Nhà giáo dạy học mùa dịch: Thấu hiểu và sẻ chia

GD&TĐ - Dạy học online, giáo viên phải đối diện với nhiều áp lực.

Giáo viên luôn cần sự sẻ chia, thấu hiểu và đồng hành trong dạy - học online. Ảnh minh hoạ
Giáo viên luôn cần sự sẻ chia, thấu hiểu và đồng hành trong dạy - học online. Ảnh minh hoạ

Vì thế, nhà giáo rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, sẻ chia của đồng nghiệp và lãnh đạo nhà trường trong công việc; tương tác và tôn trọng của học sinh, phụ huynh trong mỗi giờ lên lớp.

Đồng hành cùng giáo viên

Là giáo viên Tin học của của Trường THCS Lập Thạch (Vĩnh Phúc), thầy Nguyễn Khải Hoàn được nhà trường giao phụ trách công nghệ thông tin và hỗ trợ đồng nghiệp về mặt công nghệ trong quá trình dạy – học trực tuyến. Từ 2 năm trước, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, thầy Hoàn chủ động tham khảo các hệ thống, nền tảng phục vụ cho việc dạy - học online.

Sau đó, tham mưu với lãnh đạo nhà trường, lựa chọn hình thức dạy học trên phần mềm Zoom, kết hợp với các thiết bị tin học, phần mềm quản lý lớp học để triển khai vào thực tiễn như: Kết hợp Zoom với Smartphone; webcame, camera, Zalo…Trên cơ sở đó, hướng dẫn và hỗ trợ giáo viên trong trường dạy học online hiệu quả.

Thầy Hoàn chia sẻ: Giáo viên và học sinh thường xuyên tương tác với nhau qua nhiều kênh. Sau tiết học, học sinh có thể xem lại bài học qua video giáo viên gửi, làm bài tập trên hệ thống K12online. Đến thời điểm này, 100% cán bộ giáo viên của Trường THCS Lập Thạch đã thành thạo sử dụng các hệ thống lớp học online với khả năng giảng dạy, quản lý lớp tốt, giờ dạy có hiệu quả. Quan trọng là thầy, cô không còn áp lực và lúng túng khi chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng dạy – học.

“May mắn, trong trường có nhiều thầy, cô thành thạo công nghệ nên tôi được đồng nghiệp chia sẻ, hỗ trợ nhiều trong quá trình thiết kế bài giảng” – cô Nga bộc bạch và cho biết: Nhà trường, tổ chuyên môn đã cử giáo viên am tường công nghệ luôn sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp mỗi khi gặp khó khăn. “Theo đó, mọi người cùng hỗ trợ lẫn nhau trong công việc. Nhờ đó mà tôi đã yên tâm phần nào mỗi khi vào lớp học Zoom” – cô Thanh Nga bộc bạch.

Nhận thức, việc dạy – học trực tuyến không thể bê nguyên xi giáo án của lớp học trực tiếp. Vì thế, cô Lưu Thị Thanh Nga – giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) luôn trăn trở, làm sao để có bài giảng sinh động nhất, hấp dẫn nhất với học sinh qua những tiết học Zoom. Tuy nhiên, vì không giỏi công nghệ nên cô luôn cảm thấy áp lực. Bởi cô chỉ có thể thiết kế bài giảng một cách đơn thuần, còn để tăng hiệu ứng hình ảnh, âm thanh, video hoặc các kỹ xảo khác vẫn còn hạn chế.

Cho rằng, dạy học trực tuyến giáo viên phải sử dụng thành thạo công nghệ để có thể làm chủ tiết dạy của mình, tuy nhiên, để đạt được như vậy, cô Nguyễn Thị Ly Nga – giáo viên Trường THPT Phúc Thọ (Hà Nội) mong muốn: Giáo viên cần được trang bị thiết bị và bổ sung kiến thức về công nghệ nhằm bảo đảm tiết học luôn diễn ra trôi chảy.

Ngoài ra, cần chuẩn bị tâm thế thật tốt cho giáo viên và học sinh, coi việc dạy học trực tuyến như một phương pháp học tiên tiến. Các gia đình chuẩn bị tốt thiết bị và môi trường học tập cho con cái, để các em có thể học trực tuyến hiệu quả. “Tôi luôn coi việc dạy học trực tuyến như phương pháp dạy học tích cực. Theo đó, tôi có thể kết hợp với phương pháp dạy học trực tiếp để phát huy tốt nhất tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập” – cô Ly Nga chia sẻ.

Xây dựng lớp học online hạnh phúc. Ảnh minh họa
Xây dựng lớp học online hạnh phúc. Ảnh minh họa

Xây dựng lớp học online hạnh phúc

Tại Trường THPT chuyên Chu Văn An (Bình Định), thầy Hiệu trưởng Dương Trọng Ánh thành lập các nhóm tổ hỗ trợ giáo viên về công nghệ khi dạy học trực tuyến để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học. Cùng với đó, nhà trường tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên về kỹ năng dạy học trực tuyến. Hoạt động này được tổ chức linh hoạt theo từng cấp: Từ nhóm, tổ chuyên môn cho đến toàn trường. Ngoài ra, nhà trường thành lập đội phản ứng nhanh, trong trường hợp bất khả kháng, các thành viên trong đội sẽ phối hợp với các “Tổ Covid cộng đồng”, bằng mọi cách gửi bài học đến với học sinh.

Trước khi vào năm học mới, Trường THPT dân lập Lê Thánh Tôn (Khánh Hoà) đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kỹ năng dạy học trực tuyến cho giáo viên theo các bước: Phân tích nhu cầu, lập kế hoạch, phát triển nội dung, triển khai và cải tiến phương pháp dạy học. Thầy Hiệu trưởng Lê Tuấn Tứ - cho hay: Để hỗ trợ giáo viên dạy – học trực tuyến, nhà trường đã nâng cấp hệ thống đường truyền Internet, trang bị một số máy tính xách tay cho giáo viên.

“Chúng tôi đã đầu tư 5 phòng dạy học trực tuyến hiện đại, có thể điều khiển bằng giọng nói. Với phòng dạy học này, giáo viên thực hiện những lớp học ảo. Tất nhiên, giáo viên có thể sử dụng phòng chức năng này để phục vụ cho việc dạy học online theo thời khóa biểu của nhà trường” – thầy Tứ chia sẻ.

Nhấn mạnh, điều kiện tiên quyết của dạy – học trực tuyến là bài giảng phải chất lượng, TS Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho rằng: Để hỗ trợ giáo viên, nhà trường, tổ chuyên môn cần thống nhất kịch bản và lựa chọn giáo viên thành thạo công nghệ thiết kế thành bài giảng.

Các giáo viên khác cùng hỗ trợ để tạo ra những tương tác trong công việc. Bằng cách đó, kho học liệu của nhà trường được cập nhật liên tục và hỗ trợ đắc lực cho giáo viên trong quá trình dạy học. Ngoài ra, nhà trường cần tổ chức tập huấn cho giáo viên, để bất kỳ thầy cô nào cũng có thể ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, trước mắt là dạy học trực tuyến.

Ở góc nhìn khác, TS Ngô Xuân Hiếu - Phó Trưởng bộ môn Quản lý Giáo dục, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh: Nhà trường cần chú trọng xây dựng lớp học hạnh phúc  online, với các tiêu chí của Trường học hạnh phúc như: Duy trì bầu không khí học tập ấm áp và thân thiện. Qua đó, mỗi giờ giảng cô – trò sẽ không còn những áp lực vô hình, hay tâm lý  căng thẳng; mà ở đó chỉ còn những tiếng cười hạnh phúc, để thầy – trò cùng thăng hoa chiếm lĩnh kiến thức bài học.

Theo TS Ngô Xuân Hiếu, giáo viên cần duy trì lớp học vui vẻ, thân thiện, truyền cảm hứng, không để thầy - trò căng thẳng… Ngoài ra, nên giao bài tập cho học sinh ở mức vừa sức, tránh tình trạng quá tải… Mặt khác, giáo viên chuẩn bị kỹ theo khung thời gian và theo năng lực của học trò.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.