Rút ngắn khoảng cách giáo dục
Đề án sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã đi qua chặng đường 3 năm. Sau 3 năm, hệ thống mạng lưới trường học trong tỉnh được quy hoạch khá hoàn chỉnh, phát triển hài hòa giữa các cấp học, phù hợp với cơ cấu giáo dục. Đặc biệt, sự đồng thuận của cha mẹ học sinh trong việc chuyển trẻ từ điểm trường lẻ về học tại trường chính tạo nên hiệu ứng tích cực trong triển khai đề án.
Việc sáp nhập các trường đã thu gom đầu mối quản lý, khắc phục tình trạng nhiều cơ sở trường học, điểm trường lẻ có quy mô nhỏ trên cùng địa bàn. Đồng thời hạn chế tình trạng lãng phí về bộ máy biên chế, quản lý cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học...
Theo Đề án sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, giai đoạn 2020 - 2025, cấp học Mầm non giảm 4 trường, Tiểu học giảm 19 trường, Trung học cơ sở giảm 1 trường và Trung học phổ thông tăng 1 trường. Tổng số điểm trường chính còn lại 468.
Trong đó, Mầm non 114 trường, Tiểu học 206 trường, THCS 116 trường và THPT 32 trường. Giảm 69 điểm trường lẻ, tổng số điểm trường lẻ còn lại 333 điểm. Công tác xã hội hóa, mời gọi đầu tư 38 trường. Nâng tổng số trường ngoài công lập ở cuối giai đoạn 2020 - 2025 lên 55 trường. Đến năm 2030, giảm 31/491 trường học công lập (tỷ lệ 6,31%) và giảm được 89/402 điểm trường lẻ (tỷ lệ 22,14%); xã hội hóa và mời gọi đầu tư thêm 57 trường ngoài công lập.
Theo Sở GD&ĐT Cà Mau, sau 3 năm triển khai Đề án sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh đã xoá 67 điểm trường lẻ, điểm học nhờ từ cấp mầm non đến phổ thông. Trong đó, xóa 43 điểm học nhờ, 1 điểm lẻ bậc học mầm non; xóa 22 điểm trường Tiểu học ở các huyện, thành phố; xóa 1 điểm lẻ trường THCS. Đối với cấp THPT, ghép 1 điểm trường THCS vào trường THPT thành trường THCS - THPT; chuyển Trường THCS Nguyễn Huân (huyện Đầm Dơi) thành Trường THCS - THPT Nguyễn Huân, trực thuộc sở GD&ĐT.
Việc sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học nhằm từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy mô dàn trải, nhiều điểm trường lẻ có số lượng học sinh ít; bình quân học sinh trên lớp còn thấp so với số lượng tối đa mà điều lệ mỗi cấp học quy định, bố trí giáo viên mất cân đối giữa các môn học,... nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.
Tại Hội nghị sơ kết 3 thực hiện Đề án sắp xếp, phát triển mạng lưới trường, lớp học trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Đề án sắp xếp, phát triển mạng lưới trường, lớp học đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tỉnh cần tiếp tục rà soát, sắp xếp trường lớp các cấp học phù hợp, đồng bộ, liên thông, phát huy thiết chế giáo dục. Nghiên cứu chính sách, cơ chế giáo dục, nhất là giáo dục mầm non; chính sách thu hút, hỗ trợ cho giáo viên, nhất là giáo viên ở vùng sâu, vùng xa...
Trường THPT Đầm Dơi (Cà Mau) khen thưởng HS có thành tích xuất sắc năm học 2022 - 2023. |
Tập trung ổn định đội ngũ nhà giáo
Bên cạnh sắp xếp trường lớp, ngành Giáo dục tỉnh Cà Mau tiến hành sắp đội ngũ nhà giáo; giải quyết vấn đề thừa, thiếu giáo viên.
Theo Sở GD&ĐT Cà Mau, trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện, tỉnh Cà Mau quan tâm bồi dưỡng, bổ sung nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Đặc biệt là việc sắp xếp thừa, thiếu cục bộ giáo viên tại các trường trực thuộc. Xây dựng, củng cố đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục là một trong những yếu tố then chốt bảo đảm cho sự thành công của việc triển khai Chương trình GDPT 2018. Theo đó, Sở GD&ĐT đã triển khai kế hoạch sắp xếp thừa, thiếu cục bộ giáo viên năm học 2023 - 2024.
Đầu năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục Cà Mau có trên 14 nghìn viên chức quản lý, giáo viên, nhân viên; còn thiếu khoảng 700 giáo viên (Mầm non khoảng 200; cấp phổ thông khoảng 500).
Giải pháp triển khai là sắp xếp giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học; cân bằng về số lượng, chất lượng, số người làm việc trong cơ sở giáo dục, hạn chế giáo viên dạy ngoài giờ, dạy tăng tiết. Việc sắp xếp giáo viên dựa trên định mức số lượng người làm việc theo quy định của Bộ GD&ĐT và số biên chế được giao của cấp có thẩm quyền; thực hiện công khai, công bằng, dân chủ, minh bạch theo kế hoạch cụ thể đối với từng đơn vị.
Tỉnh đặt hàng đào tạo nguồn tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới; bồi dưỡng giáo viên các môn tích hợp; bố trí biên chế, hợp đồng lao động phù hợp từng năm theo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018, bảo đảm không bị động về số lượng và theo cơ cấu môn học, nhất là giáo viên cho các môn học mới...