Nhà đầu tư 'tháo chạy', chứng khoán giảm điểm kỷ lục

GD&TĐ - Ngày 11/10, chỉ số Vn-Index có lúc về mốc 999 điểm sau đó hồi phục trở lại về mốc 1.006 điểm – ngang bằng với giai đoạn đầu năm 2021.

Chứng khoán Việt Nam tiếp tục bị bán tháo trong phiên 11/10.
Chứng khoán Việt Nam tiếp tục bị bán tháo trong phiên 11/10.

Chứng khoán tiếp tục bị bán tháo

Phiên giao dịch ngày 11/10 đưa chỉ số Vn-Index giảm sâu nhất trong gần 2 năm – tức thời điểm tháng 1/2021.

Trên sàn HSX – đại diện cho chỉ số Vn-Index chỉ có 46 mã cổ phiếu đạt sắc xanh, trong khi có tới 435 mã giảm giá và 37 mã cổ phiếu đạt tham chiếu. Giá trị thanh khoản trên sàn HSX đạt 12.874 tỷ đồng.

Sàn HSX – nơi tập trung những mã cổ phiếu có vốn hóa lớn bị bán mạnh khiến cho chỉ số Vn-Index rơi về 1.006,2 điểm – giảm 36,28 điểm so với phiên trước, tương đương 3,48% giá trị.

Sàn HNX cũng lâm vào bi đát khi có tới 177 mã cổ phiếu giảm điểm, trong khi chỉ có 31 mã đạt sắc xanh và 29 mã đạt tham chiếu. Giá trị thanh khoản trên sàn HNX đạt 1.095 tỷ đồng.

Sàn UpCom cũng chứng kiến cảnh bán tháo lan rộng khi có 195 mã cổ phiếu giảm điểm, 98 mã cổ phiếu tăng điểm và 55 mã tham chiếu. Thanh khoản trên sàn UpCom đạt gần 552 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch cả 3 sàn đạt 13.970 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nằm trong nhóm VN30 bị bán tháo gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường khi có đến 28/30 mã cổ phiếu giảm điểm. Trong đó 8 cổ phiếu giảm hết biên độ gồm: VRE, TPB, TCB, STB, SSI, POW, MBB và GVR. Nhóm VN30 chỉ có 1/30 mã đạt sắc xanh là GAS với mức tăng chỉ 0,09% trên tham chiếu chút ít.

Lực bán tháo diễn ra ở tất cả các nhóm ngành nghề. Trong đó, mạnh nhất là nhóm bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, đầu tư công, dầu khí…

Ở nhóm ngành bất động sản, la liệt cổ phiếu “nằm sàn” như KBC, DIG, CEO, HDC, DXG, BCG, DTD, SCR, LHG… số còn lại cũng giảm ít nhất 2%.

Gây ảnh hưởng tiêu cực mạnh mẽ nhất trong phiên 11/10 có lẽ là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Bởi nhóm ngành này chiếm tỷ lệ vốn hóa cao nhất trên sàn chứng khoán.

Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng “nằm sàn” như: SHB, TPB, MBB, MSB, LPB, TCB…

So sánh biên độ giá giữa 3 sàn HSX, HNX và UpCom có thể thấy, sàn HSX biên độ tăng giảm là 7%, sàn HNX là 10% và UpCom là 15%. Như vậy, những nhà đầu tư ưa mạo hiểm giao dịch trên sàn UpCom có thể chịu rủi ro cao hơn khi biên độ giảm đến 15%/ phiên. Nếu nhà đầu tư dùng đòn bẩy vay từ các công ty chứng khoán thì khả năng “bốc hơi” tài khoản sẽ nhanh hơn 2 sàn còn lại rất nhiều.

Nhà đầu tư cần thận trọng

Thị trường chứng khoán giảm điểm trong bối cảnh, nhóm tự doanh trong nước tiếp tục bán tháo liên tiếp trong 6/9 phiên gần đây nhất.

Theo quan điểm từ một số nhà đầu tư kỳ cựu, việc tự doanh bán tháo liên tiếp là dấu hiệu tiêu cực trong các phiên giao dịch tương lai. Do đây được coi là dòng tiền tạo lập, giúp dẫn dắt thị trường.

Ở chiều ngược lại, nhóm đầu tư nước ngoài có 5/10 phiên gần đây nhất mua ròng. Giá trị mua cao nhất diễn ra vào ngày 10/10 với trên 578 tỷ đồng.

Diễn biến của Vn-Index hiện đang đồng pha với tình hình thế giới khi tại Mỹ, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 93,91 điểm vào đêm 10/10. Trong khi chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm 110,30 điểm và S&P 500 cũng bốc hơi 27,27 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng trong tình cảnh bi đát khi các chỉ số đại diện đều giảm 5 phiên liên tiếp. FTSE 100 giảm 45,80 điểm, Dax Performance giảm 62 điểm và CAC 40 cũng giảm gần 20 điểm.

Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 trên thị trường Nhật Bản giảm đến 7.145,86 điểm. Chỉ số Hang Seng Index cũng giảm 384 điểm và chỉ số Kospi cũng giảm trên 40 điểm.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam – CSI, cho rằng: Thị trường Việt Nam đang chịu rất nhiều áp lực từ tình hình quốc tế. Đó là tình hình xung đột quốc tế, các nền kinh tế lớn trên đà suy thoái và đối mặt tỷ lệ lạm phát cao.

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế trong nước lại có những điểm tích cực. Đó là tốc độ tăng trưởng GDP ở mức cao. Chẳng hạn quý III/2022, GDP của Việt nam đạt 13% là mức tăng khá đột biến. So với 9 tháng đầu năm, GDP của Việt Nam cũng đạt mức tăng trên 7%, đây là con số tốt nhất so với mặt bằng chung của thế giới.

Ông Ngọc cũng cho rằng, lạm phát tại Việt Nam không quá cao so với các nước trên thế giới. Trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ lạm phát duy trì ở mức 4% và mục tiêu cả năm là kiềm chế dưới 4%.

Về biến động tỷ giá, ông Đỗ Bảo Ngọc đánh giá, đây là điểm phức tạp. Lãi suất huy động đang có sự tăng lên gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Tuy nhiên, biến động lãi suất của Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo nhà đầu tư Nguyễn Xuân Thắng, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, nhà đầu tư nên cẩn trọng, đánh giá tình hình trong nước và quốc tế và tham khảo thêm nguồn từ cơ quan chức năng để đưa ra quyết định đầu tư hợp lý.

Là người “thoát hàng” từ giai đoạn đầu năm 2022 và tận hưởng thành quả đầu từ giai đoạn Vn-Index tăng giá năm 2021, anh Thắng nhận định: Điểm mấu chốt nhất ảnh hưởng đến thị trường đó là các diễn biến tiêu cực xảy ra bất ngờ, nằm ngoài dự đoán của tất cả chuyên gia. Nếu là đầu tư ngắn hạn, khi gặp phải tình huống bất ngờ thì ưu tiên trước nhất là bảo toàn vốn và tiếp tục theo dõi tình hình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ