Kỷluật học sinh – nhân cách nhà giáo
Cứ ít lâu dư luận lại được dịp bàn luận về vấn đề kỷ luật học sinh. “Năm người mười ý” nhưng sau các vụ việc, lỗi cơ bản vẫn thuộc về người giáo viên bởi có những quy định, chuẩn mực chỉ người lớn, người thầy mới đủ khả năng và bắt buộc phải đáp ứng,…
Dù làm trong bất kì ngành nào, đạo đức nghề nghiệp luôn được xem trọng. Nhất là đối với những người đang công tác trong ngành giáo dục, ngoài chuyên môn thì cần nêu cao đạo đức nhà giáo. Tuy nhiên, thời gian qua, một số trường hợp thầy, cô giáo vi phạm đạo đức nhà giáo, khiến dư luận xã hội, học sinh, phụ huynh băn khoăn là điều khó tránh khỏi.
Trong những ngày nghỉ lễ, mạng xã hội lan truyền việc một thầy giáo ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn, Bắc Giang đánh mắng học sinh với lời nói và hành vi không đúng chuẩn mực đạo đức. Hành vi dù không mới nhưng mỗi lần xuất hiện lại khiến dư luận dậy sóng, bất bình.
Chuyên gia giáo dục toàn cầu, CEO Innedu STEAM Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng:Trước mỗi vấn đề, chúng ta cần đặt nó ở góc nhìn đa diện. Rõ ràng hiện tượng “đánh học sinh” không phải là phổ biến. Tuy nó có thể gây ảnh hưởng ít nhiều đến hình ảnh chung của đội ngũ nhưng nhất định không nên đánh đồng và quy chụp vấn đề đạo đức hay kỹ năng của người giáo viên.
Người thầy phải biết tự giữ hình ảnh
Xét về khía cạnh đạo đức, đa số các thầy cô giáo vẫn làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình dù xã hội thay đổi. Nhưng cũng có nhiều thầy cô tự làm xấu đi hình ảnh của mình trong mắt học trò và xã hội.
Hiện có rất nhiều văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở, Phòng giáo dục về vấn đề đạo đức nhà giáo cũng như kỷ luật tích cực đối với học sinh. Chẳng hạn, trong Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ký ban hành ngày 16/4/2008, những quy định về đạo đức nhà giáo rất cụ thể.
Rõ ràng những việc làm của một số giáo viên đã không thực hiện đúng chỉ đạo chung và làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của ngành giáo dục. Bảo vệ đạo đức nhà giáo không phải ai khác, đầu tiên phải chính là các thầy, cô giáo.
Trong suốt cuộc đời 35 năm dạy học, “bà giáo” Nguyễn Thị Thuý (giáo viên nghỉ hưu ở Hưng Yên) vẫn luôn lấy đạo đức nhà giáo là kim chỉ nam của nghề dạy học.
Theo bà Thuý, khi đã bước chân vào ngành giáo dục, người giáo viên phải biết tự giữ hình ảnh của mình (không phải hình ảnh hào nhoáng bên ngoài).
Hồi trước, cuộc sống giáo viên khó khăn nhưng đổi lại luôn có được sự tôn trọng của phụ huynh cũng như học sinh. Là bởi giáo viên luôn tâm niệm coi trọng đạo đức nhà giáo. Làm việc gì hay ứng xử với học sinh như thế nào đều đem chuẩn mực đạo đức nhà giáo ra soi.
Giải pháp quan trọng nhất là các thầy cô giáo tự bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ của mình, ý thức về nghề nghiệp, giữ hình ảnh của mình thật đẹp trong mắt học sinh. Ngoài nâng cao kiến thức thì phải rèn luyện phương pháp ứng xử sư phạm, càng nắm tâm lý học sinh, càng hiểu học sinh thì quyết định của mình càng đúng.
“Không thể vì một vài hiện tượng mà đánh giá cả một hệ thống. Hàng triệu giáo viên đang hành nghề, có người này người nọ, như bao ngành nghề khác. Tuy nhiên, phải thừa nhận, kỹ năng của đại đa số giáo viên hiện nay còn nhiều lỗ hổng cần bồi dưỡng, lấp đầy để họ đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển chung của giáo dục nước nhà”, chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên nhận định.
Trong giờ sinh hoạt lớp chiều ngày 29/4, do nóng giận vì nhắc nhở nhiều lần nhưng nam học sinh vẫn vi phạm Luật an toàn giao thông, không chấp hành nội quy, quy định của trường (không mặc áo đồng phục, mặc quần bò), thầy giáo Khúc Xuân Hoà, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A3 được cho là đã đánh mắng học sinh.
Việc làm của thầy Hòa đã được ghi lại trong một clip và phát tán trên mạng xã hội.
Ngay khi nhận được thông tin trên, ngày 30/4, Ban Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn đã tổ chức họp, yêu cầu thầy Hoà kiểm điểm, tường trình sự việc. Cá nhân thầy Hoà cũng nhận thấy hành động của mình là sai, không đúng với quy định của người giáo viên
Thầy Hoà sinh năm 1997 được Trung tâm ký hợp đồng giảng dạy môn Sinh học từ tháng 4/2020. Trước mắt, thầy Hoà bị tạm dừng giảng dạy để tập trung giải quyết sự việc.