Nhà thơ Phan Thanh Nhàn: Sống kĩ để viết hay

GD&TĐ - Bài thơ “Làm anh” của nữ sĩ Phan Thị Thanh Nhàn lại tìm được trang sách mới, đời sống văn học mới, bạn đọc mới sau hơn 20 năm yên vị trong sách “Tiếng Việt 1”, bộ cũ mà học sinh cả nước dùng chung.

Phan Thị Thanh Nhàn cùng các bạn văn của mình.
Phan Thị Thanh Nhàn cùng các bạn văn của mình.

Bài thơ “Làm anh" tìm được trang sách mới

Từ năm học 2020 - 2021, “Làm anh” nằm ở trang 141 “Tiếng Việt 1 tập 2” – sách “Cánh diều” của nhóm tác giả Nguyễn Minh Thuyết (chủ biên), Hoàng Thị Minh Hương, Trần Mạnh Hưởng, Đặng Kim Nga. Năm học này, “Làm anh” của Phan Thị Thanh Nhàn, cùng nhóm biên soạn ta vừa đưa tên, phải “giành” bạn đọc, bạn học với 4 sách “Tiếng Việt 1” khác.

Trong cuộc thi đua này, “Làm anh” tiếp tục khẳng định những vẻ đẹp mà mình đã có, cái đẹp của một tác phẩm văn học không gắn quá chặt vào một thời sự, thời cuộc nào đó, để còn đẹp mãi.

Đó là vẻ đẹp toát ra từ cậu bé vai “anh” rất mã thượng, rất đàn ông, rất người, thậm chí “người lớn”. Nhân vật ấy còn con nít mà biết ứng xử rất tự nhiên theo nếp xưa “anh em như thể chân tay/Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”.

Giá trị đạo đức ấy, cái đẹp nội dung ấy lại được truyền tải bằng nhịp đồng dao đối đáp, lời thơ dung dị, trơn tru, thuận miệng như ca từ của những trò chơi vận động. Các cháu lớp 1 có thể chia tốp, lập nhóm, đọc với nhau như hát trống quân.

Bên này tung -  “Làm anh khó đấy/Phải đâu chyện đùa/Với em gái bé/Phải “người lớn” cơ”, bên kia hứng – “Làm anh thật khó/Nhưng mà thật vui/Ai yêu em bé/Thì làm được thôi”, như chơi cầu bập bênh! Bên này đố - “Nếu em bé ngã”, bên kia giải “Anh nâng dịu dàng”.

Nét dịu dàng làm say người yêu thơ

“Dịu dàng” là âm chủ trong hòa âm thơ ca của Phan Thị Thanh Nhàn. Ngay cả khi thực hiện nghĩa vụ công dân, làm thơ động viên người ra trận, thực hiện nghĩa vụ quân sự, Phạn Thị Thanh Nhàn cũng chỉ dịu dàng động viên bằng “Hương  thầm” - mùi hoa bưởi, bài thơ được giải cao trong cuộc thi thơ thời chiến năm 1969 khiến tác giả của nó, một thanh nữ đang độ tuổi 20, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng trọng thị mời cơm.

Dịu dàng làm ra duyên dáng Phan Thị Thanh Nhàn, cái duyên của một thôn nữ nết na mà cần cù chăm chỉ, chỉn chu việc nhà:

Sân nhà sao sạch quá!

Đàn lợn đã được ăn

Cơm nước nấu tinh tươm

Vườn rau tươi sạch cỏ

Bà già thấy chuyện lạ

Bèn cố ý rình xem

Thì thấy một nàng tiên

Bước ra từ chum nước

(Phan Thị Thanh Nhàn, Tiếng Việt 4 tập 1 tr.18)

Cái duyên chung của làng xóm, thôn xã Việt thời chân quê. Và còn chân quê ngay trong thời chiến mới đây:

Lúa đồng đang gặt rộ/Cau chín ngang mái nhà/Gió heo may gọi rét/Cây rơm vàng như hoa/Chú rể là bộ đội/Về phép rồi đi xa/Cô dâu bằng lòng cưới/Má ửng lên thẹn thò/Thóc vun thành luống cao/Máy tuốt lúa ngừng reo/Loáng cái, sân hợp tác/Ðã hoa dăng đèn treo/Nước chè tươi sóng sánh/Làm say ông trăng tròn/Bọn trẻ say tiếng hát/Miệng cứ hò reo luôn/Các cụ ông say thuốc/Các cụ bà say trầu/Còn con trai con gái/Chỉ nhìn mà say nhau.

Lạ thế! Cổ lỗ sĩ như trầu cau, như thuốc lào, vậy mà chất thơ dịu dàng của Phan Thị Thanh Nhàn vẫn làm say người yêu thơ hôm nay!

Thơ là vẻ đẹp của sự giản dị

Nhưng, trong lĩnh vực văn học thiếu nhi, nữ sĩ dịu dàng Phan Phị Thanh Nhàn không dịu dàng chút nào với những ai thiếu tôn trọng độc giả nhỏ tuổi của mình, những ai viết cho các em không bằng cây viết văn chương mà bằng cái cần câu cơm.

Bà phẫn nộ: “…tôi thấy dường như hiện nay trong vài người viết đang manh nha một khuynh hướng rất lạ, viết dường như chỉ để thỏa mãn những tức giận vụn vặt của câu chuyện gia đình mình, viết mà không cần có trách nhiệm gì với xã hội, không cần biết những điều mình trút ra cho thỏa lòng ấy sẽ đem lại cái gì cho lớp trẻ?!

Có một nhà văn vừa cho ra một quyển sách rất “bẩn” (tôi buộc lòng phải dùng từ này) tôi hỏi anh viết như thế nhằm  phục vụ cái gì thì anh bảo “tôi viết để kiếm tiền nuôi vợ nuôi con”. Có lẽ anh nói đùa, nhưng nhà văn mà nói như thế thì quả thực là liều. Chính những quyển sách ấy đang ngày càng làm mòn dần niềm tin trong lòng độc giả đối với nhà văn” (báo Sài Gòn Giải Phóng 11/6/2000).

Phan Thị Thanh Nhàn dịu dàng nhưng đáo để khi bảo lưu văn phong “Thơ là vẻ đẹp của sự giản dị” mình theo đuổi: “Tôi không thích sa vào sự cầu kì, lắt léo, hoa mỹ hay làm xiếc câu chữ” (tuần san Sài Gòn Giải Phóng thứ Bảy 7/4/2001) vì bà đã “đọc kĩ “những thiên tài thi ca Puskin, Êxenhin, và thấy họ: “Chẳng đã giản dị tới mức bậc thầy đó sao?! (Tuổi Trẻ  Chủ nhật 9/11/1997).

Sống kĩ, để viết hay

Sự nghiệp văn học của Phan Thị Thanh Nhàn đủ để bạn đọc tin yêu đến mức coi nhà văn như nhân vật của mình.

Trong thực tế trang văn học phải in ra, đang chuyển dần thành trang văn học hiện ngay trên mạng, rất nhiều người hâm mộ, thích thú theo dõi https://www.facebook.com/thanhnhan.phanthi.908  của tác giả! Họ theo bà, theo “U Nhàn” cùng đạp xe quanh hồ Tây với nhà thơ Trần Đăng Khoa, cùng U vào chụp ảnh với nhà báo Hữu Việt dước gốc đa cổ thụ báo Nhân Dân, bên Hồ Gươm, cùng U đi đám giỗ Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ, để được nghe bà kể chuyện tình của cặp đôi tài sắc tót vời này!

Được bạn đọc ưu ái như vậy là vì, ngay từ thời thanh niên bà đã say mê và trách nhiệm, lao động nhà văn theo kiểu, hãy sống đã, rồi viết. Sống thật tới mức không giấu mình từng làm thơ tình, lấy “cảm hứng “từ cụ dế mèn Tô Hoài, sếp của mình, để rồi vì kính cụ, giữ kín chuyện này, tới ngày cụ qua thế giới bên kia mới “bật mí”: …Tôi viết bài thơ “Bông hồng không tặng”. Bài này đã đăng báo nhiều lần, nhưng tôi chưa bao giờ nói với nhà văn là tôi làm tặng bác” (https://dantri.com.vn/van-hoa/phan-thi-thanh-nhan-tiet-lo-bai-tho-tang-nha-van-to-hoai-1405347019.htm ).

“Bông hoa không tặng” ấy đây:Hẹn gặp anh trước Tết/Mang theo một đóa hồng/Bao nhiêu lời chúc đẹp/Định nhờ hoa nói giùm/Chuyện trò bâng quơ mãi/Mẹ già thêm tuổi trời/Những hàng cây Hà Nội/Việc đang làm nay mai.../Biết đời anh từng trải/Công với việc ngập đầu/Vẫn tấm lòng ưu ái/Đôi mắt nhìn xa sâu/Tay cầm hoa bỗng ngượng/Ý nghĩ mình trẻ con/Anh sẽ cười nếu tặng/Hoa hồng nhung chóng tàn!

Một trang sách giáo khoa có in bài thơ của Phan Thị Thanh Nhàn.
Một trang sách giáo khoa có in bài thơ của Phan Thị Thanh Nhàn.

Sống kĩ, để viết hay! Trong những ngày cùng làm hội viên Hội Nhà văn Hà Nội với nhà văn Tô Hoài, rồi cùng ông làm báo “Người Hà Nội “nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã kĩ lưỡng ghi chép những bài học văn chương từ nhà văn bậc thầy của mình.

Bà kể “sách đầu tiên “Xóm đê ngày ấy” của tôi cũng được nhà văn đọc kỹ và chỉ bảo nhiều. Tô Hoài nói: “Cô viết ẩu lắm, ví dụ: “Con đê mọc đầy cỏ dại” là không ổn. Cô phải biết con đê ấy mọc cỏ gì, cỏ mần trầu, cỏ may hay cỏ dại, mùa ấy nó có hoa không hay đang héo, nhà văn phải làm sống động trang viết bằng chi tiết, tức là phải quan sát thật kỹ cô ạ”. 

Bà kể:  “Năm 1997, tôi sang Nga dự Hội nghị các nhà văn trẻ khối xã hội chủ nghĩa, nhà văn cũng cùng đi một chuyến bay, lúc nghỉ ở sân bay Karachi chờ đổ xăng, bác dặn: “Cô đi lần đầu ra nước ngoài, đừng có ham hố mua mua bán bán. Hãy quan sát và ghi chép tất cả nhé, trước khi đi đâu hoặc trước khi ăn uống, nhớ quan sát xem họ dùng thìa nĩa ra sao, đường đi lối lại thế nào, kẻo lạc là khổ. Ghi tên khách sạn vào sổ tay, số phòng nữa. Chuyện nhỏ mà cần lắm đó”.

Một ghi chép kĩ lưỡng hơn: “… tôi đưa nhà văn Tô Hoài bài tôi vừa viết định đăng số tới: “Tôi và nhà thơ Xuân Quỳnh”. Nhà báo Tổng Biên tập vừa đọc xong đã ngẩng lên cười mỉm: “Hôm trước cô đưa tôi duyệt bài của Vương Trí Nhàn “Tôi và nhà văn Nguyễn Tuân” tôi đã nhắc là người viết không bao giờ đưa mình lên trước tên người khác, dù người đó là ai, cô nhớ sửa lại, “Nhà văn Nguyễn Tuân và tôi”, hôm đó cô đã sửa rồi mà hôm nay lại quên!

Từ nay, viết về ai, cô đều phải nhớ đặt chữ tôi sau tên người được cô viết nhé. Ví dụ “Con gái tôi và tôi”, “Người quét rác và tôi”. Đừng quên nữa nha! Tôi le lưỡi: “Nhưng khi nào viết về anh, nhất định em sẽ viết “Tôi và nhà văn Tô Hoài”. Hai anh em cười vui. Và nhà văn dùng chiếc bút bi đang cầm gõ nhẹ vào đầu tôi: Bướng hả?   (https://suckhoedoisong.vn/ky-niem-lam-bao-cung-nha-van-to-hoai-n159191.html).

Người trước, người sau, cả Tô Hoài và Phan Thị Thanh Nhàn đã lao động nhà văn cách ấy để trẻ em Việt có những trang giáo khoa Tiếng Việt thiệt hay!

- Sinh ngày 9/8/1943. Quê ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ðảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

 - Ðã từng theo học: Khoa Báo chí Trường Tuyên giáo Trung ương, Khóa 5 lớp bồi dưỡng những người viết văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam, Khóa cao học dành cho các nhà văn trẻ Việt Nam tại Học viện Gorky (Liên Xô).

Tác phẩm chính

- Thơ: Tháng giêng hai (Văn học, 1969, in chung với Thúy Bắc và Hoàng Thị Minh Khanh); Hương thầm (Văn học, 1973); Chân dung người chiến thắng (Tác phẩm mới, 1977); Bông hoa không tặng (Tác phẩm mới, 1987); Nghiêng về anh (Hội Nhà văn, 1992); Bài thơ cuộc đời (Hà Nội, 1999); Thơ với tuổi thơ (Kim Ðồng - 2002).

- Văn xuôi: Xóm đê ngày ấy (tái bản ba lần, Kim Ðồng - 1975, Hà Nội, 1982, Kim Đồng - 1999); Hoa mặt trời (PHỤ NỮ, 1981); Ánh sáng của anh (Kim Ðồng, 1978); Tuổi trăng rằm (Kim Ðồng, 1982); Bỏ trốn (Kim Ðồng, 1995 - 1996 - 1999).

- Ðã nhận được các giải thưởng văn học: Giải Nhì cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1969; Giải A của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội các năm 1974 và 1980; Giải C Nhà xuất bản Kim Ðồng cho tác phẩm Tuổi trăng rằm năm 1982; Giải A Nhà xuất bản Kim Ðồng cho tác phẩm Bỏ trốn năm 1995. Năm 1996 tác phẩm này được xưởng phim truyện Việt Nam dựng phim nhựa và đoạt giải Bạc của Hội Ðiện ảnh Việt Nam năm 1996.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ