Theo hành trình đổi mới, sáng tạo

Nghề báo trong kỷ nguyên 4.0: Chuẩn bị đủ hành trang

GD&TĐ - Chuyển đổi số - cuộc cách mạng khoa học, công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến nền báo chí cách mạng Việt Nam dưới nhiều chiều khác nhau.

Sinh viên của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông được học tập, thực hành trong môi trường hiện đại chuyên nghiệp.
Sinh viên của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông được học tập, thực hành trong môi trường hiện đại chuyên nghiệp.

Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với TS Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) xung quanh những vấn đề này.

Cần hành trang để thích ứng

- Xin ông cho biết, công tác đào tạo các nhà báo tương lai của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông hiện nay như thế nào?

- Báo chí, truyền thông nhiều năm nay trở thành một ngành được quan tâm của xã hội và thu hút được lượng thí sinh ứng tuyển rất cao. Vì vậy mà điểm chuẩn của các ngành này cũng thường ở mức cao nhất các trường tuyển sinh. Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông cũng không nằm ngoài quỹ đạo chung ấy. Có những năm viện có điểm chuẩn đầu vào cao nhất toàn quốc (29,95 điểm). Điều này giúp chúng tôi có nhiều lựa chọn và dễ dàng lựa chọn được những học sinh xuất sắc cho quá trình đào tạo.

Trong bối cảnh thời đại và nền truyền thông toàn cầu, các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông cũng đang phải tích cực vận động để đáp ứng nhu cầu thời đại. Ở Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, nhiều năm nay cùng với quan điểm lấy tri thức nền tảng làm điểm mạnh cho sinh viên. Chúng tôi cũng liên tục cập nhật các nội dung mới của báo chí, truyền thông vào chương trình đào tạo.

Các nội dung liên quan đến truyền thông số, truyền thông đa phương tiện, truyền thông di động, chuyển đổi số… đã được bổ sung liên tục vào các nội dung giảng dạy của giảng viên.

Trong lần chỉnh sửa chương trình đào tạo mới nhất, chúng tôi đã đưa vào môn học công nghệ truyền thông số. Đây là môn học cập nhật các kiến thức, kỹ năng liên quan tới công nghệ báo chí truyền thông mới như hệ thống hội tụ SMAC, thuật toán và ứng dụng thuật toán trong báo chí truyền thông, công nghệ Bigdata, công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ phân tích dữ liệu, công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường...

Bên cạnh đó, khóa học ngắn hạn “Kỹ năng chuyển đổi số báo chí” cũng đã kịp thời được thiết kế và đưa vào ban hành để phục vụ việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo, cơ quan báo chí cũng như những ai quan tâm.

Dù rất quan tâm tới việc cập nhật các xu hướng mới cho các nhà báo tương lai, chúng tôi vẫn kiên định rằng người làm báo dù trong bối cảnh nào cũng cần phải được trang bị một nền tảng tri thức hiểu biết vừa sâu vừa rộng về các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Đó là hành trang quan trọng để thích ứng với mọi biến đổi của thời cuộc.

TS Phan Văn Kiền - Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông.

TS Phan Văn Kiền - Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông.

Báo chí không nằm ngoài vòng quay 4.0

- Chuyển đổi số đã mở ra những cơ hội cũng như thách thức nào đối với công tác đào tạo báo chí, thưa ông?

- Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 mà cốt lõi là quá trình chuyển đổi số đang tạo ra những thay đổi to lớn trong đời sống xã hội toàn cầu. Và dĩ nhiên, báo chí truyền thông cũng không nằm ngoài vòng quay ấy.

Chúng ta đang chứng kiến những chuyển biến toàn diện trong hoạt động báo chí truyền thông. Từ hoạt động quản lý Nhà nước về báo chí đến hoạt động tòa soạn và tác nghiệp của phóng viên, từ lý luận đến thực tiễn, từ pháp luật đến đạo đức, kinh tế báo chí... tất cả đều đang chuyển đổi từng ngày, từng giờ.

Công tác đào tạo báo chí truyền thông đứng trước nhiều cơ hội để mở rộng không gian, mở rộng đối tượng cũng như thu hẹp các khoảng cách địa lý, ngôn ngữ, quốc gia trong hoạt động đào tạo. Chúng ta hoàn toàn có thể ngồi tại nhà của mình để tham gia các hội thảo quốc tế, tham gia vào các khóa học mà người học đến từ toàn cầu.

Bên cạnh những thuận lợi thì thách thức cũng không ít. Có một thách thức cơ bản với các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông là làm thế nào để vừa đảm bảo tính hàn lâm, học thuật, nhưng cũng không bị tụt hậu quá xa với thực tế. Trong khi, ngành báo chí truyền thông là một ngành gắn bó rất khăng khít với sự thay đổi của xã hội cũng như khoa học công nghệ. Mà công nghệ truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số, như chúng ta thấy, thay đổi hàng ngày.

Ở Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, việc dung hòa hai quy luật ngược nhau ấy luôn được đưa ra thảo luận mỗi học kỳ, mỗi năm học. Chúng tôi hiểu rằng các kỹ năng nghề nghiệp là chiếc áo, còn kiến thức chiều sâu văn hóa là căn cốt của một nhà báo chuyên nghiệp.

Nhưng nếu không có chiếc áo ấy, nhà báo rất có thể bị tụt hậu trước sự thay đổi chóng mặt của báo chí truyền thông hiện đại. Bởi vậy, triết lý đào tạo của viện chúng tôi là đào tạo ra những nhà báo có nền tảng kiến thức sâu rộng về khoa học xã hội và nhân văn, đồng thời, cập nhật nhanh các xu hướng thay đổi của xã hội cũng như khoa học công nghệ.

Bên cạnh việc kiên trì với chủ trương đào tạo kiến thức nền tảng cho các nhà báo tương lai, chương trình đào tạo đại học của viện còn đưa các kiến thức, kỹ năng như truyền thông đa phương tiện, truyền thông xã hội, truyền thông hội tụ… vào giảng dạy cho người học.

Thay đổi nhưng không đánh mất bản sắc

- Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa việc đào tạo các nhà báo tương lai gắn với nhu cầu thực tế, đặc biệt hội nhập quốc tế chắc chắn cũng đặt ra nhiều thách thức. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

- Khi khoảng cách không gian địa lý được thu hẹp, thậm chí xóa nhòa thì thách thức đặt ra cho người học cũng như người dạy là làm thế nào để kết nối và phù hợp được với cộng đồng quốc tế rộng lớn.

Nhiều người nghĩ ngay đến việc phải trau dồi năng lực ngoại ngữ. Nhưng tôi nghĩ đó không phải là vấn đề cốt lõi. Khi công nghệ phát triển, AI đang dần thay thế các công việc của con người thì việc dung hòa về ngôn ngữ trong giao tiếp không phải là thách thức quá lớn.

Thách thức lớn nhất đối với sinh viên cũng như giảng viên trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa đó là phải thay đổi mình như thế nào để phù hợp với hệ giá trị toàn cầu mà không đánh mất bản sắc của riêng mình. Nếu định nghĩa thế nào là toàn cầu hóa, theo tôi, chính là quá trình thay đổi tiêu chuẩn của mình để đáp ứng với hệ giá trị toàn cầu. Đã đến lúc không một ai có thể quay riêng vòng quay của mình được nữa. Nhưng thách thức là làm thế nào để vẫn quay được theo vòng quay chung của nhân loại mà không bị đồng hóa theo vòng quay đó.

Để đáp ứng với bối cảnh đó, theo tôi, trước hết các cơ quan đào tạo phải hiểu giá trị toàn cầu để dần thay đổi quan điểm, thay đổi chương trình, thay đổi tư duy của người dạy, người học đáp ứng với hệ giá trị ấy. Ngoài ra, nhiệm vụ toàn cầu hóa địa phương cũng là một thách thức không hề nhỏ trong bối cảnh kinh tế, giáo dục chúng ta đang gặp nhiều khó khăn.

Toàn cầu hóa địa phương tức là làm cho toàn cầu biết đến hệ giá trị riêng của mình. Tôi nghĩ, hài hòa được giá trị của toàn cầu hóa địa phương và địa phương hóa toàn cầu chính là bản chất của quá trình toàn cầu hóa trong giáo dục nói riêng và trong các lĩnh vực khác nói chung.

- Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí lựa chọn cử nhân chuyên ngành để đáp ứng công việc hơn là việc chọn sinh viên học báo chí? Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Lựa chọn ấy có ưu điểm là chọn được những người có kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực, khi sản xuất sản phẩm báo chí về lĩnh vực ấy, họ sẽ có cơ hội tiếp cận một cách sâu rộng vào bản chất của vấn đề, từ đó sáng tạo ra những sản phẩm sâu cho công chúng tiếp nhận.

Việc đưa những thông tin nhanh chóng ban đầu là hoạt động nghiệp vụ đơn thuần của người làm báo. Để phát triển sâu sự nghiệp của mình, nhà báo cần phải đi chuyên sâu vào một lĩnh vực hoặc một thể loại để định hình phong cách, tên tuổi của mình.

Tuy nhiên, có hai thách thức đặt ra với lựa chọn này. Thứ nhất là họ chỉ có thể tác nghiệp tốt ở lĩnh vực mà họ có chuyên môn sâu, khi phải tác nghiệp ở lĩnh vực khác thì có thể các phóng viên này sẽ bị lúng túng. Trong bối cảnh báo chí hiện nay, đó là một hạn chế rất cơ bản.

Thứ hai, khi không được đào tạo các vấn đề về lý luận báo chí, đạo đức, phẩm chất, bản lĩnh nghề nghiệp và các kỹ năng tác nghiệp cơ bản, người làm báo rất dễ lúng túng trong quá trình tác nghiệp, đặc biệt, sẽ rất vất vả trong việc xác định được bản chất, chức năng, tính chất công việc mình đang làm là gì.

Trong khi đó, lao động báo chí ngoài hoạt động thông tin còn là một hoạt động mang tính chính trị xã hội rất cao. Ở Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông chúng tôi, việc trang bị tri thức nền tảng về khoa học xã hội nhân văn cho người học là điều được chú trọng. Điều này giúp người học phát triển sự nghiệp của mình bằng những sản phẩm chuyên sâu.

Bên cạnh đó, việc trang bị, rèn giũa bản lĩnh, phẩm chất, kỹ năng nghề nghiệp cũng như việc cập nhật nhanh các xu hướng phát triển giúp người học có thể ứng phó linh hoạt và thành thạo các nghiệp vụ tác nghiệp báo chí ngay khi chưa ra trường.

Giáo dục đạo đức, trách nhiệm

- Ông đánh giá như thế nào trước những cơ hội việc làm và công tác giáo dục đạo đức nghề báo của các nhà báo tương lai trong giai đoạn hiện nay?

- Như đã nói ở trên, dù có nhiều yếu tố chi phối và ảnh hưởng tới việc đào tạo một người làm báo thì các vấn đề về đạo đức, pháp luật, trách nhiệm của nhà báo với công chúng và thời đại của mình vẫn là vấn đề cần được trang bị kỹ cho sinh viên báo chí ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Bởi, các kiến thức, kỹ năng làm báo là các yếu tố giúp người làm báo có thể sáng tạo ra tác phẩm phục vụ công chúng. Nhưng yếu tố hun đúc nên bản lĩnh, phẩm chất của một nhà báo chân chính lại là đạo đức nghề nghiệp, sự thấm nhuần vai trò, vị trí của mình trong bối cảnh truyền thông xã hội đang diễn biến phức tạp, đa chiều như hiện nay.

Vì vậy, bên cạnh kiến thức sâu rộng, bên cạnh kỹ năng tiên tiến thì vấn đề đào tạo pháp luật, đạo đức báo chí cho sinh viên là một nhiệm vụ rất quan trọng của tất cả các cơ sở đào tạo ngành báo chí truyền thông.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Khám phá web đọc sách phong phú