Nhà giáo chia sẻ giải pháp tâm huyết ngăn bạo lực học đường

GD&TĐ - Từ trải nghiệm hơn 30 năm công tác trong ngành Giáo dục, NGƯT Tô Ngọc Sơn (Đồng Tháp) chia sẻ giải pháp phòng chống bạo lực học đường.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Cần xây dựng Ban Phòng chống bạo lực học đường trong nhà trường

Thành lập Ban phòng chống Bạo lực học đường rất cần thiết trong trường học. Ban này gồm các thành phần: Đại diện chính quyền địa phương, Ban đại diện Cha mẹ học sinh, Đại diện Chi ủy, đại diện Ban giám hiệu, Ban chấp hành Công đoàn, Ban chấp hành Chi đoàn, tổ khối trưởng, Tổng phụ trách, Liên đội trưởng.

Ban này phải xây dựng kế hoạch hoạt động, nội dung phòng, chống và cách thức xử lí khi có bạo lực học đường xảy ra. Đầu năm học, nhà trường phổ biến và công khai nội dung hoàn chỉnh về phòng chống bạo lực và cách thức xử lí trong toàn trường, toàn thể các bậc phụ huynh.

Khi xảy ra tình huống mang tính bạo lực, Ban phòng chống Bạo lực học đường sẽ nhanh chóng phối hợp với giáo viên chủ nhiệm tư vấn, xử lí, đề ra biện pháp giáo dục phù hợp, giúp các em chuyển biến tốt trong tư tưởng. Tuyệt đối không thể bỏ qua những trường hợp bạo lực xảy ra. Vì bạo lực xảy ra tất cả mọi người đều có thể biết nên phải xử lí nghiêm khắc mang tính kỉ luật, răn đe.

Trong những ngày đầu xảy ra, Ban phòng chống Bạo lực học đường phải trực tiếp làm việc với đối tượng bạo lực học đường và với cha mẹ các em. Yêu cầu các em phải có bản tường trình vụ việc một cách chi tiết. Ban phòng chống Bạo lực học đường tư vấn, giảng giải, chỉ ra những sai phạm trong vụ việc, trao đổi với đối tượng bạo lực học đường để tìm ra những cách thức xử lí phù hợp một cách tâm phục khẩu phục.

Sau đó, yêu cầu những đối tượng đó tường trình bằng văn bản đảm bảo đủ 3 nội dung: Cảm nghĩ của em về vụ việc; chỉ ra cách thức xử lí hài hòa, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn phù hợp đạo đức dân tộc Việt; nếu thấy những trường hợp tương tự sắp xảy ra em cần phải làm gì?

Tường trình này nhất thiết phải được chỉn chu. Ban phòng chống Bạo lực học đường hướng dẫn, giúp đỡ để các em hoàn thành như mong muốn.

Cần tiếp tục đưa ra thêm những tình huống xấu sẽ xảy ra để các em xử lí bằng văn bản (ít nhất 3 lần) để hiểu rõ mức độ cảm nhận của các em về bạo lực như thế nào. Nếu đã có chuyển biến tốt cần tuyên dương trước cờ một trong ba trường hợp để lấy lại danh dự cho các em và dẫn dắt các em vào dòng chảy đạo đức truyền thống dân tộc Việt.

Ban phòng chống Bạo lực học đường theo dõi, quan sát sát sao, phát hiện những hành động đẹp của các bạn học sinh đã góp phần hóa giải, tránh được những hiềm khích, mâu thuẩn của bạn bè hay những tấm gương thân thiện, đoàn kết, biết chia sẻ, giúp đỡ bạn trong những lúc khó khăn để tuyên dương, khen thưởng trước toàn trường.

Trong năm, nhà trường cần phải tổ chức buổi nói chuyện, sinh hoạt về bạo lực học đường, hoặc tổ chức hội thi thuyết trình, sân khấu hóa, … chủ đề bạo lực học đường (ít nhất một lần) để học sinh được tham gia, trải nghiệm nhằm nâng cao hiểu biết, nâng cao nhận thức, thực hành phản biện mạnh mẽ và chuẩn xác.

Tuyên truyền, giáo dục về phòng chống bạo lực học đường.

Tuyên truyền, giáo dục về phòng chống bạo lực học đường.

Gia đình quan tâm sát sao là không thể thiếu

Các bậc cha mẹ cần làm là dành thời gian quan tâm và chăm chút con nhiều hơn. Dù ở xa hay gần con cái cũng phải thăm hỏi, động viên, chỉ bảo uốn nắn kịp thời những biểu hiện chưa đúng của các con. Việc ứng xử văn minh, phù hợp trong môi trường gia đình cũng vô cùng quan trọng. Giám sát, quản lí và kiểm tra thời gian học tập, làm việc, vui chơi, lên mạng xã hội,… của các con để có những lời khuyên thấu đáo cho con trẻ.

Cha mẹ cũng cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cùng nhà trường thống nhất kế hoạch và nội dung phòng chống bạo lực học đường để giáo dục con. Thường xuyên diễn giải, chỉ cho con trẻ thấy tác hại và hậu quả của vấn nạn học đường. Đồng thời chia sẻ những điều tốt đẹp, hành vi đúng đắn phù hợp chuẩn mực đạo đức dân tộc Việt.

Với trẻ gây ra bạo lực, gia đình cần phối hợp tốt với Ban tư vấn của trường và địa phương giáo dục con cái tốt hơn trong thời gian ngắn nhất có thể. Làm sao giúp các em nhận ra hậu quả nghiêm trọng của việc mình làm.

Địa phương cũng cần có Ban Phòng chống bạo lực học đường

Chính quyền địa phương cũng cần thiết lập Ban tư vấn và phòng chống bạo lực học đường để trợ giúp, xử lí bạo lực học đường tại địa phương mình. Ban này bao gồm: Đại diện Ủy ban, Đại diện Đảng ủy, Đoàn thanh niên, Đại diện Công an, Đại diện quân sự, chi bộ khóm ấp.

Đầu năm học, đại diện chính quyền địa phương cùng nhà trường, cha mẹ học sinh xây dựng kế hoạch và thống nhất nội dung phòng chống bạo lực học đường. Phải tuyên truyền sâu rộng trên toàn địa phương trong nhiều ngày, nhiều kỳ, nhiều đợt để tất cả mọi người được thấm nhuần một cách sâu sắc nhất.

Ban tư vấn và phòng chống bạo lực học đường sẽ giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch và nội dung phòng chống bạo lực học đường trong nhà trường và gia đình. Đồng thời làm đầu mối kích hoạt liên kết bộ ba để xử lí tình trạng bạo lực học đường xảy ra.

Trường hợp xảy ra bạo lực học đường ở mức độ nghiêm trọng, học sinh bị đình chỉ học tập, nhà trường phải báo cáo toàn bộ hồ sơ diễn biến vụ việc bạo lực cho Ban tư vấn và phòng chống bạo lực học đường địa phương. Sau khi tiếp nhận, Ban tư vấn và phòng chống bạo lực học đường địa phương trực tiếp đến gia đình (mục đích: thăm hỏi, động viên, chia sẻ) để hiểu rõ suy nghĩ, thái độ, cảm xúc và mong muốn của học sinh; cũng như cách nghĩ, cách giúp đỡ, giáo dục con của gia đình về sự việc xảy ra.

Ban phòng chống bạo lực học đường địa phương phải cùng đồng hành với học sinh trong suốt thời gian không đến trường. Tổ chức ngay những buổi nói chuyện chuyên đề về bạo lực học đường mời học sinh tham gia. Lắng nghe những ý kiến phản biện của các em để kịp thời uốn nắn, sửa chữa khi nhận thức chưa đúng, chưa đạt yêu cầu.

Có thể mời các em tham gia các buổi sinh hoạt đoàn, các hoạt động từ thiện, … giúp giải tỏa tâm lí, cảm nhận sâu sắc hơn những việc làm hữu ích, về tình người. Thường xuyên liên lạc với cha mẹ học sinh để nắm bắt những chuyển biến về thái độ, tư tưởng để phối hợp cải thiện tâm lí các em.

Khi học sinh được trở lại trường, Ban phòng chống bạo lực học đường địa phương cần có văn bản cụ thể sự tiến bộ của học sinh, hướng dẫn thêm cách phối hợp cũng như giáo dục để các em hoàn thiện.

Ban tư vấn và phòng chống bạo lực học đường địa phương cần được quyền đề xuất kiến nghị với chính quyền địa phương cắt giảm những chế độ chính sách cần thiết khi gia đình để xảy ra hiện trạng bạo lực học đường hay bạo lực gia đình.

Chính quyền địa phương cần phải tạo điều kiện tốt nhất cho nhà trường và gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục con trẻ. Cần có kế hoạch động viên khen thưởng kịp thời những hành vi tích cực, những việc làm tốt, đáng khen.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.