(GD&TĐ) - Giọng nói nhỏ nhẹ, phong thái điềm tĩnh, mới gặp qua ít ai biết ông là một giáo sư đầu ngành về hóa hữu cơ của Việt Nam. Hơn 60 năm nghiên cứu và sáng tạo, ông đã làm chủ nhiệm 6 đề tài cấp Nhà nước và 5 dự án. Trong đó, phải kể đến một công trình đặc biệt có ý nghĩa lịch sử là chế tạo keo kết cấu Epoxy để dán đá hoa cương vào Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vừa qua, ông được phong tặng danh hiệu Công dân ưu tú của Thủ đô năm 2011…
Tuổi thơ cày ruộng
Anh hùng lao động - Nhà giáo nhân dân Trần Vĩnh Diệu sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo hiếu học của Hà Tĩnh, cha ông theo kháng chiến biền biệt bỏ lại 5 đứa con cho người vợ, vốn là một cô giáo người Hà Nội chỉ quen với phồn hoa, đô hội. Dù gia cảnh rất nghèo nhưng tất cả năm chị em của ông đều được học hành đến nơi đến chốn. Ít có người nào như mẹ ông, dám từ bỏ công việc nhàn hạ, cuộc sống đủ đầy, đi theo tiếng gọi của tình yêu. Để rồi phải bắt đầu những tháng ngày đằng đẵng chờ chồng, nuôi con. Là con trai cả trong gia đình, sinh ra ở vùng quê nghèo quanh năm chỉ trông vào cây lúa nên tuổi thơ của ông là những ngày đông giá rét cặm cụi nơi đồng xa để cày thuê lấy tiền giúp mẹ nuôi em. Mặc dù chỉ nặng 35 kg, vác cày còn chạm đất nhưng cậu bé Diệu dám nhận cày ở đám ruộng vừa sâu vừa rộng đến một mẫu rưỡi. Tuổi thơ của vị giáo sư đầu ngành hóa học còn là những giọt nước mắt, khi mất cả ngày trời ngồi nấu kẹo lạc mà không bán nổi vài xu. Những lúc như vậy, các em ông rất thích, tranh nhau ăn, còn ông và chị của mình ngồi nhìn mà hai hàng nước mắt ứa ra. Khổ là vậy nhưng ông luôn có ý thức vươn lên trong việc học, biết nhà nghèo đèn dầu chỉ để thắp một lúc buổi tối nên những lúc đi làm thêm, ông thường mang theo sách để học giữa các giờ nghỉ. Nhờ có người mẹ là giáo viên rèn giũa nên ông viết chữ rất đẹp, và cũng nhờ chữ đẹp mà ông luôn được thuê viết khẩu hiệu. Ông kể mỗi lần đi viết khẩu hiệu ông luôn xin những mảnh giấy bỏ đi về đóng thành tập nháp dạy các em học.
GS Trần Vĩnh Diệu |
Năm 1945, học đến cấp 2 thì việc học của ông bị ngắt quãng. Cha ông lúc đó về tiếp quản sở Hỏa xa Hà Nội nên quyết định đón mẹ con ông ra Bắc để đoàn tụ. Cuộc sống nơi thị thành kéo dài được 1 năm thì sự kiện toàn quốc kháng chiến nổ ra, mẹ con ông lại dắt díu nhau về Hà Tĩnh. Mấy mẹ con với chiếc máy khâu, tiếp tục mưu sinh.
Năm 1950 ông vào học trường thiếu sinh quân dành cho con em cán bộ cách mạng, đóng ngay tại Hà Tĩnh. Học hết phổ thông hệ 9 năm ông thi đỗ vào trường Bách khoa. Ông kể, hồi đi học phổ thông ông luôn mong ước sau này sẽ học khoa Vật lý của trường Tổng hợp hoặc Sư phạm nhưng cuộc đời ông lại rẽ sang ngả khác, khi ông đỗ Bách khoa và vào học ngành hóa hữu cơ. Ông luôn bảo với ông đó là nghề chọn người chứ không phải là người chọn nghề nữa.
Trở thành nhà khoa học đầu ngành hóa hữu cơ
Sau 3 năm, ông được chọn cùng 14 người khác sang Liên Xô học chuyển tiếp. Những ngày đầu sang học, vốn tiếng Nga ít ỏi được học ở nhà không đủ để ông nghe giảng và giao tiếp cùng bạn bè. Sáng cắp sách đến lớp nghe thầy giảng mà không hiểu thầy nói gì, chán nản, có lúc ông đã có ý nghĩ quay về. Nhưng ý chí và hình ảnh người mẹ hy sinh cả tuổi xuân cho gia đình đã giúp ông nỗ lực tìm ra cách học để theo kịp chương trình
Những lúc rảnh rỗi, ông đi thăm các bảo tàng- một thói quen mà đến tận bây giờ ông vẫn duy trì. Đi bất cứ một nước nào, dù bận nhưng ông vẫn phải cố gắng bớt chút thời gian đi thăm bảo tàng. Ông bảo, “muốn tìm hiểu về một nền văn hóa của một nước, tốt nhất bạn nên đến tham quan những bảo tàng lớn của họ”. Ông còn thích đi xem kịch, đặc biệt là múa ballet gần như tuần nào ông cũng đi xem.
Năm 1962, ông tốt nghiệp bằng đỏ và tạm biệt nước Nga với những người thầy đáng kính, về nước tham gia giảng dạy tại trường ĐH Bách khoa. Ông đem hết nhiệt huyết của mình truyền dạy cho học trò, không ít người sau này trở thành đồng nghiệp sát cánh cùng ông nghiên cứu nhiều công trình khoa học. Đồng thời trong những năm đầu giảng dạy tại trường, ông cũng bộc lộ rõ rệt khả năng và thiên hướng nghiên cứu khoa học. Đó là điều kiện giúp ông quay lại nước Nga để tiếp tục việc học tập ở trường hóa kỹ thuật Mendeleep Matxcơva.
Khác với lần học trước, ông gánh trên vai một nhiệm vụ quan trọng là làm sao học tập và nghiên cứu bằng được cơ chế phản ứng của các polymer trên cơ sở laccol từ sơn Việt Nam. Với ông đó là những tháng ngày vắt kiệt sức cho việc học, một ngày học và xuống xưởng thực hành đến 18 tiếng. Năm 1969, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ và nghiên cứu của ông được ứng dụng trong cuộc sống, góp phần không nhỏ cho sự phát triển của ngành công nghiệp vật liệu hiện đại nước nhà. Ông lại trở về trường Đại học Bách khoa tiếp tục giảng dạy và vận dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế với chức danh chủ nhiệm bộ môn trong 8 năm liền. Năm 1978, ông trở lại trường kỹ thuật Mendeleep Matxcơva làm luận án tiến sĩ khoa học.
Công trình khoa học đầu tiên ông đem ứng dụng tại đất nước mình là công trình gắn đá hoa cương tại Lăng Bác Hồ với diện tích vài chục mét vuông, được ghép từ trên 4.000 mảnh đá. Ông tâm sự: “Nghe tin được cấp trên giao cho nhiệm vụ chế tạo chất để gắn những viên đá hoa cương ở Lăng Bác, vợ tôi đã reo lên sung sướng vì bà ấy cũng là một nhà khoa học. Còn tôi thì thấy đó mới đúng chuyên môn của mình… Hai vợ chồng ngày ngày người vào xưởng làm thí nghiệm người ngồi tra cứu trên sách vở của nước ngoài một tháng sau thì tôi báo cáo công trình tại hội đồng khoa học và được chấp thuận” … Và gần 40 năm qua, công trình này vẫn vẹn nguyên chưa một lần phải sửa chữa.
Năm 1987 ông thành lập trung tâm nghiên cứu vật liệu polymer và rất nhiều những công trình của ông và đồng nghiệp được ứng dụng trong đời sống.
Phút thư giãn |
Những giải thưởng cao quý
Ông không chỉ là nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng mà còn là một người thầy hết lòng vì học sinh. Ông luôn đặt ra 3 tiêu chí theo thứ tự quan trọng để các em say mê và gắn bó được với nghề: kỹ năng làm việc, tinh thần trách nhiệm và trình độ. Hàng trăm sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh được ông hướng dẫn làm đồ án tốt nghiệp ĐH, bảo vệ thành công luận án thạc sĩ, tiến sĩ. Ông bảo với sinh viên: người thầy không chỉ là người truyền dạy kiến thức mà còn phải là người bạn lớn. Mỗi thời một khác không thể áp dụng cứng rắn mọi cái của thế hệ đi trước được. Ông đã xuất bản 5 cuốn sách chuyên ngành cho ĐH và sau ĐH; đồng thời, luôn sẵn sàng hướng dẫn các đơn vị giải quyết những vướng mắc trong quá trình nghiên cứu.
Với những đóng góp của mình, Giáo sư Trần Vĩnh Diệu đã được Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu, giải thưởng cao quý: Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và danh hiệu Nhà giáo nhân dân; giải Nhất VIFOTEC (1995); giải thưởng Sáng tạo khoa học - công nghệ do Hội Kỹ sư châu Á tặng (1996).
Trong những thành công đó luôn có bóng dáng người vợ đã khuất của GS Trần Vĩnh Diệu. Bà không chỉ là người vợ mà còn là một người bạn, người đồng nghiệp luôn tận tụy, hết lòng với chồng, với nghề. Bà vốn là nhà khoa học được đào tạo tại Rumani, hai người gặp nhau khi cả hai cùng tham gia nghiên cứu một công trình. Họ đã tìm thấy ở nhau những đồng cảm trong tư duy, sáng tạo để bổ trợ cho nhau cùng nhau cho ra đời những công trình có tính ứng dụng cao.
Gặp ông cứ ngỡ ông khô cứng như đánh giá mặc định của người đời đối với các nhà khoa học, nhưng hoàn toàn ngược lại ông sôi nổi và rất nghệ sĩ. Bằng chứng là ngoài thói quen xem kịch, nghe hát đi thăm bảo tàng có từ ngày còn trẻ, ông còn biết chơi đàn. Trong phòng ông luôn có một cây đàn mandolin treo trên tường. Ông bảo bao năm qua, mỗi khi làm việc căng thẳng ông lại chơi đàn cho khuây khỏa và tiếng đàn giúp ông nuôi dưỡng những ý tưởng khoa học.
Hà An