Nhà giáo dạy học mùa dịch: Khó khăn đan xen áp lực

GD&TĐ - Dịch bệnh không thể dạy học trực tiếp, các nhà trường, thầy cô không quản ngại khó khăn để giúp học sinh duy trì việc học với học trực tuyến, học qua truyền hình, thậm chí đến tận nhà trò giao bài tập...

 Giáo viên Trường Tiểu học Lê Lợi, xã Cư Huê, huyện EaKar, Đắk Lắk phát phiếu học tập và hướng dẫn học sinh làm bài. Ảnh: NTCC
Giáo viên Trường Tiểu học Lê Lợi, xã Cư Huê, huyện EaKar, Đắk Lắk phát phiếu học tập và hướng dẫn học sinh làm bài. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, rất nhiều áp lực bủa vây giáo viên khi triển khai những phương thức dạy học “phi truyền thống” này.

Trèo đèo, lội suối duy trì việc học

Nằm trên địa bàn khó khăn của Nghệ An, điều kiện không thuận lợi như vùng đồng bằng, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Kỳ Sơn vẫn triển khai dạy học trực tuyến với những học sinh có máy tính, điện thoại kết nối mạng. Học sinh không thể tham gia học trực tuyến, thầy cô không quản đường sá xa xôi, trực tiếp đi vào từng xã, bản để giao bài và giảng cho các em.

Thầy Hiệu trưởng Đinh Tiến Hoàng cho biết: Học sinh của trường ở tất cả các xã của huyện Kỳ Sơn. Địa bàn rộng nên giáo viên phải chia nhau đến gặp gỡ các em. Có những bản chỉ có một học sinh, giáo viên cũng phải trực tiếp đến nhà. Chưa kể học sinh về nhà 3 tháng hè, sách vở để lại trường, kiến thức hầu như đã mòn cạn, giáo viên phải kiên nhẫn giảng giải, bổ sung vở bút cho các em trong thời gian chưa đến trường. Những ngày mưa gió, đường trơn, đèo dốc rất khó khăn trong việc đi lại. Ngoài ra, nhà trường còn nhờ sự hỗ trợ của những giáo viên trường bạn phụ trách các xã để giúp đỡ học trò.

Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Kỳ Sơn chia sẻ câu chuyện thầy giáo Trần Võ Lam đã cùng cô Phan Thị Hạnh đi vào xã Mường Típ để tìm học sinh Moong Thị Thơm vào những ngày mưa gió.

Đường lầy lội, bùn quấn chặt bánh xe, tiến không được lùi không xong, thầy cô đi dạy mà tưởng đi “lao động khổ sai”: Chân đi ủng, quần áo bẩn, ướt, tay cầm sẵn cành cây gỡ bùn… Hay thầy Trần Đức Khiêm, thầy Lô Văn Hùng đi vào bản của xã Đoọc Mạy, xã Keng Đu, để đến nhà em Lỳ Y Hương, Lương Thị Thanh. Đường hiểm trở, thầy cô phải bỏ xe ở trung tâm, cuốc bộ hàng tiếng đồng hồ mới đến nhà; sau đó lại phải lên rẫy tìm học sinh vì nghỉ hè các em phụ giúp cha mẹ công việc trước khi quay trở lại trường.

Là giáo viên chủ nhiệm lớp 7C, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Kỳ Sơn, cô Vi Thị Hằng cho biết: Lớp có 35 học sinh thì 25 em không có điều kiện học trực tuyến. Học sinh xa nhất cách trường 70km; thậm chí có những bản không đi được bằng xe máy, các em phải đi bộ xuống trung tâm xã rồi bắt xe đến trường. Trong điều kiện dịch bệnh, học sinh không thể đến trường, giáo viên chủ nhiệm phải luôn giữ liên lạc với tất cả các em qua điện thoại với phụ huynh. Một số gia đình không có điện thoại, giáo viên lại tận dụng mọi mối quen biết để có thể biết thêm về tình hình của học sinh…

Trường Tiểu học Lê Lợi, xã Cư Huê, huyện EaKar, Đắk Lắk cũng có khó khăn tương tự. Nằm trên địa bàn buôn M’Hăng, buôn đặc biệt khó khăn của xã Cư Huê, nhà trường quản lý học sinh của 11 thôn buôn, trong đó có 7 buôn đồng bào dân tộc. Có những buôn cách trường 6 - 7km, nhiều em ở trong rẫy cách trường từ 8 - 10km, đường đi lại rất khó khăn. Năm học 2021 - 2022, trường có 672 học sinh, trong đó số học sinh là người đồng bào dân tộc là 467 em, chiếm gần 70%.

Theo cô Lương Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi, với học sinh có đủ điều kiện học trực tuyến, nhà trường hướng dẫn phụ huynh cài đặt phần mềm trên máy tính, điện thoại; hướng dẫn sử dụng, thông báo lịch học, và chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng phối hợp cùng giáo viên; Đồng thời, tăng cường tổ chức giao bài cho các em qua nhóm Zalo, Facebook, email.

Với học sinh khó khăn, giáo viên liên hệ với các bạn gần nhà có điều kiện học trực tuyến cho các em học cùng; hướng dẫn tự học bài trong sách giáo khoa, phát phiếu tự học tại nhà thông qua phụ huynh, nhờ giúp đỡ, hỗ trợ cùng. Tuyên truyền cho phụ huynh lịch phát sóng trên truyền hình, phối hợp hướng dẫn các em chủ động học tập ở nhà…

Khi giao bài cho học sinh không có điều kiện học trực tuyến, một số ít phụ huynh không đến trường để nhận bài, phụ huynh không biết chữ để hỗ trợ con, giáo viên phải đến tận nhà giao bài, hướng dẫn cho các em học. Đặc biệt có những học sinh lớp 1 hoàn cảnh rất khó khăn, không được học mẫu giáo, giáo viên chủ nhiệm phải kèm thêm cho các em ở trường hoặc ở nhà.

Chương trình thích ứng cho sinh viên năm nhất theo hình thức trực tuyến của Trường ĐHSP Đà Nẵng. Ảnh: NTCC
 Chương trình thích ứng cho sinh viên năm nhất theo hình thức trực tuyến của Trường ĐHSP Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Nỗ lực thích ứng với dạy  học trực tuyến

Thích ứng với dạy học trực tuyến đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ của giáo viên, kể cả ở vùng khó khăn hay thuận lợi. Với kinh nghiệm hơn 20 năm dạy học, bài giảng cho mỗi tiết học gần như thuộc lòng, nhưng cô Ngô Lan Anh, Trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội), tâm sự gần như không thể vận dụng cho cách dạy online.

“Tôi phải soạn lại theo nhiều phương pháp để có thể phù hợp với tình hình mới, rồi chọn cách dạy sao cho học sinh dễ hiểu nhất”, cô Ngô Lan Anh nói và cho biết mình và các đồng nghiệp đã phải liên tục vào các nhóm dạy trên Facebook về công nghệ 4.0… để học hỏi kinh nghiệm.

Tuy không phải đến trường nhưng vất vả hơn gấp 2 - 3 lần. Mỗi bài dạy đều mới từ giáo án đến phương pháp truyền đạt, cách thức kiểm tra học sinh. Có lần giáo viên gọi 3 - 4 lần không thấy các em phản hồi, hết giờ thấy học sinh nhắn xin lỗi cô vì… ngủ quên lúc nào không biết. Việc các em cứ bật mic lên tương tác là bị văng ra khỏi lớp cũng xảy ra như cơm bữa…

“Tôi và các đồng nghiệp, học sinh luôn động viên nhau, mong một ngày không xa được trở lại sự bình yên như ngày nào. Nhưng trước mắt, chúng tôi luôn tâm niệm ở nhà dạy học là yêu nước, góp phần chống dịch hiệu quả. Tôi rất mong được tập huấn những khoá học online về dạy học trực tuyến để bài giảng tốt hơn và các em tiếp cận bài giảng không kém nhiều so với học trực tiếp” - cô Lan Anh mong mỏi.

Cũng công tác tại Trường THPT Trần Phú, sau gần 2 năm dạy học trực tuyến, cô Nguyễn Thị Yến cho biết khi triển khai giáo viên phải đối mặt với rất nhiều khó khăn: Đường truyền   Internet, thiết bị giảng dạy; hạn chế kỹ năng công nghệ thông tin; điều kiện kinh tế bởi dạy học trực tuyến giáo viên phải có thiết bị, cũng như không gian biệt lập, yên tĩnh để giảng dạy. Dạy online, giáo viên còn phải thiết kế lại toàn bộ giáo án, mất rất nhiều thời gian, công sức. Một giờ dạy của giáo viên có thể có thêm cả gia đình học sinh… dự giờ; điều đó thực sự gây căng thẳng cho người dạy; giáo viên cần chỉn chu từ ngoại hình đến lời ăn tiếng nói khi dạy học.

Thời gian qua, Trường THPT Võ Thị Sáu (TP Châu Đốc, An Giang), đã triển khai dạy học trực tuyến đạt hiệu quả nhất định. Nhưng theo Hiệu trưởng Trương Thị Nguyện, giai đoạn đầu triển khai hình thức dạy học này có nhiều vất vả, áp lực. Giáo viên phải đổi mới việc chuẩn bị bài sao cho sinh động, phù hợp với điều kiện thực tế và học sinh. Dạy học trực tuyến đòi hỏi giáo viên bỏ nhiều thời gian, công sức đầu tư bài, soạn giáo án đa dạng, tìm thêm tài liệu bằng nhiều kênh, chèn hình ảnh, clip minh họa cho bài giảng...

Trong khi đó, không phải thầy cô nào cũng am hiểu công nghệ thông tin (CNTT), sử dụng thành thạo các phần mềm dạy học, có khả năng soạn giáo án điện tử hấp dẫn. Trước mỗi buổi học là hàng loạt thao tác không tên, như đăng nhập vào phòng học, kiểm duyệt học sinh, điểm danh, nhắc nhở bật camera, bật mic…, nhưng đến giờ cao điểm vẫn gặp tình trạng “mạng quay vòng vòng”. Chưa kể một số HS nghèo, khó khăn chưa có điều kiện trang bị thiết bị học trực tuyến phải học nhờ bạn và người thân rất bất cập…

BGH Trường Tiểu học Lê Lợi cùng giáo viên đến nhà học sinh tuyên truyền, vận động. Ảnh: NTCC
BGH Trường Tiểu học Lê Lợi cùng giáo viên đến nhà học sinh tuyên truyền, vận động. Ảnh: NTCC

Cần tâm thế sẵn sàng và quyết tâm thay đổi

TS Nguyễn Thị Trâm Anh, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường ĐHSP, ĐH Đà Nẵng chia sẻ: Chuyển sang dạy học trực tuyến, ban đầu thực sự rất áp lực đối với giảng viên. Áp lực sử dụng thành thạo phần mềm, các phương tiện truyền thông, bài giảng điện tử. Áp lực khi phải nói một mình thông qua camera trên máy tính với sự xuất hiện hình ảnh của bản thân trong bối cảnh không gian gia đình với các yếu tố nhiễu. Áp lực chuyển tải cảm xúc và nội dung dạy học. Áp lực sợ hãi khi không kiểm soát được hành vi, thái độ học tập của sinh viên…

“Để chuyển đổi sang dạy học trực tuyến, Trường ĐHSP Đà Nẵng đã nắm bắt khó khăn giảng viên, sinh viên phải đối diện để có hướng dẫn cụ thể và hỗ trợ kỹ thuật cho giảng viên thời gian đầu. Ngoài ra, trong quá trình dạy học online, tôi luôn chuẩn bị tâm thế tốt nhất, từ không gian bối cảnh nơi ngồi dạy học; bài giảng điện tử và các thao tác kỹ thuật bổ trợ để bảo đảm mình có thể làm chủ một cách   tốt nhất.

Đồng thời, tạo nhiều cơ hội tương tác với sinh viên để không có cảm giác mình đang một mình nói với cái máy. Luôn luôn cải tiến cách thức chuyển tải bài dạy sao cho hiệu quả mà có thể kiểm soát được sự tham dự của người học. Do đó, cho đến nay, tôi và các giảng viên Trường ĐHSP Đà Nẵng đã thích nghi với dạy học online, làm chủ được tình huống và kiểm soát được mức độ biểu cảm của cá nhân cũng như mức độ học tập của sinh viên” - TS Nguyễn Thị Trâm Anh cho hay.

TS Bùi Thị Thanh Hương, giảng viên Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cũng thừa nhận hàng loạt khó khăn giảng viên phải đối mặt khi bắt đầu tiếp cận với dạy học trực tuyến, như: Các thao tác tương tác trên platform, kỹ thuật sử dụng, phương pháp giảng dạy trực tuyến, kịch bản dạy trực tuyến và cả sức khỏe (rất mỏi mắt và nhiều lo lắng).

Để triển khai dạy học trực tuyến hiệu quả, TS Bùi Thị Thanh Hương cho rằng: Tâm thế sẵn sàng và nhiệt tình, quyết tâm thay đổi là điều quan trọng nhất. Cùng với đó là việc cấu trúc lại bài dạy với thời lượng phù hợp với dạy trực tuyến 20 - 35 phút. Cập nhật các kỹ thuật tương tác và khuyến khích học sinh tập trung vào giờ giảng trực tuyến. Xây dựng kịch bản dạy học trực tuyến phù hợp với đối tượng. Chú ý kết nối Internet và hướng dẫn người học kết nối, tương tác trên lớp học trực tuyến. Ưu tiên cho kiểm tra thường xuyên và để người học được thuyết trình và tương tác chủ động.

“Trường ĐH Giáo dục triển khai dạy học trực tuyến từ năm 2019, giảng viên đã quen với giảng dạy trực tuyến: Học liệu số, flatform, cách tổ chức lớp học, kiểm tra đánh giá, quy định về dạy học trực tuyến nên thời điểm này giảng viên không gặp khó khăn. Cá nhân tôi thích dạy trực tuyến, vì đây là hình thức dạy học rất hiệu quả và tiết kiệm…” - TS Hương chia sẻ.

Cả lớp chỉ 10 HS có điều kiện học trực tuyến, nhưng giáo viên cũng rất vất vả. Lần đầu tiên trong đời các em học trên ứng dụng Zoom, bố mẹ hầu như không biết gì, chỉ có giáo viên hỗ trợ từ xa… Chưa kể mạng yếu, vất vả lắm mới vào được lớp, đến khi học lại bị thoát ra; có em một buổi học bị ra, vào như thế đến hơn 50 lần… - Cô Vi Thị Hằng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ