Trong vài năm gần đây, giới đầu tư Hà Nội đang ưa chuộng dòng sản phẩm đất nền, nhà đất phân lô, tách thửa không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nhờ giá thành rẻ, có thể tạo ra lợi nhuận lớn.
Ông Tiến Linh, một nhân viên môi giới bất động sản tại Hà Nội, cho biết, hầu hết, dòng sản phẩm nhà đất, đất nền không "sổ đỏ" thường là các mảnh đất nhỏ, dưới 30m2 được phân lô, tách thửa từ các thửa đất lớn.
Riêng tại ở Hà Nội, thị trường còn có dòng sản phẩm nhà không sổ, thuộc vào dạng nhà lấn chiếm ở khu vực Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì, nguồn cung tương đối dồi dào. Nhà đất không được cấp sổ thuộc dạng đất nông nghiệp xuất hiện nhiều ở khu vực ngoài đê sông Hồng.
Ông Linh cho biết, từ 20 năm trước, các sản phẩm nhà đất không sổ đã được giới đầu tư để ý bởi có giá rẻ hơn 20 - 30% so với nhà đất đã có sổ đỏ.
"Hầu hết, nhóm đầu tư vào dòng sản phẩm này đều có tâm lý "lướt sóng", họ chuyển nhượng rất nhanh do sợ có thay đổi trong quy hoạch", lời ông Linh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Minh, một nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội chia sẻ, trong các giao dịch liên quan tới nhà đất không sổ, nhân viên môi giới thường đưa ra 2 luận điểm để trấn an nhà đầu tư hoặc người dân có nhu cầu sử dụng.
Thứ nhất là việc nhà đất không sổ thường có giá rẻ. Nếu biết cách lựa chọn những mảnh đất không có quy hoạch, về lâu dài vẫn có thể có cơ hội được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bình thường.
Thứ hai, một số đơn vị môi giới bất động sản thường khẳng định, nếu người dân mua nhà có nhu cầu sử dụng lâu dài thì nên mua nhà đất, đất đai không sổ để tiết kiệm chi phí. Nếu mảnh đất đó không "dính" quy hoạch, cuộc sống và các quyền lợi của người mua nhà vẫn diễn ra bình thường.
Nếu không may, mảnh đất "dính" vào quy hoạch, chủ đất, chủ nhà vẫn được đền bù một khoản nhất định, không lỗ so với giá mua ban đầu.
Trao đổi với PV Báo Dân Trí, Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật TNHH LSX (Đoàn Luật sư Hà Nội), cho biết: Trên thực tế, pháp luật đã quy định rất rõ về một số trường hợp, đất nông nghiệp, đất lấn chiếm được phép cấp quyền sử dụng đất.
Cụ thể, tại khoản 2, Điều 101, Luật Đất đai 2013 quy định, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ổn định, từ thời điểm 1/7/2004 và không vi phạm đất đai, không có tranh chấp thì sẽ được cấp "sổ đỏ".
Tuy nhiên, quy định này chỉ được áp dụng trước 1/7/2004. Trong khi đó, về sau, chưa có quy định mới về việc cấp "sổ đỏ" cho các mảnh đất thừa, đất nông nghiệp, đất lấn chiếm trong khu vực đô thị.
"Trong tâm lý đầu tư bất động sản thường có câu "rủi ro càng lớn, khả năng lợi nhuận càng cao". Tuy nhiên nếu người mua đất không có được đầy đủ thông tin, hoặc mua các mảnh đất trước thời điểm được quy định, khả năng mất trắng hoàn toàn có thể xảy ra", Luật sư Lực cho biết.
Ngoài ra, theo Nghị định 91/2019 của Chính phủ, tổ chức sẽ bị phạt tối đa 40 triệu đồng, cá nhân 20 triệu đồng nếu mua bán - giao dịch đất đai không có sổ đỏ,
Trong trường hợp đền bù, giá trị đất đai không sổ sẽ thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Như vậy, nếu đầu tư, hoặc mua các mảnh đất không sổ, chắc chắn người mua sẽ bị lỗ.
Do đó, ông Lực khuyến cáo, để có được khoản đầu tư mạo hiểm nhưng hạn chế được tối đa rủi ro thì các nhà đầu tư cần phải tìm hiểu đầy đủ thông tin về thửa đất tại UBND cấp xã, phường, văn phòng đăng ký đất và nhà quận huyện rồi mới quyết định xuống tiền.