Kon Tum: Gần 20 năm “dài cổ” ngóng sổ đỏ

GD&TĐ - Nhiều phụ huynh tại phường Thống Nhất (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) được cấp đất đã hàng chục năm nay. Tuy nhiên, gần 20 năm qua người dân vẫn ngóng chờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Anh A Glăs (bên trái) mong muốn các cấp chính quyền hỗ trợ, tạo điều kiện cấp sổ đỏ cho gia đình.
Anh A Glăs (bên trái) mong muốn các cấp chính quyền hỗ trợ, tạo điều kiện cấp sổ đỏ cho gia đình.

Anh A Glăs (tổ 4, phường Thống Nhất) cho biết, trước đây gia đình anh ở thôn Kontum K’nâm. Tuy nhiên, do đất chật, người đông nên UBND phường Thống Nhất đã di dời nghĩa trang trên địa bàn để cấp đất ở cho hàng chục hộ dân. Nhưng khi đó chính quyền địa phương chỉ cấp đất chứ không thể hiện trên hồ sơ, sổ sách.

Theo anh Glăs, gia đình anh đã sinh sống được hơn 20 năm tại khu vực giãn dân này. Chính quyền địa phương nhiều lần yêu cầu gia đình lên hoàn thành thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, do thiếu giấy tờ, hồ sơ chứng minh nguồn gốc đất nên đến nay gia đình vẫn chưa được cấp sổ đỏ.

“Không có sổ đỏ, gia đình chúng tôi khó khăn trong việc vay vốn để phát triển kinh tế. Do đó, chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ để tạo điều kiện cho gia đình được cấp sổ đỏ. Khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chúng chúng tôi sẽ dùng để vay vốn làm ăn và lo cho các con đi học”, anh Glăs nói.

Tương tự, chị Y Dơn sinh sống cùng chồng và 6 người con đang tuổi ăn, tuổi học tại khu giãn dân thuộc tổ 4. Tuy nhiên từ năm 1999 đến nay, gia đình chị vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Chị Y Dơn cho hay, trong quá trình sinh sống chị cũng được chính quyền địa phương hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ để làm sổ đỏ. Tuy nhiên do thiếu giấy chứng minh nguồn gốc đất nên đến nay gia đình vẫn chưa được cấp sổ đỏ.

“Trải qua bao nhiêu năm, chúng tôi không biết trước đây có giấy chứng minh nguồn gốc đất hay không. Tuy nhiên, gia đình tôi đã tìm kiếm nhiều lần nhưng không có. Chúng tôi mong muốn các cấp ban ngành, xem xét cấp sổ đỏ cho bà con để ổn định cuộc sống”, chị Y Dơn nói.

Theo tìm hiểu, từ năm 1993 - 1997, để giải quyết nhu cầu về đất ở cho các hộ dân thiếu đất ở thôn Kontum K’nâm, UBND phường Thống Nhất đã tiến hành di dời nghĩa trang để cấp đất cho 16 hộ dân. Cũng trong thời gian này, Chi cục Thú y tỉnh Kon Tum đã tiến hành giao đất trong khuôn viên cho 4 cán bộ, nhân viên của đơn vị. Tất cả các thủ tục giao đất đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất.

Ông Phạm Văn Dũng, Chủ tịch UBND phường Thống Nhất cho biết, hiện tại trên địa bàn có 22 hộ dân chưa được cấp GCNQSD đất. Trong đó có 18 hộ dân tại khu giãn dân thuộc tổ 4 và 4 hộ dân thuộc Chi cục Thú y.

Theo vị Chủ tịch UBND phường, 22 hộ dân này đã được giao đất hơn 20 năm nay. Tuy nhiên, theo quy định của luật đất đai, việc giao đất tại đô thị thẩm quyền của UBND tỉnh. Nhưng lãnh đạo của UBND phường tại thời điểm đó thực hiện chưa đúng với quy trình nên dẫn đến vướng mắc trong việc cấp GCNQSD đất cho người dân.

Bên cạnh đó, qua thời gian quá dài nên nhiều giấy tờ, hồ sơ bị thất lạc. Ngoài ra, các gia đình không có giấy tờ, hồ sơ chứng minh nguồn gốc đất nên việc cấp GCNQSD đất gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Dũng, để hỗ trợ người dân được cấp sổ đỏ, UBND phường Thống Nhất đang liên hệ trung tâm lưu trữ, Phòng TNMT TP Kon Tum để xác minh nguồn gốc đất. Nếu không xác minh được nguồn gốc đất, đơn vị sẽ xin chủ trương của thành phố để tạo điều kiện cấp GCNQSD đất cho người dân.

Còn ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng TNMT TP Kon Tum cho hay, đơn vị sẽ phối hợp với Chi nhánh Văn phòng đăng kí đất đai TP Kon Tum và UBND phường Thống Nhất để rà soát, kiểm tra lại nguồn gốc đất. Nếu đủ điều kiện sẽ tiến hành cấp GCNQSD đất cho người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.