Kỷ niệm 49 năm thống nhất đất nước

Nhà giam hơn trăm tuổi trong bệnh viện

GD&TĐ - Nằm sâu bên trong Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM có một khu nhà đã gần 150 năm tuổi, là nơi giam giữ nhiều chiến sĩ cách mạng

Phòng giam lớn có diện tích hơn 30 m2, giam khoảng 20 người.
Phòng giam lớn có diện tích hơn 30 m2, giam khoảng 20 người.

Nhà giam này là nơi giam giữ nhiều chiến sĩ cách mạng như cố Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập, các chiến sĩ Trần Não, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Bạch Đằng… trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng của dân tộc.

Một viên gạch cũng là chứng nhân lịch sử

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trước kia có tên Bệnh viện Chợ Quán. Đây là bệnh viện lâu đời nhất ở TPHCM, được thành lập năm 1861, chuyên điều trị các loại bệnh truyền nhiễm và bệnh tâm thần. Do nhu cầu điều trị bệnh nên trong bệnh viện có xây một khu riêng biệt để nhốt các bệnh nhân tâm thần.

Ngày 16/11/1988, Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Vì được đưa vào hoạt động từ ngày 13/2/1861 nên Bệnh viện Chợ Quán, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã được xác lập kỷ lục bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VIETKINGS), đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận.

Theo ghi chép lịch sử, trong quá trình xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã bắt bớ, tra tấn dã man nhiều chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước.

Vì cần khai thác tin tức và phục vụ mục đích hỏi cung, họ đưa tù nhân vào khu nhà nhốt bệnh nhân tâm thần của Bệnh viện Chợ Quán để vừa điều trị cầm chừng vừa tiếp tục tra hỏi. Từ đó, khu nhà nhốt bệnh nhân tâm thần trở thành nơi giam giữ những người tù bị bệnh của tất cả những nhà tù, trại giam, cảnh sát trong thành phố và các tỉnh lân cận.

Từ cổng bệnh viện đi vào nhà giam, ở phía bên phải, mặt bằng kiến trúc của khu được thiết kế hình chữ U, trong đó dãy ngang dài 32m, rộng 12m. Hai dãy dọc bằng nhau, mỗi dãy dài 14m, rộng 7,5m.

Bên ngoài phía trước cửa trại giam có phòng gác nhỏ, lợp ngói móc, xung quanh có tường gạch cao bao bọc, phía góc khu trại giam có một tháp canh cao 3,5m.

Nhìn thẳng cửa vào là khu trại giam nữ, phía bên phải là khu trại giam nam. Trải qua hai thời kỳ thực dân và đế quốc, nhà giam vẫn giữ được lối kiến trúc thuộc địa, trần nhà lợp mái âm dương, dưới lớp mái ngói là một miếng lưới sắt, sàn nhà được ốp bằng gạch tàu. Tường của khu trại giam quét vôi, phần dưới màu xám hoặc đen, phần trên màu vàng, được xây khá chắc chắn.

Từ cửa trại giam đi vào, đầu tiên là phòng giam lớn, giam khoảng 20 người, kế đến là hai phòng giam nhỏ. Dưới thời Pháp thuộc, các bục để gông cùm tù nhân được làm bằng gỗ nhưng sau này chúng được thay thế bằng các khối xi măng lót gạch bông như các nhà tù Phú Quốc hay Côn Đảo.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trước kia có tên viện Chợ Quán, là bệnh viện lâu đời nhất ở TPHCM. Ảnh: TL.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trước kia có tên viện Chợ Quán, là bệnh viện lâu đời nhất ở TPHCM. Ảnh: TL.

Giữa lối đi nhà giam có xây thêm một bức tường từ cửa ra vào đến cuối dãy nhà, ngăn cách các phòng giam bên trái và bên phải. Bên trái cửa trại giam là 2 phòng giam bằng nhau, gần cuối dãy có 2 phòng giam cá nhân nhỏ, trên nóc mỗi phòng đều giăng lưới sắt. Cuối dãy có 3 phòng có bậc thang đi lên là nhà vệ sinh, tù nhân sẽ đi vào các xô được đặt bên dưới.

Từ cửa trại giam quẹo phải sẽ qua dãy biệt giam, dãy này gồm 4 phòng bằng nhau. Khác với 2 dãy kia, dãy này được đúc phía trên. Cửa sổ có lưới sắt phía ngoài và có khung che cửa sổ để tránh sự quan sát hoặc liên lạc với bên ngoài.

Cửa ra vào các phòng đều hẹp từ 1 - 1,2m, cánh cửa bằng gỗ sơn màu xám, toàn bộ đều bọc lưới sắt. Phía trên cánh cửa ra vào có một lỗ nhỏ (10cm x 10cm) để lính canh có thể theo dõi hoạt động bên trong của tù nhân.

Ngoài các phòng giam tiêu chuẩn, thực dân Pháp còn cho xây dựng một khu biệt giam các tù nhân mắc những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cần cách ly với các tù nhân khác.

Ở các bức tường trên những hành lang dài và sâu của nhà giam xuất hiện rễ cây đâm lên từ khe hở, những gông cùm vẫn còn nguyên trạng trong một vài phòng, những căn phòng nằm khuất bên trong không thể đón nắng mặt trời. Những tường gạch, mái hiên, khung cửa… nơi đây là chứng nhân cho một thời kỳ đầy đau thương của dân tộc.

Bên ngoài nhà giam hiện nay đã trở thành một khu vườn nhỏ làm bóng mát cho các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

Khu nhà giam được chia làm 3 khu gồm nhà giam nam, nhà giam nữ, khu biệt giam và những tư liệu lịch sử được trưng bày ngay cửa ra vào.

Khu nhà giam được chia làm 3 khu gồm nhà giam nam, nhà giam nữ, khu biệt giam và những tư liệu lịch sử được trưng bày ngay cửa ra vào.

Nơi giam giữ cố Tổng Bí thư Trần Phú

Qua hai cuộc kháng chiến, đã có nhiều chiến sĩ cách mạng trở thành tù nhân tại nhà giam cổ kính này, trong đó có cố Tổng Bí thư Trần Phú.

Ngày 18/4/1931, Tổng Bí thư Trần Phú bị bắt tại nhà số 66 đường Champagne (nay là đường Lý Chính Thắng, Quận 1). Sau khi giam giữ và dùng nhiều cực hình tra tấn dã man Tổng Bí thư Trần Phú ở nhiều trại giam khác nhau, thực dân Pháp chuyển ông về Khám Lớn Sài Gòn để chuẩn bị xét xử.

Lúc này, sức khỏe của Tổng Bí thư Trần Phú đã ngày càng suy kiệt. Thực dân Pháp muốn duy trì sự sống của ông để khai thác những bí mật của Đảng, nên ngày 26/8/1931, chúng đưa ông đến trại giam trong Bệnh viện Chợ Quán để điều trị bệnh. Tại đây, Tổng Bí thư Trần Phú mang số tù 518431.

Ngày đầu tiên, chúng để ông ở phòng tập thể (có khoảng 20 người). Nằm chung phòng có các ông Nguyễn Văn Nhung, Châu Văn Sanh, ông Hương quản Bồ ở Hóc Môn. Những tù nhân trong trại giam và một số y, bác sĩ từ tâm đã dành cho Tổng Bí thư Trần Phú sự chăm sóc ưu đãi và chế độ thuốc men tốt nhất.

Đến ngày thứ ba, nhân viên nhà thương thử đờm và máu, phát hiện triệu chứng ho lao nên chuyển Tổng Bí thư Trần Phú qua khu cách ly dành riêng cho bệnh nhân lao.

Tổng Bí thư Trần Phú rất yếu, không nói chuyện được. Sang ngày thứ chín, ngày 5/9/1931, bệnh của ông trở nên nguy kịch.

Căn phòng nơi cố Tổng Bí thư Trần Phú bị giam giữ có di ảnh của ông để tưởng nhớ.

Căn phòng nơi cố Tổng Bí thư Trần Phú bị giam giữ có di ảnh của ông để tưởng nhớ.

Ngày 6/9/1931, là ngày Chủ nhật, phòng cách ly không đóng cửa, ông Nhung sang thăm, thấy Tổng Bí thư Trần Phú quá yếu đã kêu y tá đến cấp cứu. Biết Tổng Bí thư Trần Phú không qua khỏi, ông Nhung ghé sát tai Tổng Bí thư Trần Phú hỏi: “Thứ Hai địch đưa tôi về khám, đồng chí có nhắn nhủ gì không?”. Dồn hết sức lực còn lại của mình, đồng chí Trần Phú nhắn: “Hãy giữ vững ý chí chiến đấu”.

Đến 5 giờ chiều, y tá vào thay ca. Theo đề nghị của các tù nhân trong trại giam, y tá cho khiêng Tổng Bí thư Trần Phú qua trại giam cá nhân để tiện việc chăm sóc. Vì không có cáng, nên ông Nhung, Hương quản Bồ và một người khác đã khiêng Tổng Bí thư bằng tay. Nhưng khi chưa đến phòng cá nhân thì Tổng Bí thư Trần Phú mất. Thi hài của ông được đặt ở phòng cá nhân.

Các đồng chí trong trại giam đã làm lễ truy điệu Tổng Bí thư Trần Phú ở phòng này. Toàn thể tù chính trị trong trại giam đã đứng dọc theo hành lang để tiễn đưa ông – người Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Hiện nay, tại căn phòng này vẫn còn để di ảnh của Tổng Bí thư Trần Phú, thi thoảng những người trông nom lại đặt vào đây một bình hoa hoặc một cành hoa để nhắc nhở thế hệ sau về một nhà lãnh đạo kiên trung. Trong khuôn viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới vẫn còn tượng đài tưởng niệm ông.

Ngoài đồng chí Trần Phú, trong suốt hai cuộc kháng chiến, nhiều chiến sĩ cách mạng khác như Trần Não, Hà Huy Tập, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Văn Trỗi… cũng đã từng bị giam giữ ở khu trại giam này.

Những gông cùm, xiềng xích bằng sắt trên các bục trong nhà giam. Thời Pháp các bục được làm bằng gỗ, sau này được làm bằng xi măng lót gạch bông. Ảnh: QT.

Những gông cùm, xiềng xích bằng sắt trên các bục trong nhà giam. Thời Pháp các bục được làm bằng gỗ, sau này được làm bằng xi măng lót gạch bông. Ảnh: QT.

Nhà giam hiếm có trên thế giới

Gắn với dòng chảy lịch sử của dân tộc qua hai thời kỳ kháng chiến, ngày nay khu trại giam trong Bệnh viện Chợ Quán trở thành một trong những địa điểm tham quan mang đậm giá trị văn hóa lịch sử.

Di tích vẫn còn in đậm dấu vết của gông cùm, xiềng xích dưới chế độ thực dân, cũng như những dấu ấn về cuộc chiến đấu kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng với những khẩu hiệu đấu tranh bằng máu rõ nét trên các bức tường.

Bài tham luận “Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia: Trại giam trong bệnh viện” của TS.BS Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết, nhà thương Chợ Quán - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và di tích khu trại giam trong bệnh viện là mô hình kết hợp đặc biệt, duy nhất bệnh viện và trại giam tại Việt Nam và cũng thuộc dạng hiếm có trên thế giới.

“Cần tăng cường công tác sưu tầm, thu thập, nghiên cứu tư liệu, hình ảnh về di tích khu trại giam trong lòng bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam để nhân dân, các thế hệ hiện nay và mai sau hiểu rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng, dấu ấn lịch sử của bệnh viện và di tích trong giai đoạn lịch sử đau thương nhưng kiêu dũng của Sài Gòn - Gia Định và miền Nam Việt Nam”, TS.BS Mạnh Hùng đề xuất.

Hiện nay, di tích này cũng đã có nhiều dấu hiệu xuống cấp, các tài liệu, hình ảnh trưng bày đã bị mờ, trầy xước, một số bị rách. Nhiều phòng giam phải đóng cửa, ngừng phục vụ khách tham quan, chỉ có phần khuôn viên bên ngoài được mở để người dân vào thắp hương.

Năm 2023, Hội đồng Nhân dân TPHCM đã thông qua Nghị quyết “Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán nằm trong khuôn viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới”.

Hạng mục nhà kho và căng tin hiện hữu của bệnh viện sẽ được tháo dỡ để mở rộng tuyến tham quan công trình. Các hạng mục như trại giam, chốt canh, cổng, hàng rào, nhà vệ sinh, sân vườn, tượng và bia tưởng niệm cũng được tôn tạo, tu bổ.

Các phòng giam thường, phòng giam chính trị và phòng giam đặc biệt (nơi Tổng Bí thư Trần Phú hy sinh) được giữ lại và phục dựng cảnh trí lịch sử, các phòng còn lại chuyển thành phòng trưng bày.

Việc tu bổ, tôn tạo nhà giam quy mô 822 m2, trong khu đất di tích có diện tích hơn 2.211 m2, mức đầu tư hơn 33,8 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 1/5/2024, đúng vào dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của cố Tổng Bí thư Trần Phú.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ