Theo PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhà báo của thời đại số không chỉ cần giỏi chuyên môn, làm chủ công nghệ mà còn phải có tư duy độc lập, bản lĩnh nghề nghiệp và ý thức công dân cao… Đó chính là hành trang để họ vững vàng bước vào đời, thích ứng linh hoạt và phát triển bền vững trong môi trường truyền thông hiện đại, nơi thách thức và cơ hội luôn song hành.
Khi làn sóng công nghệ phát triển mạnh mẽ, các cơ sở đào tạo báo chí, trong đó có Học viện Báo chí và Tuyên truyền đứng trước yêu cầu cấp thiết phải đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, chuẩn bị hành trang toàn diện cho thế hệ nhà báo tương lai, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang đã có những chia sẻ tâm huyết về định hướng đào tạo, vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như trách nhiệm giáo dục đạo đức nghề nghiệp trong thời đại số.
Cánh cửa rộng cho báo chí
- Thưa PGS, trong bối cảnh báo chí đang chuyển mình mạnh mẽ dưới tác động của công nghệ số, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện) đã định hướng công tác đào tạo như thế nào để sinh viên có thể thích ứng tốt với môi trường truyền thông hiện đại?
- Truyền thông toàn cầu đang biến đổi từng ngày bởi tác động của công nghệ số, đặc biệt là AI, dữ liệu lớn và các nền tảng đa phương tiện. Trước bối cảnh đó, Học viện xác định rõ sứ mệnh đào tạo đội ngũ làm báo vừa giỏi chuyên môn, sử dụng thành thạo công nghệ, vừa vững vàng bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp. Đây là một yêu cầu mang tính sống còn trong việc thích ứng với môi trường truyền thông đang biến đổi từng ngày.
Chúng tôi đã rà soát, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng liên ngành, thực tiễn và mở rộng không gian học tập số. Nhiều học phần mới được đưa vào giảng dạy như báo chí dữ liệu, truyền thông số, khai thác nền tảng số, ứng dụng AI trong sản xuất nội dung, phân tích hành vi công chúng trực tuyến… Những nội dung này giúp sinh viên không chỉ tiếp cận mà còn làm chủ các công cụ và phương thức sản xuất hiện đại, từ đó có thể sáng tạo nội dung phù hợp với nhu cầu của công chúng đương đại.
Ngoài ra, mô hình “tòa soạn hội tụ” đã được Học viện áp dụng trong đào tạo. Sinh viên được thực hành quy trình làm báo đa phương tiện từ thu thập, xử lý thông tin đến xuất bản đa nền tảng. Đồng thời, Học viện cũng hết sức chú trọng phát triển hệ sinh thái số trong toàn Học viện, từ hệ thống học liệu, phương pháp giảng dạy đến nền tảng tương tác số giữa giảng viên và sinh viên.
- AI đang dần trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho người làm báo nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Theo PGS, sinh viên báo chí cần được chuẩn bị ra sao để có thể làm chủ công nghệ mà không bị lệ thuộc vào nó?
- Sự phát triển nhanh chóng của AI đang mở ra những cơ hội lớn cho báo chí - truyền thông, từ thu thập, xử lý dữ liệu, phân tích xu hướng đến tự động hóa sản xuất nội dung và cá nhân hóa trải nghiệm người dùng. Tuy nhiên, AI cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là nguy cơ lệ thuộc vào công nghệ, suy giảm tư duy độc lập và xói mòn đạo đức nghề nghiệp nếu thiếu nền tảng nhận thức đúng đắn. Vấn đề cốt lõi hiện nay không phải là sinh viên có nên dùng AI hay không, mà là cách sử dụng nó sao cho hiệu quả.
Tại Học viện, chúng tôi xác định việc trang bị năng lực số, trong đó có năng lực sử dụng và kiểm soát công nghệ AI là một trong những yêu cầu trọng tâm trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực báo chí chất lượng cao. Sinh viên không chỉ được tiếp cận các công cụ AI phục vụ sáng tạo nội dung mà còn được học cách phân tích, đánh giá và lựa chọn công nghệ phù hợp với mục tiêu truyền thông cụ thể.
Chúng tôi khuyến khích sinh viên khai thác AI như một “trợ lý thông minh” để nâng cao hiệu suất nhưng tuyệt đối không để công nghệ thay thế tư duy con người trong các khâu then chốt như phát hiện vấn đề, lựa chọn góc tiếp cận, xác minh thông tin và xử lý các tình huống đạo đức nghề nghiệp.
Đồng thời, chúng tôi đặc biệt chú trọng rèn luyện tư duy phản biện, kỹ năng kiểm chứng dữ liệu, đánh giá nguồn tin và khả năng sáng tạo - những phẩm chất mà AI chưa thể thay thế. Bên cạnh đó, giáo dục đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội cũng là trụ cột quan trọng trong chương trình đào tạo nhằm giúp sinh viên có bản lĩnh vững vàng trước những mặt trái của công nghệ.
Chúng tôi không đào tạo những “kỹ thuật viên công nghệ” trong ngành báo chí mà hướng đến hình thành những nhà báo - nhà truyền thông hiện đại, biết sử dụng công nghệ một cách thông minh, có chọn lọc, đồng thời vẫn giữ vững được tư duy nghề nghiệp độc lập, đạo đức báo chí và tinh thần phục vụ công chúng. Đó chính là con đường để sinh viên làm chủ công nghệ thay vì trở thành nô lệ của nó.

Thực tiễn - môi trường rèn luyện sống động
- Học viện đang triển khai những mô hình nào để sinh viên được cọ xát nhiều hơn với công việc thực tế?
- Trong đào tạo báo chí - truyền thông, thực tiễn nghề nghiệp không chỉ là một phần trong chương trình học mà còn là môi trường sống động giúp sinh viên kiểm nghiệm kiến thức, rèn luyện kỹ năng và định hình tư duy làm nghề. Trước sự thay đổi nhanh chóng của truyền thông, việc gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và các cơ quan báo chí, doanh nghiệp truyền thông càng trở nên cần thiết, giúp sinh viên tiếp cận thực tế và thích ứng với yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động.
Tại Học viện, việc hợp tác với các cơ quan báo chí - truyền thông là một trong những trụ cột chiến lược. Học viện đã xây dựng mạng lưới liên kết sâu rộng với các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương, doanh nghiệp truyền thông và nền tảng số trong và ngoài nước.
Sự hợp tác này không chỉ dừng ở việc tiếp nhận sinh viên thực tập mà còn được mở rộng thành các chương trình đồng hành như: Mời nhà báo, biên tập viên, chuyên gia truyền thông tham gia giảng dạy, tổ chức các workshop, tọa đàm hay huấn luyện trực tiếp qua các dự án thực tế.
Một mô hình tiêu biểu mà Học viện đang triển khai là “Tòa soạn sinh viên” với các câu lạc bộ nghề nghiệp - nơi sinh viên được trực tiếp thực hành sản xuất tin bài, xây dựng sản phẩm truyền thông, quản lý nội dung theo mô hình hội tụ.
Ngoài ra, các “Lớp học doanh nghiệp” do nhiều khoa chuyên môn phối hợp với đơn vị truyền thông bên ngoài tổ chức cũng giúp sinh viên tiếp xúc ngay với thực tế trong quá trình học. Học viện còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, mô phỏng quy trình tác nghiệp đa nền tảng để sinh viên sớm làm quen với môi trường báo chí số.
Những mô hình này giúp sinh viên không chỉ rèn kỹ năng nghề mà còn phát triển tư duy sáng tạo, khả năng làm việc nhóm, xử lý tình huống và tinh thần kỷ luật - những yếu tố cốt lõi trong môi trường làm việc chuyên nghiệp. Đây cũng là cách để rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn, chuẩn bị hành trang cho sinh viên bước vào nghề với sự tự tin và bản lĩnh vững vàng.

Cần có khả năng tác nghiệp xuyên biên giới
- Trong xu thế hội nhập, chương trình đào tạo của Học viện đã có những điều chỉnh gì để hỗ trợ sinh viên đáp ứng tốt những yêu cầu mới của nghề báo toàn cầu?
- Trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin và giao thoa sâu rộng giữa các nền tảng truyền thông, nhu cầu của sinh viên làm việc tại các cơ quan báo chí quốc tế, tổ chức truyền thông nước ngoài hay phụ trách mảng đối ngoại ngày càng rõ nét.
Nhận diện xu hướng đó, nhiều năm nay Học viện đã chủ động đào tạo ngành Truyền thông quốc tế, Thông tin đối ngoại và điều chỉnh các chương trình giảng dạy theo hướng mở rộng năng lực toàn cầu, nâng cao trình độ ngoại ngữ và kỹ năng truyền thông liên văn hóa.
Cụ thể, Học viện đã bổ sung nhiều học phần mang tính chất quốc tế vào chương trình đào tạo, như “Báo chí quốc tế”, “Truyền thông đối ngoại”, “Truyền thông toàn cầu”, “Kỹ năng làm báo bằng tiếng Anh”... giúp sinh viên không chỉ nắm vững lý thuyết mà còn có khả năng tiếp cận, phân tích các vấn đề truyền thông ở tầm khu vực và thế giới. Ngoài ra, các chuyên đề kỹ năng viết báo bằng tiếng nước ngoài, kỹ năng phỏng vấn, tổ chức sự kiện đối ngoại hay xử lý khủng hoảng truyền thông xuyên biên giới cũng được giảng dạy dưới hình thức thực hành chuyên sâu.
Học viện đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực ngoại ngữ, mở rộng hợp tác quốc tế với nhiều trường đại học và tổ chức báo chí lớn trên thế giới để tạo cơ hội trao đổi sinh viên, học bổng, thực tập và giao lưu học thuật.
Chúng tôi xác định, nhà báo hiện đại không chỉ là công dân của quốc gia mà còn là công dân toàn cầu, giỏi chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ, am hiểu văn hóa, có khả năng tác nghiệp xuyên biên giới và xử lý thông tin đa chiều trong môi trường toàn cầu hóa.
- Những kỹ năng và phẩm chất quan trọng nào cần được trang bị để các nhà báo tương lai tự tin và thành công trong môi trường truyền thông đầy thách thức?
- Sự bùng nổ của công nghệ số và quá trình số hóa toàn diện đang làm thay đổi sâu sắc truyền thông hiện đại, từ hình thức thể hiện, cách lan tỏa đến hành vi tiếp nhận thông tin của công chúng. Trong bối cảnh đó, cơ hội nghề nghiệp dành cho nhà báo trẻ không hề thu hẹp mà ngày càng mở rộng theo hướng đa dạng và năng động.
Ngoài các cơ quan báo chí truyền thống, sinh viên tốt nghiệp ngành báo chí - truyền thông có thể tham gia vào nhiều lĩnh vực mới như sản xuất nội dung số, truyền thông doanh nghiệp, truyền thông chính sách, quản trị mạng xã hội, truyền thông khởi nghiệp, truyền thông quốc tế, thậm chí là khởi nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo nội dung độc lập. Mỗi nền tảng số, mỗi nhóm công chúng lại đòi hỏi phương thức tiếp cận linh hoạt và chuyên biệt, mở ra cơ hội để nhà báo trẻ phát huy năng lực, tư duy đổi mới và khả năng sáng tạo.
Để thành công, sinh viên báo chí cần được trang bị một hệ kỹ năng toàn diện. Trước hết là năng lực làm báo đa phương tiện, khả năng tác nghiệp trên nhiều nền tảng khác nhau, sử dụng thành thạo các công cụ số trong sản xuất và phân phối nội dung.
Kế đến là kỹ năng phân tích dữ liệu, nắm bắt xu hướng truyền thông số, kết hợp tư duy phản biện với khả năng xử lý khối lượng lớn thông tin một cách chính xác, có định hướng, kỹ năng giao tiếp liên văn hóa, làm việc trong môi trường quốc tế, quản trị khủng hoảng truyền thông và hiểu biết sâu về tâm lý công chúng số.