Thầy Nguyễn Ngọc Ký: “Cuộc đời của tôi là cuộc hành trình của những giấc mơ”

Xen giữa 2 buổi chạy thận tại Hà Nội, người thầy giáo “đặc biệt” này đã có buổi giao lưu, truyền lửa đến với thế hệ thanh thiếu niên thủ đô, đặc biệt những em nhỏ khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn…càng thấm hơn những chia sẻ về nghị lực vươn tới ước mơ của thầy Ký.

Thầy Nguyễn Ngọc Ký: “Cuộc đời của tôi là cuộc hành trình của những giấc mơ”

Vượt lên nỗi đau của bệnh tật

Thanh thiếu niên Hà Nội đã có dịp được gặp gỡ giao lưu với nhà văn, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký- người Việt Nam viết văn, viết chữ bằng chân nhưng lại thành công rực rỡ trong sự nghiệp trồng người và sáng tác của mình. Đây là buổi giao lưu thứ 1.493 của thầy Nguyễn Ngọc Ký với thanh thiếu niên.

Nhà văn, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký sinh năm 1947 tại Nam Định. Từ năm lên 4 tuổi, ông bị bại liệt cả 2 tay, năm lên 7 tuổi ông đi học dùng chân để viết chữ.

Từ những nghị lực phi thường của bản thân ông đã trở thành nhà văn, nhà giáo ưu tú, nhà tư vấn tâm lý và giáo dục, diễn thuyết tại khắp nơi trên cả nước.

“Khi các bạn đi học biết viết, mình chỉ ngồi trơ, tự dưng nước mắt cứ trào ra rồi tìm cách tập viết. Ban đầu tôi tập viết bằng miệng, nhưng rồi khi chữ chưa hiện ra thì nước mắt, nước mũi đã trào ra, không thể viết được. 

Tiếp tục khắc phục tìm cách khác có thể viết được chữ, tôi dùng đến đôi chân của mình, nhờ người bạn làm cho cây bút chì vuông cho đỡ trơn, rồi cứ thế tập viết…” - Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký chia sẻ.

Năm 1966, ông nhận được giấy báo nhập học ngành Ngữ Văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong 4 năm học Đại học, dù bệnh tật luôn đe dọa tính mạng, song Nguyễn Ngọc Ký vẫn miệt mài đèn sách.

Ông quan niệm: “Xa trường, xa lớp nhưng không xa sách vở”. Năm 1970, ông bảo vệ thành công Luận văn Tốt nghiệp và cho ra đời tập truyện ký viết bằng chân đầu tiên với nhan đề: “Những năm tháng không quên” (sau đổi là “Tôi đi học”, sách được tái bản nhiều lần).

Những chia sẻ thú vị từ người thầy đặc biệt

Dành nhiều thời gian nói chuyện với các em thanh thiếu niên, nhà văn cũng đưa ra nhiều lời khuyên, lời dặn dò để giúp các em có thể thành công trên đường đời của mình. Đó chính là những kinh nghiệm mà thầy giáo Ký đã rút ra từ chính gần 70 năm cuộc sống của mình.

Thầy giáo gửi tới các các em phải luôn ghi nhớ 8 chữ “Luôn” song hành trong mọi nẻo đường của mình đó là: Luôn khát vọng và đam mê, luôn chăm chỉ, lắng nghe và học tập, luôn kiên nhẫn vượt lên mọi hoàn cảnh, luôn sáng tạo, luôn coi trọng chữ tự (tự lập, tự trọng), luôn nề nếp chuẩn mực, luôn tận dụng thời gian, thời cơ và sự giúp đỡ từ mọi người, luôn biết lễ, biết điều, biết tôn trọng…

Song hành cùng 8 chữ “luôn” là 6 cặp chữ “M”, luôn vận dụng và sáng tạo, từ đó mà đem đến những thành công nhất định, vượt qua được nỗi đau của số phận như ông. 6 cặp chữ M mà ông nhắc tới đó là: Mơ mộng, miệt mài, mưu mẹo (ý là sự sáng tạo, kế sách hay, dùng trí tuệ), mạnh mẽ, mềm mại, và may mắn…

Tại buổi giao lưu, nhiều bạn nhỏ đã đặt câu hỏi của mình cho thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký như: Thầy giáo không viết bằng tay được thì dạy học thế nào?!, thầy Ký có bao giờ buồn?! 

Bạn học sinh nào làm thầy vui nhất… đều được nhà giáo chia sẻ với các bạn nhỏ. Đặc biệt là những kỷ niệm về thời đi học, những khi bị ốm đau, bệnh tật và cách vượt qua khó khăn… đều được thầy giáo nhắc đến. Chính điều này càng làm cho các bạn trẻ thủ đô thêm khâm phục ý chí vươn tới ước mơ của Nguyễn Ngọc Ký.

Được biết, từ 4 năm nay (kể từ năm 2011) thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký phải chạy thận 3 lần/tuần. Nhưng người thầy giáo viết bằng chân này vẫn luôn truyền lửa tới các thế hệ thanh thiếu niên qua những sáng tác, các buổi diễn thuyết và hoạt động tư vấn tâm lý qua tổng đài 1080. Cho đến nay, ông đã có tới 32 cuốn sách được xuất bản.

Thầy Nguyễn Ngọc Ký sinh ngày 28/6/1947 tại Hải Hậu, Nam Định. Từ năm lên 4 tuổi ông bị bại liệt cả 2 tay. Năm lên 7 tuổi, ông đi học và viết bằng chân. 

Năm 1992 được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Ông là người 2 lần được Bác Hồ thưởng huy hiệu vì thành tích vượt khó học giỏi, đươc cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khen ngợi là tấm gương vượt khó tuyệt vời. Năm 2005 ông được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam tặng danh hiệu “Người thầy đầu tiên dùng chân để viết”.

Chùm ảnh buổi giao lưu sáng 12.7:

Căn phòng giao lưu trở nên "bé nhỏ" hơn rất nhiều với số lượng người tham gia.
Căn phòng giao lưu trở nên "bé nhỏ" hơn rất nhiều với số lượng người tham gia.
Các em nhỏ rất hứng thú với các câu hỏi và sách do thầy giáo viết bằng chân Nguyễn Ngọc Ký viết ra
Các em nhỏ rất hứng thú với các câu hỏi và sách do thầy giáo viết bằng chân Nguyễn Ngọc Ký viết ra
Một số em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn còn được nhận những phần quà từ Nhà sách Tân Việt
Một số em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn còn được nhận những phần quà từ Nhà sách Tân Việt
Theo laodong.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ