Nhà báo Phan Tùng Sơn - miệt mài với đề tài hậu chiến

GD&TĐ - Phan Tùng Sơn là nhà báo được nhiều đồng nghiệp nể phục bởi sức viết và sức làm việc của anh. Hàng chục năm như con tằm cần mẫn trên “cánh đồng chữ”, anh đã khẳng định tên tuổi mình với thể loại bút ký, truyện ký. Ngoài ra, anh còn tham gia giảng dạy ở nhiều trường đại học và còn làm thơ nữa.

Phan Tùng Sơn trong một chuyến đi tác nghiệp tại Nhà giàn DK1
Phan Tùng Sơn trong một chuyến đi tác nghiệp tại Nhà giàn DK1

Được nghề viết chọn

PV: Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chính trị, nhận công tác về Trường Sĩ quan Lục quân 2, mối duyên nào dẫn anh đến với văn chương?

PHAN TÙNG SƠN: Tôi đến với văn chương trước khi trở thành sĩ quan quân đội. Từ ngày còn là anh lính binh nhì ở Tiểu đoàn 512 - Tổng cục Hậu cần, tôi đã làm thơ, viết văn và vẽ. Các tờ báo tường và tranh cổ động ở đơn vị lúc bấy giờ đều có bàn tay đóng góp của tôi. Các thủ trưởng thấy tôi có năng khiếu văn chương, nghệ thuật nên cử tôi đi ôn thi vào Trường Sĩ quan Chính trị.

Sau khi trúng tuyển, tôi có 4 năm học dưới mái trường đào tạo sĩ quan trên đất Quan họ. Được sự giúp đỡ của một số nhà văn, nghệ sĩ, tôi được cộng tác với Tạp chí Văn nghệ Hà Bắc và các báo Quân đội nhân dân, Tiền phong…, tham gia một số hoạt động nghệ thuật ở Bắc Ninh. Ra trường, tôi được phân công về Trường Sĩ quan Lục quân 2 công tác và tiếp tục viết báo, viết văn cộng tác với nhiều báo, tạp chí. Đến năm 2001, tôi được Tổng cục Chính trị điều về báo Quân đội nhân dân công tác cho đến nay.

Hồi bé anh có nuôi ước mơ trở thành nhà thơ không?

- Hồi nhỏ, tôi học giỏi văn nên có ước mơ làm thầy giáo dạy văn. Đến tuổi trưởng thành thì ước mơ làm họa sĩ vì cha và chú của tôi đều là họa sĩ. Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, tôi thi tuyển vào lớp Điêu khắc của Công ty Cổ phần Daxuco Hồng Lĩnh ở thành phố Vinh, Nghệ An. Học hội họa được gần 1 năm thì công ty giải thể, tôi về quê, đi vẽ truyền thần kiếm sống.

Cũng nhờ cái nghề này nên sau khi tình nguyện đi bộ đội, tôi phát huy được khả năng trong môi trường quân ngũ. Với nhiều người khác, có thể người chọn nghề, nhưng với tôi thì có thể nói cây viết đã chọn tôi. Từ những bài thơ tuổi học trò cho đến những mẩu tin nhỏ trên báo, đều được tôi viết với tất cả niềm đam mê, khát khao.

Phan Tùng Sơn (phải) trò chuyện với nhà thơ Trần Đăng Khoa trong chương trình giao lưu nghệ thuật “Nhà báo chiến sĩ” trực tiếp trên HTV9

Phan Tùng Sơn (phải) trò chuyện với nhà thơ Trần Đăng Khoa trong chương trình giao lưu nghệ thuật “Nhà báo chiến sĩ” trực tiếp trên HTV9

Theo đuổi nàng thơ hàng chục năm nhưng gần đây, nhắc đến Phan Tùng Sơn người ta lại nhắc tới một tay bút ký chắc tay, là tác giả của những tập truyện ký có dấu ấn. Quá trình viết bút ký, truyện ký, nhân vật nào để nhiều dấu ấn nhất với anh?

- Tôi làm thơ giống như đi du lịch, còn viết ký là đi tác nghiệp. Dù thực tế, mình có thể kết hợp vừa đi tác nghiệp vừa đi du lịch, nhưng khi ngồi trước bàn phím thì tôi rất rạch ròi. Những tư liệu nóng sốt tôi dành cho ký, phóng sự, nặng tay hơn là truyện ký. Cảm xúc lắng đọng từ những va đập của cuộc sống, tôi dành cho thơ, truyện ngắn. Thể loại nào cũng đều phải sử dụng ngôn từ làm công cụ và hướng tới độc giả. Bổn phận của mình là viết. Còn sức sống của tác phẩm đến đâu là do sự tiếp nhận và sàng lọc của công chúng.

Những nhân vật đề tài hậu chiến tranh luôn ám ảnh tôi. Càng tìm hiểu, đi sâu vào những ngõ ngách của cuộc sống sau chiến tranh, tôi càng thấy những người cầm bút chúng ta còn nợ cha anh quá nhiều. Mấy năm trước, tôi theo chân một nữ cựu tù Côn Đảo về vùng đất Gò Nổi (Quảng Nam). Gần một tháng sống với các cô, các chị cựu tù, tôi như ở một thế giới khác. Ở đó có những thân phận tột đỉnh của khí phách anh hùng trong chiến tranh và tận cùng của hoàn cảnh bi ai khi trở về.

Những người vào sinh ra tử trong tù, khi trở về đời thường đã phải nhường chồng cho nhau để giúp đồng đội mình có hạnh phúc làm mẹ nhưng cũng chẳng có kết quả. Tôi cảm thấy ngôn ngữ của mình bất lực, khi tái hiện những câu chuyện ấy trên trang viết, dù đã thể hiện bằng những loạt ký sự dài kỳ. Nhiều người vẫn thường nghĩ một cách cơ học, sự hy sinh của những chiến sĩ trong chiến tranh là sự mất mát về xương máu trên chiến trường.

Thực tế, còn rất nhiều sự hy sinh dai dẳng, âm thầm, khó định lượng trong đội ngũ những người trở về sau chiến tranh, mà cho đến hôm nay, chúng ta vẫn chưa chạm tới được. Năm 2017, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh xuất bản cuốn truyện ký Mật mã đặc khu của tôi viết về nhà cách mạng quá cố Phan Kiệm. Đây cũng là một trong những nhân vật tiêu biểu của sự hy sinh ấy.

Nhà báo Phan Tùng Sơn trong buổi giao lưu với lớp Báo chí khóa 2011, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Ảnh: Huỳnh Dũng Nhân)

Nhà báo Phan Tùng Sơn trong buổi giao lưu với lớp Báo chí khóa 2011, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Ảnh: Huỳnh Dũng Nhân)

Nhờ thơ “tán” được vợ

Vợ có từng là nàng thơ trong sáng tác của anh không?

- Có chứ! Tôi “tán” được vợ là nhờ thơ đấy. Hồi đi hỏi vợ, tôi chả có gì ngoài thơ và một cái xe máy cà tàng không giấy tờ. Tôi chở cô ấy đi ăn chè, mọi thứ trên xe đều phát ra tiếng kêu, thứ duy nhất không kêu đó là cái…còi. Vợ tôi thường đọc thơ tôi từ trong bản thảo. Có bài cô ấy khen hay. Có bài thì cô ấy bảo dở…

Ngoài giọng nói rặt xứ Nghệ, có tính cách Nghệ nào vẫn in dấu trong anh sau hàng chục năm ở phố không?

- Tôi dở ngoại ngữ, nhưng được cái nội ngữ thì có thể nói được cả 3 giọng Bắc- Trung- Nam. Về quê hoặc tiếp xúc với người quê, tôi “chơi” rặt giọng Nghệ. Lên truyền hình, tôi nói giọng Bắc. Tác nghiệp ở miền Nam, tôi “xài” giọng Nam Bộ. Dù nói giọng miền nào thì bản chất tôi vẫn là anh nhà quê ở phố.

Quê hương và gia đình có ý nghĩa như thế nào với cuộc sống và sự nghiệp của anh?

- Trong bài Mưa miền thơ ấu của tôi có mấy câu thơ có thể trả lời cho câu hỏi này:

Suốt cuộc hành trình con nương bóng Tổ tiên

Ân hồng phúc xanh cây đời vạn dặm

Con đi qua trăm miền lạnh ấm

Nắng mưa mòn quang gánh tuổi mẹ cha…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ