Nguyễn Xuân Sanh: Người không để thơ… ngủ quên!

GD&TĐ - Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, người cuối cùng của phong trào Thơ mới vừa từ giã bạn đọc ở tuổi 100 – thi sĩ Nguyễn Xuân Sanh - là người “không để thơ… ngủ quên trên thành công của dòng lãng mạn trước đó”.

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh và vợ - nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh (ảnh chụp năm 2006).
Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh và vợ - nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh (ảnh chụp năm 2006).

Con chữ kích thích tìm tòi

Bài thơ “Cô giáo lớp em” của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh in trong sách Tiếng Việt lớp 2 tập 1 (tái bản), NXB Giáo dục - 2008.
Bài thơ “Cô giáo lớp em” của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh in trong sách Tiếng Việt lớp 2 tập 1 (tái bản), NXB Giáo dục - 2008. 

Ấy là, trong ngày Hội Nhà văn Việt Nam mừng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh thượng thọ 100 tuổi hồi đầu tháng 11 vừa qua, nhà thơ Vũ Quần Phương đã đánh giá: “Đóng góp của Nguyễn Xuân Sanh từ những thể nghiệm “Xuân thu nhã tập” là ở chỗ kích thích tìm tòi, không để thơ ngủ quên trên thành công của dòng lãng mạn trước đó.

Mặt khác, ông cung cấp thêm cho thơ những năng lực khêu gợi tiềm ẩn độc lập trong từng chữ”. Đây cũng là cuộc mừng thọ cuối cùng của thế hệ hôm nay để rồi phải mãi mãi chia tay thi nhân – người cuối cùng của phong trào Thơ mới khi ông về thế giới bên kia chỉ sau đó mươi ngày và cũng vừa bước sang tuổi 101 chưa đầy một tuần.  

Nhìn lại, với hơn 100 năm tuổi đời mà có đến hơn 80 năm gắn bó cùng văn chương, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đã có được gia tài văn học không hề nghèo nàn. Bắt đầu “vương tơ” cùng nàng thơ từ năm 14 – 15 tuổi, ông viết “Xây mơ”, “Buồn mơ”, “Đường xuân” được các đăng báo như “Bút mới”, “Tiếng địch”, “Thanh nghị”… Nối tiếp đó là “Hồn ngàn mùa”, “Buồn xưa”, “Bình tàn Thu”… in trong “Xuân Thu nhã tập” cùng những tác phẩm thơ văn xuôi viết trong những năm 1940 – 1945 sau được tập hợp thành tập “Đất thơm” (in 1995).

Sau cách mạng tháng Tám, ông là tác giả của gần 10 tập thơ như: “Chiếc bong bóng hồng” (1957), “Tiếng hát quê ta” (1958), “Nghe bước xuân về” (1961), “Quê biển” (1966), “Đảo dưa đỏ” (1974), “Đất nước và lời ca” (1978)… 

Giờ đây khi được lần giở những vần thơ đầy hương sắc của Nguyễn Xuân Sanh, độc giả đã không khỏi ngỡ ngàng trước những câu thơ có sức khêu gợi trí liên tưởng mạnh mẽ. Trước tiên là những vần thơ được Nguyễn Xuân Sanh viết từ trước cách mạng tháng Tám cùng hoài bão “trí thức – sáng tạo – đạo lý” khi ông là thành viên của nhóm Xuân Thu.

Với nhà thơ Vũ Quần Phương, câu thơ như “Đường xuân rồi khép với chiều tơ” trong bài “Đường xuân” lộ chất thơ sáng, tươi trong. Đặc biệt trong hai câu thơ “Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi/Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y” ở bài “Buồn xưa”, Nguyễn Xuân Sanh đã chọn những từ có sức gợi tạo nên vẻ đẹp bất ngờ - một vẻ đẹp mơ hồ, khó nắm bắt, rất mê hoặc, một vẻ đẹp cảm giác. 

Nhắc lại hai câu thơ nổi tiếng của Nguyễn Xuân Sanh: Lẵng xuân/Bờ giũ trái xuân sa/Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” cũng trong bài “Buồn xưa”, ngoài việc lý giải về nghĩa GS. NGND Hà Minh Đức đặc biệt nhấn mạnh về sức hấp dẫn của thơ không phải chỉ ở tính đa nghĩa mà còn ở màu sắc nhạc điệu.

Và, “thơ Nguyễn Xuân Sanh trong “Xuân Thu nhã tập” đều mơ hồ nhưng đa nghĩa với nghĩa cũ vốn có bị xóa và liên kết với từ ngữ làm thay đổi ý nghĩa cũ. Đa nghĩa là điều tốt nhưng kết hợp được giữa đa nghĩa và mơ hồ là điều khó”, GS.NGND Hà Minh Đức đúc kết.

Lý giải về thi pháp trong thơ Nguyễn Xuân Sanh, theo GS.NGND Hà Minh Đức, nhà thơ chịu ảnh hưởng của Baudelaire Verlaine về phong cách, thi pháp nhưng ý tưởng sáng tạo chịu ảnh hưởng của Xuân Thu, trong đó vấn đề quan trọng là nghệ thuật phải có đặc điểm sáng tạo riêng, triết lý riêng. Đó là: “Gọi về những tính cách riêng của ta để có thể xuôi chảy trong cái dòng sống thực của ta, không quanh co lúng túng những ảnh hưởng ngoài.

Ngăn chặn cái họa mất gốc.” “Xuân Thu nhã tập” cũng nêu lên những quan niệm nghệ thuật truyền thống cơ bản và phát triển không thu tròn trong cái kén, phải thoát ra ngoài, đến với cái ta rộng lớn. Những quan niệm trên đã tiềm ẩn những nhân tố hợp lý, tích cực của từng tác giả, cũng sớm tìm đến với chân lý của đời sống, của thời cuộc”, GS. NGND Hà Minh Đức đánh giá.

Trong một bài viết về Nguyễn Xuân Sanh, nhà thơ Khuất Bình Nguyên tấm tắc với những câu thơ “đưa đẩy người ta vào thế giới của siêu thực trong sáng mà say đắm, kiểu như: “… Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa”. “… Ngàn mây tràng giang buồn muôn đời”... để rồi Bình Nguyên luyến tiếc: “Nhưng tôi cứ lấy làm tiếc sao Xuân Sanh không viết bài thơ thần của mình để người đời nhìn ngắm cái run rẩy đầy kiêu sa trong nét chữ của thi nhân một thời vang bóng và tiếng đời u huyền trực tiếp ẩn trong những ký tự mơ hồ của “Buồn xưa”. 

Không chỉ thế, nhà thơ Khuất Bình Nguyên còn đánh giá cao cách tổ chức đặc sắc một bài thơ văn xuôi với những tiêu đề nhỏ và những suy tưởng thơ rộng mở của Nguyễn Xuân Sanh khi ông viết tập “Đất thơm” – theo thể thơ văn xuôi đã trích đăng trên báo Thanh Nghị số 37 ngày 16/5/1943.

Theo Khuất Bình Nguyên, bằng “Đất thơm”, Xuân Sanh là nhà thơ đi tiên phong về thơ văn xuôi trên thi đàn Việt Nam hiện đại. Sau này, các nhà thơ tiếp tục con đường khai mở của Nguyễn Xuân Sanh như Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh… 

Đang là một cây bút rất lãng mạn, tượng trưng là thế nhưng khi nhập cuộc cùng dòng chảy cách mạng, các sáng tác của Nguyễn Xuân Sanh sớm trở về cuộc đời thực.

Nhưng dẫu viết về đề tài nào thì những con chữ trong mỗi vần thơ Xuân Sanh vẫn không ngừng sáng trong, kích thích tìm tòi từ quan niệm của riêng ông: “Thơ không phải để hiểu mà là để cảm. Thơ chính là một cách tri thức cao cấp, mang tính hàm súc, u uẩn và huyền ảo”.

Nhà thơ Vũ Quần Phương đã đánh giá cao những bài “Trước xuân thăm chùa Hương”, “Đà Lạt trăng”, “Cái nắng Nha Trang”, “Mũi én”… vì Nguyễn Xuân Sanh đã kết hợp được những tinh hoa bút pháp xưa trong phương thức sáng tác mới.

“Ở những bài này thơ có cái khỏe khoắn gần đời làm nền tảng vững chắc cho những liên tưởng lãng mạn cất cánh.

Cùng với đó, Nguyễn Xuân Sanh đã phấn đấu hiện thực hóa thơ, thơ kể được nhiều chuyện đời, ganh đua với cả báo chí, nhưng từ trong đáy hồn ông, chất trữ tình nhiều lúc lại ánh lên làm sáng cả đoạn thơ: “Mũi én như bàn tay hứng trăng/Trút ánh đêm thu bãi cát bằng/Sóng vỗ bạc đầu quanh mỏm đá/Dạt dào nghe rõ tiếng đêm chăng?”, nhà thơ Vũ Quần Phương nhận xét. 

Nhà nghiên cứu phê bình văn học Võ Gia Trị cũng nhấn mạnh rằng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như chống xâm lược Mỹ, tiếng thơ của Nguyễn Xuân Sanh vẫn luôn mới trong cái nhạc thơ riêng rất đặc thù của hồn ông.

“Thơ ông tinh tế mà tài hoa, đem lại cho bạn đọc những ấn tượng thú vị “Chim xuân khép cửa trầm tư lại/ Đẩy gió về đây mấy dặm ngàn...” (Nhạc rừng Việt Bắc). Sau này khi bước vào cuộc kháng chiến chống xâm lược Mỹ, cũng như sau đó nữa, ông vẫn giữ được cái nhịp thơ rất riêng này. Nó gần như là nhịp điệu tâm hồn ông…”, ông Trị nhấn mạnh.

Thơ gieo từ hoa, từ nắng…

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh ở tuổi 87 bên giá sách tư gia.
Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh ở tuổi 87 bên giá sách tư gia.

Mười bốn năm trước – năm 2006 – tôi đã may mắn được đến thăm nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh khi ông cùng người bạn đời – nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh sống trong ngôi nhà nhỏ nhắn nằm sâu ở con ngách của phố Vũ Ngọc Phan (Hà Nội).

Những hồi hộp, dè dặt của một cây bút non trẻ trong tôi tan biến ngay từ phút đầu vì được cặp vợ chồng văn chương đều ở tuổi xưa nay hiếm nồng hậu đón tiếp. 

Năm ấy, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đã 87 tuổi, thế nhưng trông ông thật trẻ trung, thanh lịch trong bộ đồ âu với áo sơ mi trắng thắt cà vạt, cắm thùng. Đôi mắt hiền từ của ông luôn cười theo những ký ức văn chương năm xưa dội về... Nhà thơ rủ rỉ kể, sinh ra ở Đà Lạt, ông hay được cha dẫn đến những chốn văn chương thơ phú.

Có lẽ vì thế mà tâm hồn trong trẻo của cậu bé Sanh sớm lảnh lót cùng những câu thơ tinh khôi: “Sáng nay anh lạnh quá em ơi/Bởi gió thu em đã đến rồi/Lác đác bên thềm mưa lá rụng/Với lời ước hẹn của muôn mai…” (Gió thu).

“Bài thơ đầu tay ấy được tôi viết khi ở độ tuổi thiếu niên nên cảm xúc rất mơ hồ, non tơ mà trong trẻo. Đây là bài thơ tôi tâm đắc vì mỗi khi đọc lại tôi thấy mình mãi mãi tươi trẻ, tinh khôi như thuở ban đầu ngây thơ ấy”, thong thả đọc lại bài thơ “Gió thu” được trích đăng trong tuyển tập “Thơ tình thế giới và Việt Nam”, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh bày tỏ.

Năm 14 tuổi, Nguyễn Xuân Sanh học ở Trường Quốc học Huế và cùng Huy Cận phụ trách tờ văn chương “Bước đầu” của trường, gồm những trang báo chép tay ra vào thứ 5 hàng tuần. Lúc rảnh, họ cùng nhau tìm sách đọc ở quán sách báo nhỏ nằm dưới chân cầu Tràng Tiền của nhà văn Hải Triều.

Khi ấy cuộc bút chiến “nghệ thuật vị nghệ thuật, nghệ thuật vị nhân sinh” nổ ra. Dù có cảm tình nhưng vì còn trẻ tuổi nên Nguyễn Xuân Sanh đã giữ thái độ im lặng quan sát mà trong đầu vẫn đặt ra nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng “chưa thể tự trả lời”. 

Văn chương đã vận vào Nguyễn Xuân Sanh như thế, dù rằng sau đó chàng trai trẻ trở thành sinh viên Luật của Trường Cao đẳng Đông Dương ở Hà Nội. Thế nên, không chỉ say mê làm thơ mà Nguyễn Xuân Sanh còn là một thành viên tích cực sáng lập nhóm Xuân Thu nhã tập sáng tác theo lý tưởng: “Gọi về những tính cách riêng của ta…” và  “Ngăn chặn cái họa mất gốc”. 

Có thể nói, từ chính cái lý tưởng rất đỗi tân tiến và ái quốc ấy mà khi đến với kháng chiến, Nguyễn Xuân Sanh nhanh chóng trở thành hạt nhân nòng cốt tham gia xây dựng phong trào văn nghệ cách mạng.

Đó là, ông đã cùng học giả Đặng Thai Mai phụ trách lớp văn nghệ kháng chiến liên khu IV, là Phó Tổng thư ký khóa I Hội Nhà văn Việt Nam kiêm phụ trách đối ngoại, được gọi là “ông Đốc Sanh” khi làm hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ…

Ngoài ra, ông còn là Chủ tịch hội đồng văn học dịch và là dịch giả của nhiều tập thơ như: Thơ Victo Huygo (1986), Tuyển tập thơ Pháp (3 tập, 1989 - 1994), Toàn tập 11 tác phẩm của nhà thơ Thụy Điển Tômax Tranxtrômer (1995)…

Với sáng tác, cây bút Nguyễn Xuân Sanh nhanh chóng chuyển mình từ bút pháp lãng mạn, tượng trưng sang bút pháp hiện thực và “nở rộ” với những tập thơ: “Tiếng hát quê ta”, “Quê biển”, “Đất nước và lời ca”, “Sáng thơ”… Đây cũng là những tác phẩm sau này ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I năm 2001. 

Đặc biệt, ông có hai bài thơ được chọn đăng trong sách giáo khoa và được nhiều thế hệ học trò yêu thích. Đấy là bài thơ “Cây dừa” (Tập đọc lớp 4 tập 1, NXB Giáo dục - 1958, tr.26 - 27) vẫn được các thế hệ học trò 5x, 6x, 7x nhắc nhớ: “Em sinh ở Tam Quan/Giữa miền Nam ruột thịt/Quê em dù xa tít/Em vẫn nhớ vẫn thương…”.

Chỉ có điều, đúng ra tên bài thơ phải là “Nhớ dừa”. Chẳng là, theo PGS.TS Lê Thị Bích Hồng, trong lần đầu tiên gặp gỡ, khi nghe bà đọc những câu thơ trong bài “Cây dừa”, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đã dẫn giải: “Ngày bé tôi theo cha học ở Trường Quốc học Quy Nhơn. Sau ra Huế, Hà Nội học trung học, lên Việt Bắc tham gia kháng chiến, rồi lại về Thủ đô, nhưng những ký ức tuổi thơ cứ nhắc nhớ mãi xứ dừa Tam Quan (Bình Định).

Dừa Tam Quan đã gợi cho tôi chủ đề viết bài thơ “Nhớ dừa”. Là “Nhớ dừa” mới đúng cảm xúc của tôi, chứ không đơn thuần là tả cây dừa”.

Còn với bài thơ “Cô giáo lớp em” (Tiếng Việt lớp 2, tập 1, NXB Giáo dục – 2002, tr.60) có lẽ trở thành bài ca về nhà giáo của rất nhiều học trò thuộc thế hệ 7x, 8x, 9x, 2k mỗi khi nghĩ về người thầy thân thương: “Sáng nào em đến lớp/Cũng thấy cô đến rồi/Đáp lời “Chào cô ạ!”/Cô mỉm cười thật tươi…”.

Trong dịp đến thăm nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, khi nghe tôi nhắc đến bài thơ này, ông trầm giọng bảo, đấy là một kỷ niệm gắn với người con trai đầu của ông đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ - liệt sĩ Nguyễn Việt Lưu. Lúc liệt sĩ Nguyễn Việt Lưu ở tuổi cắp sách đến trường, ông viết bài thơ này. 

Thơ Nguyễn Xuân Sanh là thế, mỗi vần thơ ông viết đều hướng đến những tìm tòi, khám phá. Và nhất là: “Mỗi lứa tuổi để lại một bông hoa hay ánh nắng gì đó. Những điều ấy sẽ gieo vào tâm hồn ta để ta viết thành những câu thơ đẹp. Và mỗi câu thơ hôm nay lại đặt cho mình một nẻo đường đi tới ngày mai…”, dù phải vĩnh biệt người cuối cùng của Thơ Mới đi xa nhưng vẳng trong tôi luôn là lời thi nhân lý giải về nguồn gốc thi hứng của mình tươi tắn như thế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.