Qua tác phẩm báo chí của mình, nhà báo Tuấn Quỳnh mong muốn sẽ đóng góp một phần công sức nhỏ bé để nâng cao chất lượng giáo dục của Hà Giang.
Suýt trở thành nhà giáo
Quách Tuấn Quỳnh là một gương mặt quen thuộc đối với những người làm báo tại Hà Giang, nơi miền cực Bắc của tổ quốc. Trẻ trung, nhanh nhẹn, không ngại “dấn thân”, anh nỗ lực tạo ra các tác phẩm báo chí với nội dung phong phú, ý nghĩa và mới mẻ với khán giả truyền hình.
Ít ai biết rằng, nhà báo Tuấn Quỳnh không học chuyên môn về báo chí. Anh tốt nghiệp Cử nhân sư phạm Văn nhưng lại bén duyên với nghề báo. Gần 15 năm công tác tại Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Hà Giang, rất nhiều tác phẩm báo chí của anh được độc giả đánh giá cao và đoạt nhiều giải thưởng.
Nhà báo Tuấn Quỳnh (bìa trái) thực hiện chuyên mục Dân hỏi - Lãnh đạo trả lời của Đài PT- TH Hà Giang. |
Tuấn Quỳnh chia sẻ, 15 năm làm tại Đài TP - TH Hà Giang anh đã thực hiện nhiều đề tài báo chí về mảng đời sống xã hội. Và anh cũng không nhớ đã bao nhiêu lần mình thực hiện các nội dung liên quan đến giáo dục và đạo tạo tại địa phương.
“Có thể nó liên quan đến chuyên ngành sư phạm của mình đã được đào tạo nên tôi hay theo dõi mảng này”, Tuấn Quỳnh cười nói.
Đó là những lần anh ghi nhận nỗ lực học tập của thầy và trò tại một điểm trường nơi biên giới huyện Mèo Vạc, hay những lần lên sóng chuyên mục Dân hỏi - Lãnh đạo trả lời của Đài PT- TH Hà Giang với khách mời là những người làm trong ngành giáo dục của Hà Giang.
Những câu hỏi của người dân, cán bộ, giáo viên về chính sách liên quan đến giáo dục đã được lãnh đạo ngành trả lời, qua đó giúp giải đáp những thắc mắc trên một cách rõ ràng, thỏa đáng.
Mong muốn giáo dục Hà Giang phát triển
Phóng sự “Chất lượng giáo dục và đào tạo ở Hà Giang: Thực trạng và giải pháp” được Tuấn Quỳnh lựa chọn tham gia Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" năm 2023.
Tác phẩm được Tuấn Quỳnh thực hiện trên cơ sở kết quả tổng kết năm học 2022-2023 của tỉnh Hà Giang và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 không mấy “vui vẻ” khi mà Hà Giang có năm thứ 3 liên tiếp đứng ở vị trí 63/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Phóng sự đã phản ánh thực trạng chất lượng giáo dục và đào tạo ở Hà Giang dưới góc nhìn nhiều chiều như học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo, người dân và quan điểm của người đứng đầu Đảng bộ tỉnh. Một mặt đánh giá cao những kết quả đạt được và chia sẻ với những khó khăn đồng thời phải khẳng định việc nâng cao chất lượng giáo dục là yếu tố bắt buộc.
Để làm được điều trên không chỉ cần sự cố gắng nỗ lực của ngành giáo dục mà quan trọng hơn sự vào cuộc của toàn xã hội như gia đình, hệ thống chính trị và động cơ học tập của các em học sinh.
Nhà báo Quách Tuấn Quỳnh. |
Anh cho biết: Khi đó trên mạng xã hội đã dấy lên những bình luận tiêu cực về ngành GD&ĐT cũng như hình ảnh của tỉnh Hà Giang. Phải khẳng định đây là sự phản ánh đúng song nó chưa toàn diện.
Đầu tiên, điều dễ nhận thấy đó là Hà Giang một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước. Địa hình phức tạp, toàn tỉnh thiếu hơn 4.000 giáo viên, nhận thức, sự quan tâm, chăm lo cho giáo dục của chính các bậc phụ huynh cũng còn nhiều hạn chế. Cũng phải thực tế thừa nhận tại một số cơ sở, chất lượng giáo dục đào tạo chưa phản ánh đúng thực tế, vẫn còn tình trạng nặng thành tích, chạy đua trường chuẩn… Đó là những nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục của tỉnh chưa được cao.
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Hà Giang đã tổ chức Hội nghị bàn giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, thành lập Ban chỉ đạo Nâng cao chất lượng giáo dục do Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố là trưởng Ban và thành viên. Hội nghị đã nhận diện rõ những hạn chế, nêu lên giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của Hà Giang.
Ngoài ra, những năm qua, ngành giáo dục Hà Giang đã triển khai rất nhiều những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục như: Thành lập Quỹ khuyến học, xây dựng trường PTDT nội trú THCS, THPT tại 11 huyện, thành phố; thành lập phân hiệu Đại học, xóa điểm trường... đã giúp tỉnh Hà Giang nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Với một người làm báo có thâm niên tại Hà Giang, Tuấn Quỳnh cho biết, tất cả mọi người đều thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt đời sống của đồng bào nơi đây, đặc biệt là khó khăn trong công tác dạy và học.
Trong quá trình thực hiện phóng sự “Chất lượng giáo dục và đào tạo ở Hà Giang: Thực trạng và giải pháp”, cơ bản là rất thuận lợi. Lãnh đạo Đài ủng hộ khi xây dựng nội dung, nhiều người liên hệ để giúp đỡ triển khai đề tài.
Tuy nhiên, cũng có một số khó khăn như khi triển khai đề tài tại một số cơ sở giáo dục, nhà giáo ngại nói đến điều này; một bộ phận người dân còn chủ quan, đánh đồng bản chất khi Hà Giang đã từng xảy ra những sai phạm liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018.
Nhiều người được phóng vấn, đặt vấn đề thường ngại vì cho rằng vấn đề nhạy cảm. Lúc đó anh lại phải thuyết phục rất lâu.
“Qua tác phẩm của mình, tôi chỉ muốn mọi người có một cái nhìn thẳng thắn và công tâm hơn đối với công tác giáo dục và đạo tạo của Hà Giang. Có khó khăn, có thuận lợi và có cả những hành động của toàn bộ hệ thống chính trị để nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà”, Tuấn Quỳnh cho biết.