rồi tôi cũng phải đi viện phẫu thuật, giờ đây không còn cơ hội nữa. Thực sự tôi rất buồn và thương tiếc trước sự ra đi của thầy”, anh Lâm tâm sự.

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đột ngột qua đời rạng sáng 28/9/2022, hưởng thọ 76 tuổi. Tang lễ được cử hành tại tư gia số 12 đường 623D khu dân cư Nam Long, phường Phước Long, thành phố Thủ Đức.

Lễ nhập quan diễn ra lúc 8 giờ sáng 28/9, lễ động quan được tổ chức lúc 14 giờ cùng ngày. Sau đó, linh cữu cố Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký được đưa đi hỏa táng tại Phước Lạc Viên thuộc TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Năm 2005, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã tặng ông danh hiệu: “Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết”. Cuộc đời và quá trình luyện viết của ông đã vào những trang sách giáo khoa. Ông cũng được mời đi giao lưu, giáo dục lẽ sống và bồi dưỡng lòng ham học cho nhiều thế hệ trẻ trong cả nước.

Mặc dù phải chống chọi với bệnh suy thận, tuần 3 lần chạy thận nhân tạo, song với nghị lực và quyết tâm phi thường, ông vẫn miệt mài đi giao lưu với học sinh, vừa tiếp khách tư vấn tâm lí qua Tổng đài 1088.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.