Theo hành trình đổi mới, sáng tạo

Chuyện đời, chuyện nghề

GD&TĐ -Khi đã trọn vẹn với nghề, nhiều nhà báo lão thành dành tâm huyết để “truyền lửa” cho thế hệ trẻ...

Nhà báo Trần Mai Hưởng (giữa) cùng các nhà báo: Ngọc Đản, Hoàng Thiểm di chuyển qua đèo Hải Vân vào Đà Nẵng (29/3/1975). Ảnh: NVCC
Nhà báo Trần Mai Hưởng (giữa) cùng các nhà báo: Ngọc Đản, Hoàng Thiểm di chuyển qua đèo Hải Vân vào Đà Nẵng (29/3/1975). Ảnh: NVCC

Việc “truyền lửa” cho thế hệ trẻ qua chuyện đời, chuyện nghề, để cùng viết tiếp câu chuyện của hiện tại và tương lai.

Nhớ những ngày gian nan, vất vả

Trước khi đến với nghề báo, Nguyễn Uyển là nhà giáo giảng dạy bộ môn Khoa học xã hội. Từ năm 1961 - 1965, ông làm giáo viên, rồi Hiệu trưởng Trường Cấp II Cao Đại (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), nay là THCS. Từ 1966 - 1990, ông là phóng viên, Tổng Biên tập Báo Vĩnh Phú. Từ 1990 - 2006, ông làm Trưởng ban Nghiệp vụ và Công tác Hội, sau là Trưởng ban Công tác Hội (Hội Nhà báo Việt Nam) kiêm giảng viên giảng dạy báo chí... cho tới khi nghỉ hưu.

Nhà báo Nguyễn Uyển sinh năm 1940, ở tuổi 85, ông vẫn nhớ rành rọt công việc của một thời làm báo gian nan khi đất nước có chiến tranh, cấm vận, cán bộ sống bằng tem phiếu bao cấp... Đồ nghề tác nghiệp báo chí thiếu thốn đủ bề. Ngày đó, không tivi, điện thoại di động, máy ảnh, Facebook, Internet, máy ghi âm, kỹ thuật số, không có máy in báo hiện đại như bây giờ… Khó khăn là thế, nhưng không có lời kêu ca, không ai xao nhãng công việc, báo ra đủ kỳ, vượt lên bom đạn đến với bạn đọc để cổ vũ nhiệt huyết cách mạng, hậu phương thi đua với tiền phương...

“Thời chúng tôi làm báo ai cũng đam mê, thủy chung, son sắt với nghề. Nhà báo thực sự là chiến sĩ cách mạng như lời Bác Hồ đã dạy. Viết báo phải đúng sự thật, không được nói dối, nói sai, không bôi đen, tô hồng. Chúng tôi luôn sát cánh bên nhau vì công việc!...”, nhà báo Nguyễn Uyển chia sẻ.

“Nghề giáo nghề mẫu mực; nghề văn nghề nhọc nhằn; nghề báo nghề khắt khe, nghiệt ngã”, nhà báo Nguyễn Uyển nhìn nhận. Thời gian làm nhà giáo đã mang lại nhiều trải nghiệm, vốn sống nên sau này ông có nhiều bài viết tươi mới về lĩnh vực giáo dục. Bút ký “Nơi để sống hết mình” là một ví dụ. Tác phẩm viết về tập thể thầy cô giáo Trường THPT Trần Phú (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) trong những năm kháng chiến, chống giặc ngoại xâm, đăng trên báo Văn nghệ để lại nhiều ấn tượng đẹp với bạn đọc...

Hay một loạt bài đăng trên báo chí viết về thầy giáo giảng dạy và quản lý Trần Bá Lạn - người có công lớn gây dựng nền nếp của Khoa Báo chí đầu tiên từ những năm mở lớp Đại học Báo chí khóa I (1969 - 1973, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). “Cái tâm, đức, tình; trách nhiệm và tận tụy với công việc khiến nhiều sinh viên đã viết và nói đẹp về công việc của thầy với lớp, khoa và bạn bè. Thầy thực sự là tấm gương đẹp về quản lý, dạy dỗ sinh viên suốt cuộc đời; một nhà giáo mẫu mực về giảng dạy báo chí!...”, nhà báo Nguyễn Uyển nhớ lại.

Nhà báo Nguyễn Uyển. Ảnh: NVCC

Nhà báo Nguyễn Uyển. Ảnh: NVCC

Ngày khai giảng đặc biệt

Lật giở từng trang ký ức, nhà báo Trần Mai Hưởng (sinh năm 1951) - nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam chậm rãi kể: “Từ những năm 70 thế kỷ trước, tôi là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam. Hoàn cảnh lịch sử khiến tôi lên đường ra trận, trở thành nhà báo - chiến sĩ cầm bút. Đó là những trải nghiệm khó quên mà không phải nhà báo nào cũng có được”.

Cuối năm 1971, nhà báo Trần Mai Hưởng được điều động vào mặt trận Quảng Trị. Những ngày hè đỏ lửa ở mặt trận Quảng Trị (năm 1972) đã để lại ấn tượng đặc biệt với ông. “Lá thư từ một khu tập trung” là bài báo đầu tiên của ông viết trên mảnh đất này với tư cách phóng viên Thông tấn xã và để lại “cảm giác khó tả tràn ngập”.

Suốt những năm 1972 - 1975, nhà báo Trần Mai Hưởng có nhiều bài viết, chùm ảnh phản ánh đậm nét về phong trào nổi dậy của nhân dân giành và xây dựng chính quyền, bảo vệ làng xóm, ổn định cuộc sống mới. Ông vẫn nhớ như in về ngày khai trường ở huyện Gio Linh (Quảng Trị) vào đầu năm 1973. Ông tự cho mình là người may mắn khi được tham dự sự kiện này để đưa tin, viết bài. Với ông, đó là ngày khai giảng đặc biệt, không thể nào quên.

“Thời điểm đó, tiếng súng đã ngừng vang, làng quê, người dân bắt đầu khôi phục cuộc sống, trường học mở trở lại trên đất Gio Linh - nơi bị bom đạn chiến tranh hủy diệt, người dân phải đi sơ tán. Sau nhiều năm tản cư, nay họ được trở về quê hương, con cái cắp sách đến trường. Ngày ấy, trường học đơn sơ, lớp học là những căn lều, lán do người dân và cán bộ dựng lên. Thế nhưng, từ cụ già đến em nhỏ, ai nấy đều ánh lên niềm tự hào và hạnh phúc vô bờ bến”, nhà báo Trần Mai Hưởng nhớ lại.

Khi đến Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, nhà báo Trần Mai Hưởng cũng có những bài viết, ảnh báo chí về học sinh, sinh viên tham gia tích cực vào hoạt động cách mạng. Họ tham gia tuyên truyền cho lực lượng giải phóng, làm du kích, dân quân tự vệ của chính quyền cách mạng. Bài viết về những người tự vệ thành Huế là ví dụ.

Hay như bài viết về đêm lửa trại trên sông Hương ngay sau giải phóng thành phố Huế. Lực lượng thanh niên, sinh viên tổ chức đêm lửa trại, họ ca hát, tuyên truyền cách mạng cho đồng bào. Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, nhà báo Trần Mai Hưởng đến một số trường học ở TPHCM để phỏng vấn, viết bài. “Ai cũng hồ hởi, vui tươi vì đất nước thống nhất, non sông thu về một mối”, nhà báo Trần Mai Hưởng chia sẻ và nhận thấy, ở thời nào cũng vậy, thanh niên, học sinh, sinh viên luôn nhiệt huyết, sáng tạo và sẵn sàng dấn thân.

Đất nước hòa bình, ông tiếp tục gắn bó mật thiết với nghề báo. Bằng sự nỗ lực của bản thân, nhà báo Trần Mai Hưởng trở thành Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Khi đã trọn vẹn với nghề, lúc về hưu, ông lại cùng đồng nghiệp đi tới mọi miền của Tổ quốc, gặp gỡ những người từng là nhân chứng lịch sử hoặc thân nhân của họ để viết tiếp câu chuyện về sau.

Nhà báo Vũ Hải khi còn là phóng viên thường trú tại Pháp. Ảnh: NVCC

Nhà báo Vũ Hải khi còn là phóng viên thường trú tại Pháp. Ảnh: NVCC

Duyên nghề

Hơn 37 năm gắn bó với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), nhà báo Vũ Hải - nguyên Phó Tổng Giám đốc vẫn nhận nghề báo đến với mình như một cơ duyên và trở thành sợi dây kết nối để ông gắn bó đến tận bây giờ. Dù đã nghỉ hưu, nhưng ông vẫn cộng tác thường xuyên với Ban Đối ngoại (VOV5).

Khi còn là học sinh, chưa bao giờ nhà báo Vũ Hải nghĩ sẽ dấn thân vào nghề viết báo. Ngày ấy, lựa chọn của ông là nhà giáo. Vì thế sau tốt nghiệp THPT, ông theo học Khoa Pháp, Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ (nay là Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội). Ra trường, ông bất ngờ chuyển sang làm báo và trở thành phóng viên của Phòng Tiếng Pháp, Ban Biên tập đối ngoại (Đài Tiếng nói Việt Nam). “Chuyên viết cho người nước ngoài, nên các bài viết của tôi thường ngắn gọn, súc tích”, nhà báo Vũ Hải chia sẻ.

Là người được đào tạo bài bản về tiếng Pháp nên khi vào làm ở VOV, nhà báo Vũ Hải nhiều lần được cử đi học về nghiệp vụ báo chí ở Tiệp Khắc và Pháp. Chuyến đi Pháp đầu tiên của ông vào cuối năm 1991. Ngày ấy, ông theo chân một phóng viên Pháp đi tác nghiệp ngoài hiện trường. Chuyến đi đã giúp ông học được cách làm bản tin, xử lý âm thanh, viết bình luận phát thanh ngắn và cách sắp xếp, trình bày một bản tin… “Đó là những giờ học bổ ích, giúp tôi trưởng thành hơn trong nghề nghiệp”, nhà báo Vũ Hải bộc bạch.

Từ năm 1999 - 2002, nhà báo Vũ Hải thường trú ở Paris. Ông là một trong hai phóng viên thường trú đầu tiên của VOV tại Cộng hòa Pháp. Trong thời gian này, ông có nhiều bài viết ở hầu hết lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, cho đến kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo. Ông cũng có nhiều bài viết phản ánh cuộc sống đời thường ở Paris và nước Pháp như: Bưu điện Pháp, người Pháp với Internet, nạn bạo lực học đường, nỗi lo của phụ huynh Pháp… “Ngày ấy phóng viên thường trú vất vả. Khó khăn nhất là làm sao có được các nguồn tin ở nơi đất khách quê người”, nhà báo Vũ Hải kể.

Bên cạnh nguồn tin từ Đại sứ quán của Việt Nam tại Pháp, nhà báo Vũ Hải đã kết nối được các cơ quan của nước sở tại. Ngoài ra, ông quan sát hiện trường và thực tế cuộc sống, sau đó kết hợp với tư liệu tra cứu để làm chất liệu cho các tác phẩm của mình.

Nhớ lại thời điểm báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam ra đời (3/2/1999), nhà báo Vũ Hải chia sẻ, ngày ấy, bà con Việt kiều không phải ai cũng có điều kiện hòa mạng Internet, nhất là các bác cao tuổi trong Hội Công nhân, Hội Phụ lão, Hội Công thương… thuộc Hội Người Việt Nam ở Pháp.

Trước đây, các bác là lính thợ, sang Pháp từ những năm 1939 - 1940. Các bác rất thích nghe chương trình dành cho đồng bào Việt Nam xa Tổ quốc của VOV. “Khi đó, cứ có tin tức về cộng đồng người Việt Nam tại Pháp hay những tin tức liên quan đến chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với Việt kiều trên báo điện tử VOV, chúng tôi đều in ra và cung cấp cho các bác để đưa vào bản tin của Hội. Tờ báo điện tử của VOV đã trở thành nhịp cầu gắn kết giữa chúng tôi với Tổ quốc, cộng đồng người Việt xa quê hương”, nhà báo Vũ Hải bộc bạch.

Đau đáu với nghề

Cho đến bây giờ, nhà báo Vũ Hải còn nhiều trăn trở và sẵn sàng hỗ trợ các phóng viên, biên dịch viên trẻ, giúp họ nâng cao nghiệp vụ báo chí. Ông luôn lưu ý về việc đưa tin phải cẩn thận, trung thực, khách quan, có trách nhiệm với xã hội và không lồng ghép ý kiến chủ quan vì mục đích cá nhân vào bài viết. “Đây cũng là những nguyên tắc chung đối với người làm báo”, nhà báo Vũ Hải nhấn mạnh.

Từ thực tiễn, nhà báo Trần Mai Hưởng nhận thấy, hoạt động báo chí ngày nay khác nhiều với ngày xưa. Không chỉ là món ăn tinh thần của người dân, báo chí còn là công cụ tuyên truyền để cổ vũ cá nhân, tập thể, xây dựng xã hội phát triển. Một trong những nhiệm vụ của nhà báo hiện nay là xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Trong bối cảnh báo chí phải đối diện với không ít thách thức, đòi hỏi người làm báo có những yêu cầu riêng nhưng nhà báo Trần Mai Hưởng vẫn có lòng tin: Lực lượng làm báo hiện nay được đào tạo tốt, năng động, có kiến thức, hiểu biết về khoa học công nghệ và có khả năng đổi mới để theo kịp yêu cầu chung. Đội ngũ hiện nay có đủ phẩm chất, năng lực để hoàn thành tốt thiên chức của mình, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.

Nhắn nhủ với đội ngũ nhà báo trẻ, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam nhấn mạnh ba điều: Thứ nhất, phải tâm huyết với nghề nghiệp. Tâm huyết, tự trọng nghề nghiệp và phấn đấu vì một mục tiêu tốt đẹp. Thứ hai, phải có bản lĩnh để không bị “ngả nghiêng”, tác động, lôi kéo, cám dỗ. Thứ ba, phải sáng tạo, năng động. “Dù còn nhiều yêu cầu khác với phóng viên, nhà báo nhưng đó là ba điều cốt lõi mà tôi muốn các bạn lưu tâm”, nhà báo Trần Mai Hưởng bày tỏ.

Theo nhà báo Nguyễn Uyển, ngày nay, làm báo có nhiều thuận lợi hơn trước, nhưng cũng đối diện muôn vàn khó khăn. Các nhà báo phải tài năng, hiểu rộng, biết sâu; thông thạo nghề nghiệp; công nghệ mới để tiếp nhận thông tin và loan tin nhanh chóng kịp thời, vì lợi ích của nhân dân, xã hội và đất nước. Đã chọn nghề báo “nghề khắt khe, nghiệt ngã” thì phải thực sự đam mê, đó là những điều nhà báo Nguyễn Uyển muốn nhắn nhủ đến các nhà báo trẻ.

Vẫn nhớ những lời của Bác Hồ dạy khi viết bài về những tấm gương, nhà báo Nguyễn Uyển chia sẻ, viết về người tốt, việc tốt không phải để kể lể họ được bao nhiêu bằng khen, phần thưởng; mà căn bản nhất là nói cho rõ: Họ làm việc ấy như thế nào. Đó là cái độc giả cần theo, cần đọc, cần vận dụng... Các bài viết của nhà báo Nguyễn Uyển đã nói lên điều đó!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.